Mối quan hệ giữa Công tác xã hội với các khoa học khác 1 Công tác xã hội với Triết học

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 31 - 33)

1. Công tác xã hội với Triết học

Triết học nghiên cứu hệ thống các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới, về vị trí của con người và các mối quan hệ qua lại giữa con người với thế giới đó.

Công tác xã hội vận dụng phương pháp luận và các quan điểm lý luận chung nhất của triết học, nhất là quan điểm nhìn nhận con người để xây dựng hệ thống các giá trị, nguyên tắc và quy điều đạo đức của ngành trong giúp đỡ con người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và xã hội.

2. Công tác xã hội với Kinh tế - Chính trị học

Kinh tế - Chính trị học nghiên cứu các quan hệ xã hội giữa người với người hình thành trong quá trình sản xuất xã hội hay chế độ xã hội của sản xuất.

Công tác xã hội nghiên cứu sự tác động ảnh hưởng của các quy luật kinh tế trong quá trình phát triển để đưa ra các biện pháp phòng ngừa những vấn đề xã hội có thể nảy sinh và các biện pháp hỗ trợ phù hợp.

3. Công tác xã hội với Tâm lý học

Tâm lý học nghiên cứu các quy luật nảy sinh, diễn biến và phát triển các hiện tượng tâm lý của con người và các nhóm người trong xã hội.

Công tác xã hội vận dụng các học thuyết tâm lý; các đặc điểm tâm lý cá nhân, tâm lý nhóm phục vụ cho quá trình can thiệp giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng.

4. Công tác xã hội với Xã hội học

Xã hội học nghiên cứu các quy luật phát sinh, phát triển các mối quan hệ, liên kết giữa con người với con người, con người với xã hội.

Công tác xã hội vận dụng lý thuyết Xã hội học, các nghiên cứu, điều tra xã hội để phân tích các nguyên nhân tác động tới sự tương tác, liên kết con người với con người, con người với môi trường để đưa ra các hình thức, biện pháp can thiệp nhằm cải thiện các mối liên kết con người với con người, con người với môi trường theo chiều hướng tích cực.

5. Công tác xã hội với Nhà nước và pháp luật

Nhà nước và pháp luật là một môn khoa học xã hội, nghiên cứu hai hiện tượng gắn bó với nhau tác động đến đời sống các thành viên. Trong các xã hội có giai cấp, Nhà nước và pháp luật luôn luôn đóng vai trò điều hoà mâu thuẫn về lợi ích của các nhóm người khác nhau, nhằm duy trì, củng cố sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Công tác xã hội nghiên cứu các thiết chế tổ chức, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quyền con người: Quyền công dân, quyền dân sự, hình sự và các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ... để đưa ra các hình thức, biện pháp huy động các nguồn lực hoặc can thiệp bảo vệ lợi ích cho đối tượng trong các hoạt động cung cấp dịch vụ.

6. Công tác xã hội với An sinh xã hội

An sinh xã hội là một khoa học nghiên cứu về các chính sách, luật pháp, chương trình, biện pháp, dịch vụ công cộng và các thiết chế tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và an toàn xã hội trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố tác động của tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội đến đời sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Công tác xã hội nghiên cứu, phân tích các chính sách, chương trình an sinh xã hội quốc gia và thiết chế tổ chức thực hiện để đưa ra các hình thức, biện pháp cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp cho cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng nhằm hiện thực hoá mục đích, mục tiêu của an sinh xã hội.

CHƯƠNG II: VAI TRÒ, CHỨC NĂNG VÀ NGUYÊN TẮC NGHỀ NGHIỆP TRONG CÔNG TÁC XÃ HỘI NGHỀ NGHIỆP TRONG CÔNG TÁC XÃ HỘI

Mục tiêu:

- Kiến thức:

+ Xác định rõ vai trò, chức năng nghề công tác xã hội;

+ Nắm chắc các nguyên tắc nghề nghiệp và vận dụng nguyên tắc trong thực hành công tác xã hội;

+ Nắm vững các phương pháp tiếp cận trong công tác xã hội. - Kỹ năng :

+ Vận dụng thành thạo các nguyên tắc trong thực hành công tác xã hội; + Áp dụng linh hoạt các phương pháp tiếp cận trong công tác xã hội vào những tình huống cụ thể.

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

+ Tôn trọng các nguyên tắc làm việc với thân chủ, đặc biệt là nguyên tắc giữ bí mật, cá biệt hóa và giành quyền tự quyết cho thân chủ.

Nội dung chương:

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 31 - 33)