Chuẩn mực đạo đức trong Công tác xã hộ

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 27 - 31)

Chuẩn mực đạo đức là tập hợp những quy định xã hội về các giá trị đạo đức mà cá nhân, nghề nghiệp và xã hội cần thực hiện.

Chuẩn mực đạo đức trong Công tác xã hội được hiểu là tập hợp các quy định về những giá trị chuẩn mực đạo đức của nghề mà người nhân viên xã hội cần phải thực hiện. Nó mô tả trách nhiệm và hành vi của nhân viên xã hội trong thực hành Công tác xã hội nhằm định hướng hành động cho nhân viên xã hội và ngăn ngừa những hành vi lệch lạc chuẩn mực đạo đức cá nhân của nhân viên xã hội trong mọi tình huống, nhất là những tình huống phức tạp mà nhân viên xã hội phải đương đầu.

Mục đích của việc quy định chuẩn mực đạo đức nhằm: - Quy định hành vi của người nhân viên xã hội,

- Xác định quyền hạn và trách nhiệm của nhân viên xã hội khi thực hiện công việc. - Bảo vệ đối tượng khỏi sự lạm dụng của những nhân viên xã hội thiếu lương tâm và trách nhiệm.

Hành động của mỗi cá nhân, hoạt động của mỗi nghề trong xã hội đều bị chi phối bởi những giá trị chuẩn mực đạo đức nhất định. Trong cuộc sống, trong các mối quan hệ luôn tồn tại nhiều quan niệm về đạo đức, như: Đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội. Ví dụ, về đạo đức nghề nghiệp, ngành y có y đức. Trong hoạt động nghề nghiệp, ngành Công tác xã hội đòi hỏi người nhân viên xã hội nếu chỉ có sự nhiệt tình, có tri thức, kiến thức, kỹ năng công tác xã hội thì chưa đủ mà mỗi nhân viên xã hội khi hành nghề còn phải có "Tâm" với đối tượng, với nghề.

Quy điều đạo đức được xây dựng theo từng nghề và cụ thể cho từng nước. Mỗi nghề chuyên môn đều có quy điều đạo đức riêng, là kim chỉ nam định hướng hành vi của người thực hiện. Đạo đức nghề nghiệp giới hạn những quyền lực của nghề, nhằm ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực và ân hưởng mà nghề nghiệp có được trong khi hành nghề. Ví dụ: Trong ngành Y, luật pháp quy định các điều kiện được hành nghề, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề; theo đó, chỉ các bác sỹ được cấp phép mới được quyền khám bệnh, kê đơn thuốc cho bệnh nhân... Trong Công tác xã hội hiện đại cũng vậy, nhiều nước chỉ cấp phép hành nghề cho những người đã được đào tạo kiến thức, kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp. Nhân viên xã hội hành động trong khuôn khổ các quy điều đạo đức do Hiệp hội các nhà công tác xã hội chuyên nghiệp xây dựng và được pháp luật bảo vệ. Bất cứ hành vi vi phạm nào của nhân viên xã hội đối với quy điều đạo đức của ngành đồng nghĩa với việc tước đi những quyền lực và những ân hưởng mà xã hội dành cho họ.

Quyền lực là khả năng ảnh hưởng đến người khác. Cho nên nhân viên xã hội có rất nhiều quyền lực khi làm việc với đối tượng. Công cụ của nhân viên xã hội là quyền lực, đó là những kiến thức, cơ quan làm việc của nhân viên xã hội và sự uỷ thác của xã hội, của đối tượng. Đó là lý do để nhân viên xã hội làm việc và hợp đồng với đối tượng, để đối tượng biết một cách rõ ràng về những gì ở nhân viên xã hội và những kết quả từ hành vi của nhân viên xã hội, đặc biệt trong những hoàn cảnh quyền lực được thể hiện rõ ràng.

Quy điều đạo đức thay đổi theo từng thời kỳ phát triển của nghề và tuỳ thuộc vào bối cảnh xã hội và nền văn hoá của mỗi nước. Các nhân viên xã hội ở mỗi nước cùng đến với nhau trong một Hiệp hội của mình và xây dựng quy điều đạo đức nghề nghiệp riêng cho ngành mình, đất nước mình. Đó cũng là những thách thức cho những người đi tiên phong trong lĩnh vực Công tác xã hội ở Việt Nam, bởi vì để quy điều đạo đức của ngành có hiệu lực phải có luật quy định các quyền lực và những ân hưởng chỉ dành cho những nhân viên xã hội được cấp phép hành nghề.

Các quy điều đạo đức trong Công tác xã hội tuy có khác nhau đôi chút giữa các quốc gia, song đều được xây dựng trên cơ sở nền tảng triết lý và những giá trị chung. Cấu trúc chung của quy điều đạo đức của các nước đều thể hiện những quy định chung về trách nhiệm của nhân viên xã hội đối với đối tượng, với đồng nghiệp, với cơ quan quản lý trực tiếp, với ngành Công tác xã hội và đối với xã hội. Khi được công nhận, nhân viên xã hội phải tuyên thệ sự trung thành với các quy điều này.

Các quan điểm giá trị chung của Công tác xã hội đều thể hiện những quan điểm cơ bản sau đây:

- Công tác xã hội phải tạo môi trường thuận lợi giúp các cá nhân, gia đình, cộng đồng giảm bớt hoặc loại trừ các khó khăn, đáp ứng các nhu cầu cơ bản để cá nhân, gia đình, cộng đồng có thể phát huy tối đa tiềm năng của họ.

- Mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng đều phải đóng góp tích cực mọi khả năng của mình cho sự an sinh của cá nhân và sự phát triển của xã hội.

- Mỗi cá nhân, cộng đồng cần được bảo đảm của xã hội về các quyền con người, được tôn trọng và đối xử công bằng, bình đẳng.

- Phát triển các mối liên hệ, tương tác chặt chẽ giữa các cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội để phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc cho sự phát triển bền vững.

- Xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân được tham gia, đóng góp và thụ hưởng các phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, các giá trị chuẩn mực đạo đức chưa thể coi là hoàn chỉnh cho hành vi cụ thể của người nhân viên xã hội trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh mà nó chỉ là những quy định chung mang tính định hướng các hoạt động của nhân viên xã hội. Đặc biệt, đối với các tình huống phức tạp thì người nhân viên xã hội phải bình tĩnh, ứng xử năng động và sáng tạo.

Ở nước ta, Công tác xã hội chuyên nghiệp và đào tạo Công tác xã hội còn khá mới mẻ. Hiện tại, chưa có chức danh, tiêu chuẩn của nghề Công tác xã hội và

chưa có Hiệp hội Công tác xã hội. Do vậy, các nhân viên xã hội hoạt động trong các lĩnh vực chịu sự tác động của các quy định chung về chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức thuộc lĩnh vực công tác và chức danh đảm nhiệm. Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo tại quyết định ban hành chương trình khung giáo dục đại học ngành Công tác xã hội trình độ đại học, cao đẳng (2004) có ghi: Đào tạo những cử nhân Công tác xã hội có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức phục vụ nhân dân, có sức khoẻ, có tinh thần say mê yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành về nghề Công tác xã hội, có khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ xã hội và nâng cao năng lực con người.

Ở các nước có nghề Công tác xã hội phát triển, có Hiệp hội Công tác xã hội quốc gia, nhân viên xã hội hoạt động trên cơ sở hệ thống các giá trị và quy điều đạo đức. Sau đây là những điểm chung được thể hiện trong quy điều đạo đức của nghề Công tác xã hội:

- Với đối tượng:

Phục vụ đối tượng là mối quan tâm hàng đầu,

Phát huy tối đa khả năng tham gia tự giải quyết của đối tượng, Bảo vệ sự bí mật riêng tư của đối tượng.

- Với đồng nghiệp: Tôn trọng, bình đẳng,

Tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau,

Quan tâm đến đối tượng của đồng nghiệp. - Với cơ quan trực tiếp quản lý:

Thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được uỷ thác, Tôn trọng và chấp hành tổ chức, kỷ luật của cơ quan,

Đóng góp ý kiến khách quan với cơ quan về cải tiến tổ chức và cách thức cung cấp các dịch vụ.

- Với ngành Công tác xã hội:

Có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, Tinh thần phục vụ cao,

Liêm chính,

Say mê nghiên cứu. - Với xã hội:

Quan tâm cung cấp các dịch vụ xã hội cho đối tượng trên cơ sở hài hoà giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội,

Chủ động đề xuất, tìm nguồn hỗ trợ,

Quan tâm đến tuyên truyền, giáo dục, vận động cộng đồng.

( Xem phụ lục 1: Quy điều đạo đức của Đoàn chuyên nghiệp xã hội Philippin)

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 27 - 31)