I. Bốn thành tố cơ bản trong Công tác xã hộ
2. Vấn đề của đối tượng
Vấn đề xã hội của con người được hiểu là những tình huống nảy sinh trong cuộc sống, trong tiến trình phát triển xã hội mà chủ thể (con người, nhóm xã hội, cộng đồng) đang phải đối mặt, bản thân họ chưa có kế sách để tự giải quyết hoặc nếu có nhưng vì hạn chế nguồn lực cá nhân. Những vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng nếu không được giải quyết sẽ có tác động ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và sự an sinh của toàn xã hội.
Vấn đề của đối tượng thuộc các cấp độ khác nhau. Vấn đề có thể ở cấp độ cá nhân của một người, có thể là vấn đề của một gia đình, hay của một nhóm hoặc một cộng đồng. Vấn đề của mỗi cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng mang tính phổ biến trở thành vấn đề của xã hội.
Vấn đề xã hội là vấn đề của nhiều cá nhân mà những cá nhân này không tự giải quyết được, nó gây cản trở sự phát triển bình thường của các cá nhân và toàn xã hội.
Cuộc sống con người chịu tác động ảnh hưởng khác nhau của các quy luật tự nhiên, kinh tế, xã hội... dẫn đến khó tránh khỏi những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, như bệnh tật, già yếu, thất nghiệp, nghèo đói, nạn bạo hành, nghiện ngập ma tuý... Trong nhiều trường hợp, do thiếu thốn các nguồn lực cá nhân làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng xã hội của họ, đòi hỏi Nhà nước và xã hội phải có những phương sách, kế sách để giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng cường các chức năng xã hội của họ. Trên bình diện vĩ mô, Nhà nước thiết lập hệ thống các chính sách an sinh xã hội quốc gia và hình thành các thiết chế tổ chức Nhà nước để thực thi chính sách. Ở cấp trung mô, hình thành các cơ quan, tổ chức cung cấp các dịch vụ xã hội cho những cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng gặp khó khăn trong cuộc sống. Ở cấp vi mô, khơi dậy ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong việc ứng phó và nỗ lực cá nhân trong việc tự lực giải quyết các vấn đề của cá nhân và tham gia cùng với Nhà nước và cộng đồng xã hội trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân và của xã hội.