Nguyên tắc nghề nghiệp trong Công tác xã hộ

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 43 - 48)

Xuất phát từ những nền tảng triết lý, các quy điều đạo đức của nghề Công tác xã hội, nhân viên xã hội chuyên nghiệp hành động theo những nguyên tắc chủ đạo dưới đây:

1. Chấp nhận đối tượng

Việc chấp nhận đối tượng trong Công tác xã hội được hiểu là người nhân viên xã hội chấp nhận đối tượng của mình với những vấn đề của họ đang gặp phải.

Đối tượng phục vụ của Công tác xã hội là con người, trong đó có những đối

tượng yếu thế, thiệt thòi, dễ bị tổn thương. Mỗi con người dù họ là thế nào đi chăng nữa nhưng họ đều có nhân phẩm, giá trị và các quyền của con người, trong đó có những quyền được tôn trọng, được bảo vệ và quyền không được phân biệt đối xử.

Vì vậy, trong các hoạt động Công tác xã hội, nhân viên xã hội phải có thái độ chấp nhận đối tượng và các vấn đề của họ trên cơ sở tôn trọng phẩm giá và các quyền của con người đã được luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia ghi nhận. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng việc chấp nhận đối tượng và vấn đề của đối tượng khác với chấp nhận hành vi của đối tượng, trong trường hợp hành vi đó trái pháp luật, trái với các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội và làm thiệt hại đến lợi ích người khác, lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội. Điều quan trọng là, nhân viên xã hội cố gắng để có thể hiểu được những nguyên nhân của hành vi đó và thái độ của đối tượng về thực trạng vấn đề của họ căn cứ vào hệ thống lý thuyết về hành vi và môi trường xã hội.

Ví dụ: Nhân viên xã hội giúp đỡ những người phạm tội hay những người nghiện ma tuý, những người hoạt động mại dâm là xuất phát từ giá trị nghề nghiệp trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm, giá trị của họ với tư cách họ là những con người. Còn hành vi phạm tội, nghiện ngập, làm mại dâm của họ là không thể chấp nhận được, bởi hành vi của họ trái pháp luật, là sai lệch giá trị chuẩn mực đạo đức xã

hội, gây thiệt hại lợi ích người khác, lợi ích xã hội. Vì thế, trong thực hiện các hoạt động giúp đỡ, nhân viên xã hội cần quan tâm giáo dục, cảm hoá, giúp họ chuyển đổi hành vi, nhân cách theo hướng tích cực, vì lợi ích của chính họ, lợi ích người khác và lợi ích của xã hội.

2. Đối tượng cùng tham gia giải quyết vấn đề

Cùng tham gia giải quyết vấn đề là một trong những nguyên tắc cơ bản trong các hoạt động giúp đỡ của Công tác xã hội. " Tự giúp" là nguyên tắc cốt lõi của sự giúp đỡ. Nguyên tắc này được rút kinh nghiệm từ công tác từ thiện, cũng như từ quá trình phát triển nghề Công tác xã hội. Vấn đề của đối tượng chỉ có thể được giải quyết tốt khi có sự tham gia của đối tượng. Vì hơn ai hết, đối tượng là người hiểu rõ bản thân mình và những vấn đề của mình; mặt khác, việc giải quyết vấn đề của đối tượng phải có sự tham gia của chính họ thì việc giúp đỡ mới mang lại kết quả.

Triết lý trong quá trình giúp đỡ đối tượng là " giúp đối tượng làm" thay vì làm giúp đối tượng theo nguyên tắc "cho đối tượng cần câu thay vì cho họ xâu cá".

Do vậy, trong quá trình giúp đỡ đối tượng, nhân viên xã hội cần tạo mọi điều kiện có thể để phát huy tối đa sự tham gia, hợp tác của đối tượng trong toàn bộ tiến trình giúp đỡ từ khi thu thập thông tin, xác định vấn đề, lập kế họach hành động, thực hiện kế hoạch và lượng giá kết quả của sự giúp đỡ.

3. Dành quyền tự quyết cho đối tượng

Trao quyền cho đối tượng được giúp đỡ là một nguyên tắc cốt lõi của nhân viên xã hội khi can thiệp giải quyết vấn đề.

Trong tiến trình giải quyết vấn đề, vai trò của nhân viên xã hội là giúp đối tượng đưa ra các phương án, giải pháp cho vấn đề của họ trên cơ sở phân tích những thông tin thu thập được về đối tượng và vấn đề của họ, cũng như các nguồn lực có thể để giúp đối tượng giải quyết vấn đề.

Quá trình giải quyết vấn đề của đối tượng, nhân viên xã hội và đối tượng cùng thảo luận, bàn bạc để đưa ra các giải pháp. Nhưng việc lựa chọn giải pháp nào

cho vấn đề của họ thuộc quyền quyết định cuối cùng từ phía đối tượng. Nhân viên xã hội không áp đặt ý kiến của mình trong việc đối tượng lựa chọn giải pháp giúp đỡ, trừ những trường hợp pháp luật cho phép nhằm bảo vệ lợi ích của đối tượng và lợi ích xã hội.

Khi giải pháp đã được đối tượng quyết định lựa chọn, nhân viên xã hội tôn trọng việc lựa chọn của họ và cam kết, có trách nhiệm cùng đối tượng thực hiện trên cơ sở bảo đảm lợi ích của đối tượng và lợi ích của cơ quan, lợi ích của xã hội.

Ví dụ: Khi giúp đối tượng nghiện ma tuý tiến hành các biện pháp cai nghiện, nhân viên xã hội cung cấp các thông tin và tham vấn cho đối tượng về các hình thức cai nghiện có thể thực hiện (cai nghiện tập trung tại các trung tâm hoặc cai nghiện tại cộng đồng) và cùng đối tượng thảo luận đưa ra những thuận lợi, khó khăn đối với đối tượng khi áp dụng mỗi hình thức cai nghiện; đồng thời đưa ra những khả năng có thể của Nhà nước, của xã hội, của cơ quan mình trong việc hỗ trợ đối tượng để thực hiện mỗi hình thức cai nghiện. Nhân viên xã hội tuyệt đối không áp đặt đối tượng phải thực hiện cai nghiện bắt buộc tại trung tâm hay cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng mà để đối tượng tự lựa chọn quyết định.

Một ví dụ khác: Trường hợp nhân viên xã hội làm việc tại cộng đồng, khi được biết trong cộng đồng có một đứa trẻ vị thành niên đã có hành vi vi phạm pháp luật. Đứa trẻ này đang có dấu hiệu có hành vi gây nguy hiểm cho người khác, cho cộng đồng, thì nhân viên xã hội cần tìm cách can thiệp để đưa đứa trẻ này vào trường giáo dưỡng hoặc vào cơ sở giáo dục tại xã, phường để giáo dục, quản lý mà không nhất thiết phải dành sự quyết định cho đối tượng

4. Cá biệt hoá sự giúp đỡ

Con người có những nhu cầu cơ bản giống nhau, nhưng mỗi người do hoàn cảnh, tính cách và nhu cầu cá nhân cần sự giúp đỡ lại không giống nhau. Nhân viên xã hội cần thấy được tính độc đáo và khác biệt của mỗi trường hợp (cả với cá nhân, nhóm và cộng đồng), không có sự lặp lại. Việc cá biệt hoá đối tượng sẽ giúp nhân

viên xã hội đưa ra các hình thức, phương pháp giúp đỡ phù hợp và khả năng nâng cao hiệu quả của sự giúp đỡ có cơ sở thực hiện.

Ngạn ngữ có câu: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", hay "Sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật". Vì vậy, trong thực hành Công tác xã hội, mỗi đối tượng có hoàn cảnh, nhu cầu và nguyên nhân dẫn đến khó khăn khác nhau nên cần phải có các hình thức, biện pháp giúp đỡ khác nhau, không thể áp dụng một hình thức giúp đỡ cho tất cả các đối tượng khác nhau, có hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu cần giúp đỡ khác nhau.

Ví dụ: Trong công tác giúp đỡ người nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói. nhân viên xã hội cần tìm hiểu kỹ những nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự nghèo đói và nhu cầu cần được giúp đỡ khác nhau của mỗi hộ, mỗi cộng đồng. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp khác nhau cho từng hộ, từng cộng đồng. Giả thiết rằng, có một hộ gia đình do thiếu vốn để tiến hành sản xuất, kinh doanh thì nhân viên xã hội có thể giúp họ tiếp cận các tổ chức tín dụng hoặc vận động dòng họ, cộng đồng giúp đỡ nếu có thể. Hoặc gặp trường hợp một gia đình do thiếu các kiến thức, kinh nghiệm làm ăn thì nhân viên xã hội có thể giúp họ được tiếp cận các dịch vụ chuyển giao kỹ thuật hay được tham dự các khoá tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm.

5. Giữ bí mật thông tin về đối tượng

Mối liên hệ giữa nhân viên xã hội và đối tượng trong quá trình giúp đỡ

được xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau. Nhân viên xã hội không thể thực hiện sự giúp đỡ nếu đối tượng không sẵn sàng hợp tác. Một kế hoạch giúp đỡ thích hợp và có khả năng thành công khi và chỉ khi có sự hợp tác và chia sẻ thông tin đầy đủ, chính sác từ phía đối tượng. Nhân viên xã hội cần được bảo đảm với đối tượng rằng thông tin của họ sẽ được giữ bí mật. Nó chỉ có thể được đưa ra thảo luận mang tính nghề nghiệp với các đồng nghiệp khác của nhóm để đưa ra sự giúp đỡ có thể tốt nhất cho đối tượng.

Tôn trọng tính riêng tư và bảo đảm giữ bí mật riêng tư là một quyền của con người. Cơ quan và nhân viên xã hội cần phải tuân thủ. Thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ tạo niềm tin nơi đối tượng, họ sẽ chân thành, cởi mở bộc lộ những cảm xúc, tâm trạng và những khó khăn, nhu cầu thực sự của họ.

Tuy nhiên, trong những tình huống cụ thể, đặc biệt được pháp luật cho phép, nhân viên xã hội có quyền cung cấp thông tin về đối tượng với các cơ quan chức trách có thẩm quyền nếu thông tin đó không được thông báo kịp thời cho những người có trách nhiệm sẽ có hại cho lợi ích đối tượng hoặc lợi ích của người khác. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, khi làm việc với đối tượng, nhân viên xã hội phải thông báo trước cho đối tượng về những tình huống có thể xảy ra đối với họ mà nhân viên có quyền được đơn phương cung cấp thông tin về đối tượng cho cơ quan chức trách có thẩm quyền.

Ví dụ: Một người do bế tắc trong cuộc sống muốn "Tự tử" hay có người nào đó vì những mâu thuẫn cá nhân không giải quyết được đang có ý định dùng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn, thì trong những trường hợp này nhân viên xã hội cần thông báo kịp thời cho người có trách nhiệm để ngăn chặn, xử lý.

6. Tự ý thức về bản thân

Tự ý thức hay tự nhận thức về bản thân là một trong những nguyên tắc cần cho sự phát triển của ngành và của chính nhân viên xã hội. Nó giúp nhân viên xã hội kiểm soát được hành vi của mình trong các hoạt động giúp đỡ trên cơ sở nhận thức rõ giới hạn quyền lực và khả năng đáp ứng các yêu cầu của cơ quan.

Thực hiện nguyên tắc này, nhân viên xã hội cần có nhận thức đúng đắn về các giá trị, quy điều đạo đức và nguyên tắc hành động của ngành để tránh lạm dụng quyền hạn nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân; đồng thời ý thức được trách nhiệm, trình độ, năng lực của bản thân để tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của ngành, của đối tượng.

7. Đảm bảo mối quan hệ nghề nghiệp

Trong các hoạt động giúp đỡ đối tượng, mối quan hệ giữa nhân viên xã hội

và đối tượng có ý nghĩa quan trọng tạo nên thành công của sự giúp đỡ. Tuy nhiên, đây không phải là quan hệ gia đình mà là quan hệ nghề nghiệp, quan hệ giữa người giúp đỡ và người được giúp đỡ. Cho nên đòi hỏi nhân viên xã hội khi tiếp xúc với đối tượng phải giữ thái độ, tác phong, nhân cách nghề nghiệp.

Quyền lực chính của Công tác xã hội là các giá trị của nghề. Quá trình giúp đỡ đối tượng, nhân viên xã hội cần phải tôn trọng các quan điểm giá trị, quy điều đạo đức của nghề, không được lợi dụng cương vị công tác của mình để đòi hỏi sự hàm ơn của đối tượng. Trường hợp nhân viên xã hội làm việc trong lĩnh vực tư nhân, họ có quyền được nhận thù lao từ người được giúp đỡ trả công, nhưng cũng chỉ được nhận một mức thù lao phù hợp, không làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công tác xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội (Nghề Công tác xã hội) (Trang 43 - 48)