Chức năng của Công tác xã hộ

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 38 - 43)

Ngành y học hiện đại có 4 chức năng cơ bản: Phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, ngành y học chữa trị về mặt sinh học của con người. Trong Công tác xã hội, Nhân viên xã hội với tư cách là bác sỹ xã hội thực hiện chức năng can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội của con người.

Là một ngành khoa học ra đời sau ngành y học, Công tác xã hội hiện đại ứng dụng 4 chức năng cơ bản của ngành y học trong hoạt động của mình. Như vậy, Công tác xã hội có các chức năng cơ bản: Phòng ngừa các vấn đề xã hội, can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội, phục hồi và phát triển chức năng xã hội của con người.

1. Phòng ngừa các vấn đề xã hội

Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh được đúc kết kinh nghiệm từ ngành y học. Trong hoạt động thực tiễn, ngành Công tác xã hội tuy ra đời muộn hơn so với ngành y nhưng đã sớm ý thức rằng cách để giải quyết tốt nhất các vấn đề xã hội của con người là ngăn ngừa, phòng chống các nguyên nhân nảy sinh các vấn đề xã hội của con người. Bởi vì, trong Công tác xã hội nếu nhân viên xã hội chờ tới khi cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng xã hội rơi vào tình huống khó khăn, có vấn đề mới tiến hành các hình thức và biện pháp giúp đỡ thì sẽ hao tốn công sức, thời gian, tiền của và sẽ không có lợi cho đối tượng được giúp đỡ.

Ví dụ: Trong công tác phòng chống ma tuý, nếu không quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa mà chờ tới khi con người nghiện ngập ma tuý mới tiến hành các biện pháp can thiệp chữa trị, phục hồi thì sẽ tốn công sức, thời gian và tiền bạc mà hiệu quả lại không như mong muốn của người giúp đỡ.

Trong công tác xoá đói giảm nghèo cũng vậy, nếu để người dân lâm vào tình cảnh nghèo đói mới tiến hành các biện pháp giúp họ giải quyết vấn đề nghèo đói thì bản thân họ đã phải gánh chịu những thiệt thòi từ nghèo đói đưa đến, như

con cái không được học hành tử tế, ốm đau không có tiền để chữa bệnh … do họ không được tiếp cận và hưởng lợi từ các nguồn và lợi ích của xã hội do thiếu sự quan tâm đến việc phòng ngừa các nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói.

Để phòng ngừa có hiệu quả các vấn đề xã hội có thể xảy ra cần tiến hành đồng bộ các giải pháp của cả chủ thể quản lý và khách thể. Trong đó, cần quan tâm tạo dựng môi trường xã hội hài hoà và an toàn mà trong đó con người đang sinh sống thông qua hệ thống các chính sách, chương trình kinh tế - xã hội đúng đắn, lấy con người làm trung tâm, hướng vào con người, cho con người, vì lợi ích của con người; đồng thời cần tăng cường cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống con người về dinh dưỡng, nước sạch sinh hoạt, nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục.v.v.

Trong các hoạt động Công tác xã hội, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động xã hội và tham vấn, nhất là các nội dung tuyên truyền, giáo dục và tham vấn có tính chất phòng ngừa sự nảy sinh các vấn đề xã hội. Mặt khác, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cũng cần tự ý thức phòng ngừa các vấn đề xã hội có thể xảy ra cho chính bản thân mình, gia đình mình và cộng đồng của mình trên cơ sở nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cá nhân đối với xã hội và sự tham gia tích cực vào các chương trình kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình phát triển xã hội.

Ở nước ta hiện nay, Nhà nước đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình quốc gia vì sự an sinh của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, như:

- Chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm, - Chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình,

- Chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, - Chương trình phổ cập giáo dục,

- Chương trình quốc gia hành động vì trẻ em,

- Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,

- Chương trình hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ,

- Chương trình quốc gia phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS .v.v. Trong mỗi chương trình lớn lại cụ thể hoá thành các chương trình mục tiêu quốc gia nhỏ hơn gắn với từng giai đoạn phát triển xã hội. Chẳng hạn như:

+ Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng các xã vùng sâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn,

+ Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, + Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, + Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, + Chương trình an toàn thực phẩm,

+ Chương trình phòng chống lao .v.v.

2. Can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội

Trong thực tiễn cuộc sống, dù con người và xã hội đã có ý thức phòng ngừa nhưng rủi ro, bất hạnh vẫn cứ xảy ra ngoài sự mong muốn và kiểm soát của con người, đặt họ vào hoàn cảnh khó khăn và chỉ biết tìm cách đối phó, giải quyết.. Trong nhiều trường hợp, bản thân cá nhân, gia đình và cộng đồng không tự giải quyết được các vấn đề khó khăn của chính họ. Đến lúc này, họ rất cần đến sự giúp đỡ của Nhà nước, của xã hội. Trong đó, có sự tham gia của ngành Công tác xã hội.

Can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội (theo quan niệm trước đây gọi là chữa trị trong Công tác xã hội) được hiểu là những hoạt động can thiệp của ngành Công tác xã hội mà trực tiếp là các nhân viên xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ để giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề mà họ đang gặp phải nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng có vấn đề giảm bớt hay loại trừ những khó khăn hiện tại để hoà nhập vào cuộc sống của cộng đồng. Ví dụ như giải quyết vấn đề nghèo đói; chữa trị, phục hồi cho người nghiện ma tuý; chữa bệnh và giáo dục người mại dâm; trợ giúp người khuyết tật; giải quyết tình trạng trẻ em lang thang .v.v.

Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng khi gặp khó khăn đều không giống nhau, nhu cầu cần được giúp đỡ cũng không giống nhau. Vì vậy, trong can thiệp giải quyết vấn đề của đối tượng cần tiến hành các hình thức, biện pháp can thiệp khác nhau tuỳ theo từng hoàn cảnh khó khăn, nguyên nhân của vấn đề và nhu cầu cần được đáp ứng.

3. Phục hồi chức năng xã hội của con người

Một trong các mục tiêu của công tác xã hội là góp phần tạo ra những điều kiện và cơ hội để con người tham gia đầy đủ vào các hoạt động chung của cộng đồng, của xã hội. Vì vậy, trong các hoạt động can thiệp giải quyết vấn đề, nhân viên xã hội đặc biệt quan tâm tới khả năng đáp ứng việc phục hồi các chức năng xã hội của con người thông qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp.

Ví dụ: Trong công tác cai nghiện cho người nghiện ma tuý, cùng với việc điều trị cắt cơn giải độc, cần quan tâm tiến hành các hoạt động phục hồi sức khoẻ, phục hồi hành vi và nhân cách của người nghiện để người nghiện sau khi cai nghiện tái hoà nhập với gia đình và cộng đồng.

Hay trong các hoạt động can thiệp giúp đỡ người khuyết tật cũng vậy, sau các can thiệp về y học cần tiến hành các hoạt động phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng, phục hồi lao động... để người khuyết tật có thể tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, tham gia lao động sản xuất phù hợp với khả năng lao động của chính họ.

Trong Công tác xã hội nhóm, việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột nhóm giúp các thành viên trong nhóm tăng cường sự hiểu biết, sự liên kết và tương tác giữa các thành viên làm cho bầu không khí nhóm được hoà thuận, đoàn kết, hợp tác để cùng thực hiện những công việc chung của nhóm.

Trong Phát triển cộng đồng, ngoài việc các tác viên làm phát triển cộng đồng giúp người dân trong cộng đồng phân tích các khó khăn, trở ngại, tiềm năng... của cộng đồng, còn giúp họ nâng cao năng lực, quyền lực và ý thức tự lực trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng.

4. Phát triển chức năng xã hội của con người

Mục tiêu hoạt động của Công tác xã hội là hướng vào phát triển con người, phát triển xã hội. Vì vậy trong các hoạt động Công tác xã hội, nhân viên xã hội không chỉ quan tâm đến việc phòng ngừa và giải quyết các vấn đề xã hội mà còn đặc biệt quan tâm đến việc giải phóng con người, phát huy tiềm năng vốn có của con người nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng để đối phó và tự lực giải quyết những vấn đề của chính họ mà không cần tới sự trợ giúp của nhân viên xã hội trên cơ sở phát huy tiềm năng cá nhân và xã hội, nâng cao năng lực và tự lực của các thành viên.

Ngày nay, việc phát triển con người, phát triển xã hội được quốc tế và nhiều quốc gia coi trọng. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã xác định: "Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển". Để tạo dựng nền tảng xã hội ổn định làm cơ sở cho việc tăng trưởng kinh tế bền vững, hàng năm Nhà nước đã tăng các khoản chi ngân sách để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nước sinh hoạt...) cho người dân thông qua phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển để giúp người dân tăng cường năng lực giải quyết vấn đề, phát huy tiềm năng, tham gia vào các chương trình phát triển xã hội vì hạnh phúc của mỗi cá nhân và sự phồn vinh của đất nước.

Tuy nhiên, trong hoạt động Công tác xã hội, việc phân chia các chức năng như trên chỉ có ý nghĩa tương đối về mặt lý thuyết để làm rõ chức năng hoạt động của ngành. Còn trong hành động thực tế, việc thực hiện các chức năng lại có sự liên hệ chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau. Thực hiện chức năng này là điều kiện, tiền đề cho việc thực hiện các chức năng khác. Vì vậy, trong thực hành Công tác xã hội, nhân viên xã hội phối hợp thực hiện đồng bộ các chức năng. Bởi vì, nếu làm tốt chức năng phòng ngừa có nghĩa là đã tạo ra điều kiện tiền đề để giảm bớt các vấn đề xã hội nảy sinh, giảm bớt các đối tượng khó khăn cần sự giúp đỡ và đương nhiên cá nhân, gia đình và xã hội đã tự lực phát triển. Còn nếu công tác chữa trị tốt sẽ giúp cho sự phục hồi và phát triển có khả năng thực hiện. Ngược lại, nếu thực

hiện tốt chức năng phục hồi và phát triển là đã tạo ra cơ sở quan trọng để cá nhân, gia đình và cộng đồng phòng ngừa, đối phó được các vấn đề khó khăn có thể xảy ra trong tương lai.

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)