Hoạt động thu hút khách nội địa tới Phú Yên của các doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn (1) (Trang 59 - 62)

6. Bố cục của luận văn

2.2.2. Hoạt động thu hút khách nội địa tới Phú Yên của các doanh nghiệp

địa phương

2.2.2.1. Năng lực cạnh canh

Toàn tỉnh hiện có 200 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh DV du lịch, bao gồm các loại hình: lưu trú, nhà hàng, lữ hành, vận chuyển khách, kinh doanh các DV du lịch và vui chơi giải trí. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, độc đáo, cùng với vị trí trung tâm tuyến du lịch duyên hải Nam Trung Bộ, v.v. là điều kiện tốt cho du lịch Phú Yên phát triển, hòa nhập với ngành Du lịch cả nước và khu vực.

Tuy vậy, trở ngại lớn cho phát triển du lịch ở Phú Yên là CSVCKT và hạ tầng du lịch thấp; SPDL còn đơn điệu, kém hấp dẫn; tính liên kết giữa các doanh nghiệp cũng như công tác tuyên truyền quảng bá của các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch còn yếu; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn nhỏ, chưa có thương hiệu; các doanh nghiệp mới ra đời phần nhiều chỉ góp phần vào tăng số lượng chứ không tăng chất lượng; v.v..

Như vậy, nhìn nhận chung nhất về NLCT của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Phú Yên hiện nay là còn thấp, chưa có khả năng gây sức hút đối với du khách.

Trong thời gian gần đây, với sự ra đời của Hiệp hội du lịch Phú Yên vào cuối năm 2013, những chiến lược cũng như những bước tiến trong cạnh tranh của các doanh nghiệp được khởi tạo. Các doanh nghiệp bắc đầu có sự liên kết trong cung ứng sản phẩm, trong xúc tiến, có sự chung tay trong các hội thảo tìm ra giải pháp phát triển chung (mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia và có tâm huyết là số ít) cũng đã đánh dấu một bước phát triển mới, đánh thức quan tâm về NLCT của các doanh nghiệp.

2.2.2.2. Liên kết trong kinh doanh du lịch

Trên địa bàn tỉnh, liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp đã được quan tâm. Hiệp hội Du lịch Phú Yên vừa được thành lập, sự ra đời của Hệp hội được lãnh

đạo tỉnh, ngành Du lịch và các doanh nghiệp đánh giá là cần thiết. Mục tiêu của Hiệp hội là nhằm giúp các doanh nghiệp có thể hợp tác, hỗ trợ nhau nhằm đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, bình ổn thị trường; hướng tới việc xây dựng và định hình các SPDL đặc trưng để thu hút du khách trong và ngoài nước, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên, giúp các doanh nghiệp trong toàn tỉnh có thể kết nối với các doanh nghiệp ở các địa phương khác tìm nguồn khách cho mình. Đồng thời, hiệp hội là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên.

Tuy nhiên, số đơn vị và cá nhân tham gia Hiệp hội còn khá khiêm tốn, chỉ 40 đơn vị và 19 cá nhân. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp du lịch Phú Yên chưa thật sự có mối liên kết với nhau, liên kết trong kinh doanh chỉ manh mún, nhỏ lẻ chưa tạo hiệu quả cao

Giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành và các điểm tham quan, các cơ sở cung cấp DV ẩm thực, nghỉ dưỡng, v.v. chưa có sự chủ động liên kết chặt chẽ, mỗi doanh nghiệp đều chỉ quan tâm tới hoạt động kinh doanh của mình, không quan tâm đến sự chung tay trong phát triển. Hạn chế này đang là rào cản trong việc tạo ra các SPDL có sức cạnh tranh cao.

Việc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng chưa thật sự rõ nét, mới đây nhờ sự hoạt động tích cực của Hiệp hội du lịch Phú Yên, bước đầu các doanh nghiệp có nhận sự quan tâm liên kết với các doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong liên kết xúc tiến du lịch, mặc dù số thành viên tham gia còn khiêm tốn nhưng bước đầu tạo hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận có những chuyến liên kết xúc tiến sau:

- Năm 2012, Sở VHTTDL Phú Yên và gần 10 doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú tổ chức chương trình quảng bá, giới thiệu tại các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum).

- Cuối năm 2013, ngay sau khi Hiệp hội Du lịch Phú Yên được thành lập đã xây dựng chương trình kích cầu và SPDL Phú Yên cuối tuần để giới thiệu, quảng bá tại Hà Nội nhằm vào thị trường khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Nếu như trong lần đầu tổ chức xúc tiến quảng bá tại các tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc liên kết thì trong chương trình tổ chức tại Hà Nội, các doanh nghiệp du lịch Phú Yên đã ngồi lại trong khuôn khổ Hiệp hội du lịch để xây dựng gói sản phẩm kích cầu. Các doanh nghiệp đã “chào bán” chùm tour du lịch Phú Yên cuối tuần đến các doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội. Chùm tour này được thiết kế cho khách đoàn trong thời gian 3 ngày 2 đêm và 4 ngày 3 đêm. Tham gia trong chuỗi sản phẩm chung này có các đơn vị: khách sạn Kaya (4 sao), Hùng Vương (3 sao), Long Beach (3 sao), nhà hàng Cơm niêu Tuy Hòa, nhà hàng Bán Đảo Ngọc, Khu du lịch Sao Việt, quán Tuấn (An Hải) và Trung tâm Lữ hành Tuy Hòa Tourist, Công ty cổ phần Truyền thông và Du lịch Phú Yên.

- Từ ngày 10 đến 12/7/2014, Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Phú Yên và các doanh nghiệp tiếp tục Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú tham gia trực tiếp chương trình này gồm, Khu du lịch Sao Việt, Khu du lịch Bãi Tràm, Trạm dừng chân ASTOP Sông Cầu, Khách sạn Kaya, Công ty cổ phần Truyền thông và Du lịch Phú Yên. Trong chương trình hội nghị xúc tiến quảng bá Du lịch Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch hai địa phương đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện, lâu dài nhằm khai thác các nguồn lực để du lịch hai địa phương phát triển bền vững. Các nội dung cụ thể gồm: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác hiệp hội; tạo điều kiện hỗ trợ, trao đổi học tập kinh nghiệm về hoạt động các ban chuyên trách; tổ chức xúc tiến và phối hợp tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, các sự kiện và lễ hội của hai địa phương; tổ chức các đoàn Famtrip để giới thiệu SPDL của hai địa phương nhằm quảng bá, tiếp thị du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế; hợp tác bồi dưỡng, đào tại nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ mời gọi nhà đầu tư, nhằm khai thác phát triển du lịch bền vững.

Ngoài chương trình quảng bá, giới thiệu chính sách, tiềm năng du lịch và kêu gọi thu hút đầu tư vào Phú Yên, các doanh nghiệp tự giới thiệu sản phẩm DV của mình, trong đó có các chương trình khuyến mãi giảm giá; đồng thời cam kết bán theo giá đã niêm yết, không tăng giá, chặt chém, v.v. đến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị xúc tiến quảng bá tại TP Hồ Chí Minh, ngoài các doanh nghiệp tham gia trực tiếp còn có 20 cơ sở kinh doanh khách sạn lưu trú, 5 nhà hàng, 3 cơ sở kinh doanh vận chuyển, 3 cơ sở kinh doanh DV mua sắm gửi chương trình khuyến mãi giảm giá của đơn vị.

Tóm lại, hoạt động liên kết của các doanh nghiệp chưa mạnh mẽ, các đơn vị kinh doanh còn quá độc lập trong cung ứng sản phẩm và phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có những chuyển biến và có nhiều tích cực, góp phần tạo đà phát triển lâu dài cho các doanh nghiệp và cho địa phương.

Một phần của tài liệu Luận văn (1) (Trang 59 - 62)