Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Luận văn (Trang 41 - 46)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên

2.1.1.1. Vị trí địa lý

Hình 2.1: Bản đồ vị trí tỉnh Bến Tre

Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long có dạng đặc biệt, được hợp thành bởi 3 cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hóa được phù sa của 4 nhánh sông: Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên, Tiền Giang bồi tụ phù sa màu mỡ, cây trái sum suê.

Tọa độ địa lý: - Điểm cực bắc nằm trên vĩ độ 10020VB

- Điểm cực nam nằm trên vĩ độ 9048VB - Điểm cực đông nằm trên vĩ độ 106948 KĐ - Điểm cực tây nằm trên vĩ độ 105057KĐ

Phía bắc, Bến Tre giáp tỉnh Tiền Giang với ranh giới chung là sông Tiền, phía tây và nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh bằng ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển trên 65 km. Tỉnh

Bến Tre nằm cách trung tâm phân phối khách du lịch TP. Hồ Chí Minh khoảng 85 km (qua Long An, Tiền Giang). Nói chung, khoảng cách này cũng tương đối gần và nhờ hệ thống giao thông vận tải khá tốt, đặc biệt là đường thủy nên cũng đảm bảo khả năng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bến Tre.

2.1.1.2. Khí hậu

Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mang tính chất cận xích đạo nên đặc trưng cơ bản của khí hậu ở Bến Tre là nền nhiệt cao và ổn định quanh năm, trái lại mưa có sự phân hoá rõ rệt. Tổng số giờ nắng là 2.018 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trên năm là 160 Kcl/cm2, nhiệt độ trung bình 260 C - 270 C, độ ẩm trung bình trong năm đạt 83%, lượng mưa trung bình cả năm là 1.317 mm.

Bến Tre còn là tỉnh có mưa nhiều, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Do tác động của hoàn lưu gió mùa, chế độ mưa ở đây có sự phân hóa rõ rệt: mùa mưa tương ứng với gió mùa Tây Nam, mùa khô tương ứng với gió mùa Đông Bắc. Lượng mưa trong mùa mưa chiếm hơn 90% cả năm. Riêng lượng mưa trong 4 tháng (từ tháng 7 – tháng 10) chiếm hơn 60% và lượng mưa 3 tháng (tháng 8 – tháng 10) chiếm hơn 50% lượng mưa cả năm. Trong mùa mưa hầu như ngày nào cũng có mưa, thường mưa thành từng trận kéo dài khoảng 15 phút đến 1 giờ hoặc 2 giờ. Mưa rào lớn, nhiều nước, tạnh mưa trời lại nắng, có gió mát rất dễ chịu. Vì vậy, trong mùa mưa các hoạt động du lịch vẫn hoạt động bình thường. Mùa khô ở Bến Tre kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trời nắng nhưng không oi bức, lượng bức xạ dồi dào, trời quang, do đó đây là thời điểm hoạt động du lịch ở Bến Tre phát triển. Như vậy, các hoạt động du lịch miệt vườn có thể diễn ra liên tục trong năm.

2.1.1.3. Địa hình

Bến Tre có địa hình bằng phẳng, những cồn cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, bốn bề sông nước bao bọc, rất thuận tiện cho giao thông vận tải cũng như thủy lợi [3, tr.95]. Ngược về quá khứ trên 2000 năm trước, khi biển bắt đầu lùi dần và toàn bộ đồng bằng tiến nhanh ra khơi, thì trên mỗi chặng đường rút lui của biển, những dãy giồng cát bắt đầu hình thành. Riêng tại Bến

Tre có gần 20 giồng cát chạy song song từ trong ra ngoài, đánh dấu những chặng đường lấn biển của vùng cửa sông. Những tên gọi cù lao Minh, cù lao Bảo ngày xưa của Bến Tre minh chứng rằng trước đây Bến Tre vốn là những cù lao hình thành riêng lẻ do sự lắng đọng phù sa của dòng Tiền Giang, dần dần những nhánh sông chia cắt các cù lao cũng bị tắc nghẽn bởi lượng phù sa ngày càng lớn, từ đó các cù lao được nối lại tạo thành Bến Tre ngày nay. Địa hình Bến Tre ngày nay tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình 1,5 m – 2 m, có xu hướng thấp dần từ tây sang đông và nghiêng dần ra biển, có nhiều giồng cát hình vòng cung quay lưng ra biển là kết quả của quá trình lấn biển. Vùng đất cao hơn cả chạy dài từ huyện Chợ Lách đến Châu Thành nằm về phía bắc và tây bắc của TP Bến Tre, đây là khu vực cầu sông cổ bị lũ hàng năm đem phù sa mịn phủ lấp lên, độ cao tuyệt đối có nơi đạt trên 5 m, đa số từ 3 m – 3,5 m. Còn phần đất cao nằm theo bờ biển gọi là “giồng” có độ cao tuyệt đối từ 2,5 m – 5 m, đa số địa danh cao đều mang theo từ “giồng” phía trước như: Giồng Trôm, Giồng Quýt, Giồng Quéo,…

Chính sự xen kẽ giữa các giồng tạo cho địa hình Bến Tre nét đặc trưng riêng, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên phong cảnh và sự đa dạng về phong cảnh ở các vùng nông thôn.

2.1.1.4. Thủy văn

Hệ thống sông, rạch trong tỉnh là điều kiện thuận lợi cho Bến Tre phát triển mạng lưới giao thông đường thủy, thủy lợi và du lịch. Mật độ sông ngòi dày đặc này đã khiến cho Bến Tre có nguồn nước rất dồi dào.

+ Hệ thống sông, rạch: Do vị trí ở hạ lưu sông Mekong, giáp với biển Đông nên Bến Tre có một mạng lưới sông rạch chằng chịt với tổng chiều dài xấp xỉ 6.000 km, trong đó sông Cổ Chiên 82 km, Ba lai 59 km, sông Hàm Luông 71 km và sông Tiền 83 km.

Bên cạnh các sông lớn còn có một mạng lưới các sông nhỏ, kênh, rạch từ các sông lớn dẫn nước đến tận vùng sâu, vùng xa. Mật độ sông ngòi khoảng 2,7 km/km2, là một trong những tỉnh có mật độ sông ngòi lớn nhất Việt Nam.

Những con sông ở Bến Tre không những tiếp nhận nguồn nước ngọt từ sông Tiền, từ Biển Hồ (Campuchia) đổ về, mà hàng ngày, hàng giờ tiếp nhận nguồn nước biển do thủy triều đẩy vào. Sự truyền triều đưa nước mặn vào nội địa, khiến cho vùng cửa sông thiếu nước ngọt nghiêm trọng vào mùa khô, những ngày lũ lớn, nếu gặp kỳ triều cường nước dâng cao sẽ gây ngập lụt,… Chính sự truyền triều vào trong đó khiến cho nguồn thuỷ sinh vật vùng cửa sông thêm phong phú. Trên các dòng sông, rạch còn có vô số các loài thuỷ sản nước ngọt như: tôm càng xanh, cá bống, chẻm, bông lau, đối,… Ven các sông lớn là những bè cá: diêu hồng, ba sa,… năm 2004 sản lượng thuỷ sản nước ngọt đạt khoảng 4 nghìn tấn, đây là nguồn cung cấp thực phẩm rất quan trọng cho người dân nơi đây nói chung và khách du lịch nói riêng.

Dòng thuỷ triều ở đây mặn, sâu không quá 30 km từ cửa sông nên những vùng như Chợ Lách, Châu Thành,… đã hình thành nên các vườn cây ăn quả nổi tiếng, những vườn ươm cây giống rất đặc sắc: sầu riêng (1.720 ha), măng cụt (1.996 ha), chôm chôm (1.800 ha), bưởi (2.406 ha), người dân nơi đây không những đã tận dụng nguồn nước ngọt để sinh hoạt, mà còn sử dụng nước ngọt tưới tiêu những vườn cây bạt ngàn trĩu quả, phát triển trên đất phù sa màu mỡ.

+ Bên cạnh nguồn nước ngọt dồi dào, thì Bến Tre với trên 65 km bờ biển thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tạo ra nguồn tài nguyên biển phong phú với các loại tôm, cua, cá, mực, nhuyễn thể…

Ngoài ra, Bến Tre là tỉnh có nguồn nước ngầm dồi dào bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long. Ở phía nam huyện Châu Thành, nước ngầm có độ sâu khoảng 100 m – 150 m. Ven sông Cổ Chiên, Ba Lai cũng có nguồn nước ngầm đáng kể.

Ở TP Bến Tre và huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày đã khai thác nguồn nước này để phục vụ cho sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, trong đó có du lịch [31, tr.162].

2.1.1.5. Sinh vật

Bến Tre nằm ở giữa sông và biển, chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa nhiệt đới nên cảnh quan tự nhiên mang đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Với những

biến động mang tính chất nhịp điệu mùa, phân hóa theo không gian thành 3 vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ nên cả thảm thực vật, hệ động vật trên cạn và thủy sinh có điều kiện phát triển mạnh.

*Thảm thực vật:

Tất cả những hoạt động liên tục của con người qua hàng trăm năm nay đã làm thay đổi thảm thực vật của con người một cách sâu đậm. Thay vào đó là những cảnh quan nhân tạo, mà một số vết tích của các khu rừng khi xưa vẫn chưa xóa sạch. Ngày nay, thảm thực vật tự nhiên còn lại dấu vết của các quần thể thực vật sau:

- Quần thể thực vật trên các bãi lầy ven biển: rừng đước ở Thạnh Phú, Bình Đại, các rừng chồi mắm, lưỡi đồng, chà là và trảng cây bụi,…Đặc biệt là dừa nước có trên hầu hết các địa bàn trong tỉnh, nhưng nhiều nhất là ở đê Đông huyện Bình Đại.

- Quần thể thực vật trên các giồng cát: Các giồng nằm ven biển có các loại cỏ chông, rau muống biển, cỏ gấu biển,… Một vài vùng có các dải phi lao nhằm cố định, hạn chế cát di chuyển vào nội địa.

- Quần thể thực vật ven sông, rạch: Dựa theo vùng sinh thái, có thể chia thành các vùng như sau:

+ Vùng mặn: Gồm các loại như: mắm trắng, cỏ san sát, lác nước, cỏ lông tượng, cỏ lông công biển, lứt, rau sam biển, ngọc nữ không gai, chùm lé, bần chua, dừa nước, vẹt,…

+ Vùng lợ: Có các loại như: mướp xác, bình bát, dứa gai, trâm gối, trâm sẻ. Các loài dây leo như: mây nước, bòng bong, dây vác, dây mủ, dây cương,…

+ Vùng ngọt: Có các loài thân gỗ như: cà na, gáo, trâm bầu, bằng lăng nước, xen lẫn một số loại cỏ và bụi như: lau sậy, chuối nước, lục bình, lúa ma,… Bên cạnh đó, những vườn cây ăn quả: bưởi, chôm chôm, sầu riêng,… [36]. *Động vật:

Động vật sống dưới nước ở Bến Tre rất phong phú. Những con sông lớn và vùng biển Đông ở Bến Tre có nhiều loại thủy sản như: cá vược, cá dứa, cá bạc má, cá thiều, cá mối, cá cơm, nghêu, cua biển và tôm,…đây là nguồn nguyên liệu vô cùng phong phú cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh. Các công trình nghiên cứu, khảo sát ở sông và ven biển tỉnh Bến Tre đã phát hiện được 120 loài cá thuộc 43 họ, nằm trong 15 bộ cá. Bộ cá vược chiếm ưu thế cả về họ (21 họ) lẫn về loài (54 loài), bộ cá trích chiếm 2 họ gồm 15 loài, bộ cá bơn có 3 loài.

Căn cứ vào điều kiện sinh thái, có thể phân chia thành các nhóm:

- Nhóm cá nước lợ gồm các loài thường xuyên sống ở môi trường lợ, mặn là những loài có kích thước nhỏ như cá kèo, cá bống cát. Số lượng cá này chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong toàn bộ sản lượng cá đánh bắt hàng năm trong tỉnh. - Nhóm cá biển di cư vào vùng nước lợ, đôi khi cả vùng nước ngọt, gồm nhiều loại, được phân bố rộng ở các vùng ven bờ sông, gồm có loại cá sống nổi thuộc họ cá trích, loại sống ở đáy như cá đối, cá bống dừa.

- Nhóm cá nước ngọt sống trong sông rạch như các loại cá mè vinh, mè dãnh, rô biển, trê vàng. Nhóm cá sống trên đồng ruộng, mà các loài đại diện là cá lóc, cá rô, cá trê, cá sặc.

- Các loại tôm có 20 loại trong địa bàn tỉnh Bến Tre, trong đó tôm biển có 12 loài (thuộc 5 họ) và 8 loài tôm nước ngọt (thuộc 2 họ).

Như vậy, với điều kiện tự nhiên đa dạng của Bến Tre đã tạo cho nơi đây một tài nguyên du lịch thật độc đáo, thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.

Một phần của tài liệu Luận văn (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(147 trang)
w