Tiến trình hoạt động

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 64 - 68)

I. Bốn thành tố cơ bản trong Công tác xã hộ

4. Tiến trình hoạt động

Tiến trình hoạt động của Công tác xã hội hay tiến trình làm việc của nhân viên xã hội là tập hợp các hoạt động tương tác theo một trật tự logic về thời gian và không gian giữa nhân viên xã hội và đối tượng để tạo ra sự thay đổi tình huống của đối tượng hướng tới mục đích của sự giúp đỡ.

Tiến trình làm việc của nhân viên xã hội với đối tượng là một trong những công cụ kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn mà nhân viên xã hội thực hiện để giúp đối tượng giải quyết vấn đề khó khăn của họ.

Trong đời sống hàng ngày, khi gặp những vấn đề cần giải quyết, đôi khi con người không chú ý đến nguyên nhân, hoàn cảnh và khả năng cụ thể mà chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân hoặc đoán mò để giải quyết. Kết quả là tình hình không được cải thiện mà đôi khi còn làm cho vấn đề càng phức tạp thêm. Chẳng hạn khi ốm đau ta tự chữa bệnh theo kinh nghiệm, không có sự chẩn đoán của chuyên môn, rồi tiền mất tật mang, bệnh ngày càng trầm trọng hơn và có khi còn dẫn tới tử vong; hoặc khi lập một dự án phát triển xã hội, vì thiếu tìm hiểu, điều tra đánh giá nhu cầu nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn và nhiều khi không thực hiện được mục tiêu đề ra...

Thực hiện sự giúp đỡ dựa trên một tiến trình làm việc khoa học được coi là một trong những yếu tố cơ bản của Công tác xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là tiến trình làm việc có ý nghĩa khái quát chung trong hệ thống lý thuyết Công tác xã hội làm định hướng cho Công tác xã hội thực hành. Còn trong thực hành Công tác xã hội chuyên nghiệp, khi nhân viên xã hội sử dụng các phương pháp khác nhau (phương pháp làm việc với cá nhân, nhóm và cộng đồng) phải sử dụng tiến trình làm việc một cách linh hoạt, năng động tuỳ theo từng hệ thống đối tượng và hoàn cảnh môi trường xã hội.

Thực chất của tiến trình Công tác xã hội là các bước tiến hành quá trình làm việc của nhân viên xã hội trong việc can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội của con người tuân theo một trình tự từ nhận diện vấn đề, xây dựng kế hoạch can thiệp giải quyết vấn đề, triển khai thực hiện kế hoạch đến việc đánh giá (lượng giá) kết quả thực hiện.

4.1. Nhận diện (hay xác định) vấn đề

Nhận diện vấn đề hay xác định vấn đề của đối tượng là việc làm đầu tiên, quan trọng của nhân viên xã hội. Như ngành Y, trước khi đưa ra phác đồ điều trị, bác sỹ phải chẩn đoán được bệnh của bệnh nhân. Tương tự như vậy, trong Công tác

xã hội, trước khi đưa ra các kế hoạch, biện pháp giúp đỡ đối tượng, nhân viên xã hội phải xác định đúng vấn đề của đối tượng được giúp đỡ. Đó là vấn đề gì? Đối tượng là cá nhân, gia đình, nhóm hay cộng đồng? Nguyên nhân của vấn đề? Nhu cầu cần giúp đỡ?.v.v.

Nội dung công việc của bước này bao gồm: Thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu về vấn đề của đối tượng. Phân tích các yếu tố tác động của môi trường đến vấn đề của đối tượng để đưa ra các chẩn đoán vấn đề của đối tượng.

Việc thu thập thông tin ban đầu, có thể do đối tượng chủ động đến gặp nhân viên xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc nhân viên xã hội chủ động tiếp cận đối tượng để tìm hiểu. Thông tin ban đầu có thể chưa đầy đủ và chính sác. Do vậy, nhân viên xã hội cần tiến hành thẩm định thông tin thông qua các kênh thông tin khác nhau, như: Tiếp xúc, trao đổi với các thành viên trong gia đình, bạn bè, cơ quan, trường học, chính quyền, đoàn thể... để tìm hiểu hoàn cảnh sống, nguyên nhân nảy sinh vấn đề, mặt mạnh, mặt yếu và tiềm năng của đối tượng, của cộng đồng.

Dựa trên cơ sở những thông tin, dữ liệu về đối tượng, nhân viên xã hội sử dụng các công cụ kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để xác định thực chất vấn đề của đối tượng để làm cơ sở đưa ra kế hoạch can thiệp giải quyết vấn đề.

4.2. Lập kế hoạch can thiệp giải quyết vấn đề

Kế hoạch can thiệp giải quyết vấn đề trong Công tác xã hội (hay còn gọi là kế hoạch trị liệu) là sự mô tả toàn bộ các hoạt động can thiệp giúp đỡ của nhân viên xã hội theo một lộ trình thời gian và trong không gian xác định.

Việc lập kế hoạch can thiệp giải quyết vấn đề là một công cụ khoa học định hướng các hoạt động cụ thể của nhân viên xã hội và đối tượng trong quá trình cùng tham gia giải quyết vấn đề. Việc lập kế hoạch khoa học, cụ thể, có tính khả thi cho phép nâng cao hiệu quả của sự giúp đỡ và là cơ sở để cơ quan xã hội kiểm soát nhân viên của mình.

Nội dung của kế hoạch can thiệp giải quyết vấn đề phải thể hiện được những vấn đề cơ bản sau đây:

- Mục đích, mục tiêu của sự giúp đỡ?

- Đối tượng được giúp đỡ (cá nhân, gia đình, nhóm hay cộng đồng)? - Nội dung, hình thức và biện pháp giúp đỡ?

- Thời gian và địa điểm thực hiện?

- Nguồn lực huy động (bên trong, bên ngoài)?

- Vai trò người thực hiện (đối tượng, nhân viên xã hội)? - Công cụ lượng giá?

Trong quá trình soạn thảo kế hoạch, nhân viên xã hội cần quán triệt nguyên tắc "tự giúp" và quan điểm xã hội hoá việc giải quyết các vấn đề xã hội. Điểm cốt lõi trong kế hoạch can thiệp giải quyết vấn đề là phát hiện, khai thác tối đa nguồn lực bên trong của đối tượng kết hợp với huy động tối đa nguồn lực cộng đồng, nguồn lực xã hội cho mục tiêu của sự giúp đỡ.

4.3. Tổ chức thực hiện kế hoạch đã lập

Tổ chức thực hiện kế hoạch đã lập là quá trình tổ chức triển khai kế hoạch đã được xây dựng. Trong bước này, vai trò của nhân viên xã hội, của đối tượng, của các cá nhân, tổ chức liên quan tiến hành các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm, vai trò đã được xác định trong bản kế hoạch đã lập.

Tuỳ thuộc vào vấn đề, nhu cầu của đối tượng và hoàn cảnh môi trường, nhân viên xã hội tiến hành các phương thức tác động khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp). Trong đó, có sự tham gia tối đa của đối tượng, nhân viên xã hội không làm thay đối tượng mà hỗ trợ đối tượng giải quyết vấn đề của chính họ thông qua việc cung cấp các dịch vụ. Kết quả thực hiện kế hoạch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là phụ thuộc vào khả năng của đối tượng và nguồn lực hỗ trợ.

Trong suốt quá trình giúp đỡ, nhân viên xã hội sử dụng đa dạng các kỹ năng làm việc với đối tượng, nhất là các kỹ năng quan sát để đánh giá đúng mức những

tiến bộ của đối tượng, cùng các trở ngại trong quá trình thực hiện làm cơ sở cho những điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.

4.4. Đánh giá (hay lượng giá) kết quả

Đánh giá hay lượng giá trong Công tác xã hội là hoạt động đo lường kết quả của quá trình thực hiện kế hoạch giúp đỡ.

Mục đích của đánh giá để đưa ra các nhận xét, kết luận về mức độ, hiệu quả đạt được các mục tiêu đề ra. Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng khi đưa ra các quyết định trong việc chấm dứt hay tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ.

Việc đánh giá phải được tiến hành liên tục trong suốt quá trình giúp đỡ và có sự tham gia của đối tượng được giúp đỡ. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, có thể có những đánh giá trước, trong và kết thúc một quá trình giúp đỡ.

Để có cơ sở cho việc đánh giá chính xác, thì ngay từ khi xây dựng kế hoạch cần xác định rõ ràng, cụ thể các mục tiêu (hệ thống các mục tiêu có thể đo đạc được, nghĩa là có thể cân, đong, đo, đếm được) và thời gian thực hiện từng mục tiêu. Đối với một dự án thực hiện trong một thời gian dài cần tổ chức đánh giá giữa kỳ.

Tiến trình Công tác xã hội hay mô hình giải quyết vấn đề nêu trên, thực ra không chỉ được áp dụng trong ngành Công tác xã hội mà cả trong hoạt động quản lý ở nhiều lĩnh vực khác, thậm chí ngay trong cuộc sống hàng ngày của con người khi tiến hành bất cứ một hoạt động nào đó cần xây dựng kế hoạch trước khi hành động. Bởi lẽ, nó thể hiện tính khoa học trong phong cách làm việc, phong cách sống, nhờ đó mục đích và hiệu quả hoạt động của ngành nói riêng, của con người nói chung mới có thể đạt được kết quả tốt nhất; mặt khác, nó tránh được tình trạng làm việc theo cảm tính, tuỳ tiện, thiếu nề nếp và hiệu quả hoạt động thấp

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 64 - 68)