1. Đối tượng của nghề Công tác xã hội
Đối tượng phục vụ của Công tác xã hội là con người và những vấn đề xã hội của con người. Trong đó, Công tác xã hội đặc biệt quan tâm đến những cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nói tới Công tác xã hội là nói tới giải quyết các vấn đề xã hội của con người, vấn đề phát triển xã hội, nâng cao năng lực, phát huy năng động của mỗi con người và tổ chức xã hội. Công tác xã hội đặc biệt nhằm tới sự
công bằng và nâng cao năng lực cho nhóm người yếu thế trong xã hội, như: Trẻ em, nhất là trẻ em đặc biệt khó khăn; phụ nữ; người nghèo; người khuyết tật; người cao tuổi .v.v.
Trên thực tế, chúng ta phải khẳng định rằng ở bất kỳ quốc gia nào, ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào, vẫn luôn luôn tồn tại những con người do những nguyên nhân chủ quan và khách quan mà họ gặp phải những rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống và trở thành những người thiệt thòi, yếu thế, dễ bị tổn thương. Họ không đủ khả năng thực hiện các chức năng xã hội và cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để có thể vượt qua khó khăn, hoà nhập vào cuộc sống của cộng đồng.
Chẳng hạn, về khía cạnh bình đẳng giới, Liên hợp quốc có đưa ra số liệu thống kê như sau: Phụ nữ thực hiện 67% số giờ làm việc của toàn thế giới. Nhưng thu nhập của phụ nữ chỉ chiếm 10% thu nhập của toàn thế giới; phụ nữ chỉ sở hữu 1% trong tài sản thế giới và 2/3 số người thất học trên toàn thế giới là phụ nữ.
Tình hình chung, sự bất bình đẳng về kinh tế do phân biệt giới tính, phụ nữ càng bị lệ thuộc vào nam giới càng có nguy cơ phải chịu những hành động bạo lực và không có lối thoát. Sau đây là một ví dụ về tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ:
Bangladesh 50% kẻ giết người là chồng giết vợ Sirilanca 60% phụ nữ bị đánh đập
Mexico 60% phụ nữ bị hành hạ về thể chất
Chile 80% phụ nữ bị ngược đãi bởi họ hàng hoặc chồng
Thailand Hơn 50% phụ nữ có chồng thường xuyên bị đánh đập
Xét về khía cạnh nạn bạo hành và xâm hại trẻ em: Tại Hoa Kỳ, cứ 10 giây lại có một phụ nữ bị đánh đập và mỗi năm có khoảng 2000 đến 4000 phụ nữ bị chồng hoặc người tình giết chết. Mỗi năm có 2,5 triệu trẻ em bị ngược đãi, 12.000 trẻ em chết vì bị hành hạ. Có khoảng một triệu trường hợp người lớn bị ngược đãi mỗi năm. Những thống kê cho thấy, nước Mỹ đứng đầu trong các nước phương Tây về số vụ cưỡng dâm. Tính theo đầu người tại Hoa Kỳ có 41,2 vụ trên 100.000 dân mỗi
năm. So sánh tỷ lệ này so với các nước: Hà Lan 8,9; Đức 8,2; Anh 6,7; Thuỵ Sĩ 6,3; Ba Lan 5,9.
Ở nước ta, do các yếu tố tác động của thiên tai, của chiến tranh và những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đã tồn tại và phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần giải quyết, như: Vấn đề nghèo đói, nạn nhân chiến tranh, tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm...), người nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi, người già cô đơn, người khuyết tật .v.v. Bên cạnh đó, nhiều bi kịch cuộc sống cá nhân, gia đình do hậu quả của việc bạo hành trong gia đình, bất bình đẳng giới... vẫn đang tồn tại. Những vấn đề xã hội nêu trên đang đặt ra cho các nhà lãnh đạo, quản lý đất nước, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng và cả cộng đồng xã hội những nhiệm vụ rất to lớn trong việc tìm ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết một cách có hiệu quả, bền vững nhằm tiến tới thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".
Trong nhiều năm qua, Nhà nước và xã hội đã giành những sự quan tâm nhất định đối với những cá nhân, gia đình, cộng đồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều chính sách xã hội và phong trào xã hội đã mang lại cho những cá nhân, gia đình, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn vượt qua khó khăn, trở ngại vươn lên khẳng định bản thân, hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể của các nhân viên xã hội làm việc ở các lĩnh vực khác nhau.
Có thể nói rằng, Công tác xã hội không đơn thuần giải quyết các vấn đề xã hội mà còn góp phần giải quyết vấn đề kinh tế, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, cho đối tượng thông qua phương pháp nghiệp cụ chuyên môn. Cuộc chiến chống nghèo đói, hiểm hoạ ma tuý, đại dịch HIV/AIDS, thảm hoạ của thiên tai, bất bình đẳng xã hội ... và việc giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội đều liên quan đến Công tác xã hội.
2. Mục đích
Hoạt động lao động của con người là hành động có mục đích, có ý thức. Trong hoạt động Công tác xã hội, mục đích hành động của nhân viên xã hội và của ngành nhằm góp phần đem lại sự an sinh cho con người và sự phồn vinh của xã hội
thông qua việc cung cấp các dịch vụ nhằm giảm bớt những khác biệt về kinh tế và xã hội giữa các thành viên, tiến tới sự công bằng xã hội. Như vậy, Công tác xã hội có hai nhóm mục đích chính:
- Giúp đỡ các cá nhân, gia đình, cộng đồng gặp khó khăn để họ có thể thực hiện tốt các chức năng xã hội của họ. Để thực hiện mục tiêu này, Công tác xã hội triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ cho con người, một mặt giúp đỡ những người gặp khó khăn nâng cao năng lực, khả năng ứng phó và giải quyết các vấn đề khó khăn của họ; mặt khác, giúp những người gặp khó khăn tiếp cận các nguồn lực xã hội để đáp ứng các nhu cầu cá nhân, góp phần giảm bớt những khác biệt về kinh tế, xã hội giữa các thành viên và ngăn ngừa, phòng chống các vấn đề xã hội có thể xảy ra.
- Công tác xã hội hướng tới sự thay đổi tích cực về mặt xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu thế, dễ bị tổn thương trên cơ sở thúc đẩy sự biến đổi xã hội, tăng cường các mối tương tác, liên kết giữa các thành viên trong xã hội, tạo ra sự phát triển hài hoà giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân và xã hội, tiến tới sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Như vậy, mục đích cuối cùng của công tác xã hội là sự an sinh của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.
3. Vai trò của Công tác xã hội
Con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội. Vấn đề xã hội của con người và nhu cầu cần được đáp ứng của con người là rất đa dạng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, mỗi ngành chỉ tham gia giải quyết một hoặc một số nhu cầu nào đó của con người. Ví dụ:
Ngành Y tế tham gia vào việc chăm sóc sức khoẻ cho con người; ngành Giáo dục tham gia vào việc chăm lo giáo dục văn hoá, nghề nghiệp cho con người nhằm nâng cao trình độ dân trí, trình độ lao động; ngành Xây dựng chăm lo xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng giao thông; ngành Tư pháp chăm lo xây dựng pháp luật và bảo vệ các quyền và lợi ích của con người theo quy định của pháp luật…Chẳng hạn, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc
gia về xoá đói giảm nghèo và việc làm đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các chính sách, giải pháp như: Chính sách hỗ trợ về y tế, chính sách hỗ trợ về giáo dục, chính sách hỗ trợ vốn vay, Hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, trợ giúp đối tượng yếu thế, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất và công cụ cho người nghèo, chính sách miễn giảm các loại thuế... với nhiều dự án khác nhau. Do vậy, không chỉ có sự tham gia của cơ quan Nhà nước các cấp từ Trung ương đến xã, phường mà còn liên quan tới nhiều Bộ, ngành và các tổ chức xã hội.
Như vậy, mỗi ngành chỉ đảm trách một hay vài vai trò nên không thể đáp ứng được một cách toàn diện các nhu cầu xã hội của con người. Do đó, để giải quyết các vấn đề xã hội của con người cần có sự phối hợp liên ngành. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, có một ngành mới ra đời, đó là ngành Công tác xã hội. Nhà nước và xã hội đã trao cho ngành Công tác xã hội những vai trò nối kết các ngành liên quan trong việc giải quyết các vấn đề xã hội của con người, thực hiện nền an sinh xã hội.
Trước hết, hoạt động Công tác xã hội như một công cụ, một phương tiện để thực hiện mục đích, mục tiêu của an sinh xã hội. Nếu như an sinh xã hội là hệ thống các chính sách, chương trình nhằm bảo đảm an sinh cho con người và xã hội thì Công tác xã hội như một công cụ để chuyển giao và triển khai các chính sách, chương trình, dịch vụ nhằm thực hiện các mục tiêu của an sinh xã hội. Mỗi ngành khác nhau có vai trò đóng góp khác nhau cho nền an sinh xã hội, trong đó ngành Công tác xã hội đóng vai trò trung tâm, là cầu nối giữa các ngành liên quan trong thực hiện các mục tiêu của an sinh xã hội. Trong hoạt động Công tác xã hội, người Nhân viên xã hội có vai trò nối kết sự tham gia của các ngành, các chuyên môn khác nhau trong quá trình thực hiện các mục đích, mục tiêu của an sinh xã hội. Trong quá trình làm việc với đối tượng, nhân viên xã hội sử dụng mình như một công cụ hữu hiệu để giúp đối tượng tăng năng lực và tự lực giải quyết vấn đề.
Ngày nay, các quốc gia trên thế giới đều thống nhất nhận định về vai trò của Công tác xã hội như sau: Công tác xã hội góp phần thúc đẩy quá trình giải quyết
các vấn đề xã hội, mối quan hệ của con người, tăng cường sự thay đổi chất lượng xã hội, nâng cao năng lực, an sinh của mỗi người, cộng đồng và xã hội.