Các yếu tố cơ bản của cung dulịch Phú Yên

Một phần của tài liệu Luận văn (1) (Trang 28 - 50)

6. Bố cục của luận văn

2.1.1. Các yếu tố cơ bản của cung dulịch Phú Yên

2.1.1.1. Tài nguyên du lịch Phú Yên

(i). Tài nguyên du lịch tự nhiên

Vị trí địa lý

Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ nằm cách Hà Nội 1.160 km về phía Nam, cách thành phố (TP) Hồ chí Minh 561 km về phía Bắc theo tuyến quốc lộ 1A. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp Khánh Hòa, phía Tây giáp Đắc Lắc và Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 189 km.

Phú Yên có vị trí khá thuận lợi cho việc thông thương kinh tế, có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy qua, có sân bay Tuy Hòa, cảng biển Vũng Rô. Phú Yên nối liền với vùng Tây Nguyên bằng quốc lộ 25, tỉnh lộ 645 và tiếp nhận nguồn nước sông Ba.

Vị trí địa lý quan trọng đã tạo nên cơ hội thuận lợi để Phú Yên phát triển ngành du lịch: Phú Yên có thể kết nối dễ dàng với khu vực Tây Nguyên, thúc đẩy khả năng giao lưu kinh tế, xã hội mạnh mẽ cho cả vùng Tây Nguyên với các khu vực khác của đất nước. Yếu tố này đưa Phú Yên trở thành đầu mối giao lưu Bắc Nam và Đông Tây, đồng thời cũng tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch của tỉnh trong việc kết nối với các địa phương trong khu vực.

• Khí hậu

Phú Yên thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, tập trung từ 70 – 80% lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700 – 2.100 mm/năm, nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,70C. Trung bình hàng năm ở Phú Yên có trên dưới 100 ngày mưa, trong đó nơi có ít ngày mưa nhất là Tuy An, Sông Cầu khoảng 70 – 80 ngày, nơi nhiều nhất là Sông Hinh, Sơn Hòa khoảng 120 – 130 ngày.

Nhìn chung, điều kiện khí hậu của Phú Yên rất thuận lợi cho phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển.

Địa hình

Cả ba mặt của Phú Yên đều là núi, phía Bắc có dãy Cù Mông, phía Nam là dãy Đại Lãnh, phía Tây là mạn sườn Đông của dãy Trường Sơn. Núi ở Phú Yên, những ngọn cao nhất tập trung ở phía Tây huyện Đồng Xuân (núi Chư Treng- 1.238m, núi La Hiên-1.318m), ở Tây Nam huyện Tuy Hòa (hòn Dù-1.470m, hòn Chúa-1.310m) và phía Nam huyện Sông Hinh (núi Chư Ninh-1.636m), các núi còn lại nhìn chung không cao, dao động từ 300-600m. Ở trong nội thị thành phố (TP) Tuy Hòa có một núi tuy không cao nhưng rất nổi tiếng vì nằm ngay bên bờ sông Ba, có Tháp Nhạn cổ kính, phong cảnh trữ tình, đó là núi Nhạn.

Do địa hình có nhiều núi đồi xen kẽ với đồng bằng nên ở Phú Yên cũng lắm đèo dốc. Dọc theo quốc lộ 1A có các đèo dốc tương đối dài và hiểm trở như: đèo Cù Mông, dốc Gành Đỏ, đèo Cả, v.v.. Ngoài ra, trên các đường tỉnh, huyện, xã còn nhiều đèo dốc, đáng kể là đèo Cây Cưa ở Đồng Xuân, đèo Thị ở Tuy An, đèo Bình Thảo ở Sông Hinh, đèo Dinh Ông trên QL25, v.v.. Cũng chính do cấu tạo địa chất có nhiều núi đèo, nên Phú Yên cũng có nhiều hang, gộp ăn sâu vào núi tạo thành những cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, phân bố đều trên khắp các địa phương trong tỉnh. Một điều đáng lưu ý là hầu hết các hang, gộp ở Phú Yên đều gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ vì là nơi đóng cơ quan, đóng quân của cách mạng.

Phú Yên có hệ thống sông ngòi phân bổ tương đối đều trên toàn tỉnh, các sông đều bắt nguồn từ phía Đông của dãy Trường Sơn, chảy trên địa hình đồi, núi ở trung và thượng lưu, đồng bằng nhỏ hẹp ở hạ lưu rồi đổ ra biển. Phú Yên có trên 50 con sông lớn nhỏ, đáng chú ý là 3 con sông chính: sông Kỳ Lộ, sông Ba, sông Bàn Thạch. Ba con sông này cũng đã bồi đắp nên những đồng bằng lớn của Phú Yên.

Phú Yên có bờ biển dài 189km, chạy từ Cù Mông đến vũng Rô là một trong những bờ biển tương đối đẹp. Do đặc điểm cấu tạo địa hình có những đoạn núi ăn thông ra sát biển tạo thành những hang, động, đầm, vịnh, vũng, mũi, đảo và bán đảo. Hai vịnh Xuân Đài và Vũng Rô là những nơi neo đậu tàu thuyền tránh gió bão

và có thể biến thành hải cảng cho các tàu có trọng tải lớn ra vào. Bờ biển Phú Yên có những đoạn trải dài với những bãi cát trắng mịn và hàng thuỳ dương chạy men theo đó như bãi Tiên huyện Sông Cầu hay bãi biển Mỹ Á TP Tuy Hoà. Đất và núi chạy ra tận biển tạo thành những đảo và bán đảo đẹp như đảo hòn Nần hay còn gọi là đảo Bàn Than nằm trong đầm Cù Mông; đảo Nhất Tự Sơn thuộc địa phận thôn Khoan Hậu - Sông Cầu, v.v., hay các bán đảo Vịnh Hoà, Xuân Thịnh, Vũng Rô, v.v.. Ngoài ra khu vực dọc theo bờ biển còn có những mỏm đá nhô ra tận biển như: mũi Nạy, gành Đá Đĩa, v.v..

Ở Phú Yên có 3 cao nguyên, nhưng nổi tiếng nhất nhờ đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa mát mẻ là cao nguyên Vân Hòa. Là một vùng đất đỏ bazan, nằm ở độ cao 400m trên địa bàn các xã Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định của huyện Sơn Hòa. Sơn Hòa còn có cao nguyên Trà Kê nằm ở xã Sơn Hội. Tiếp giáp với cao nguyên Vân Hòa về phía đông là cao nguyên An Xuân thuộc xã An Xuân huyện Tuy An. Nơi đây có khí hậu mát mẻ và một loại trà ngon nổi tiếng là trà An Xuân.

Những điểm riêng có về địa hình cũng là lợi thế trong hoạt động phát triển du lịch của Phú Yên. Với địa hình đa dạng, nhiều ưu điểm tỉnh có thể khái thác tạo ra lượng sản phẩm và chương trình du lịch phong phú làm thỏa mãn du khách.

• Tài nguyên du lịch biển, đảo, ven bờ

Bãi biển Long Thủy – Hòn Chùa

Đi về hướng Bắc, cách trung tâm TP Tuy Hoà- Phú Yên khoảng 10km đường ôtô, nằm gần kề Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã An Phú, TP Tuy Hòa. Long Thuỷ đã từ lâu được xem là bãi biển đẹp, được kết hợp hài hoà độc đáo của phong cảnh thiên nhiên, cùng với những rặng dừa xanh rợp bóng kéo dài trên bờ biển phẳng, cát trắng mịn và sạch.

Cách bờ không xa có cụm đảo còn hoang sơ như đảo Hòn Chùa có diện tích khoảng 0,22 km2 và 2 đảo nhỏ là Hòn Dứa và Hòn Than. Khu vực quanh các đảo này có những rạn san hô có diện tích khoảng 100 ha. Long Thuỷ – Hòn chùa rất thích hợp cho đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Có thể tổ chức các DV: lặn biển, câu cá, lướt ván và các trò chơi thể thao trên biển, v.v.. Xa hơn về phía Bắc là các

đảo hòn Yến và hòn Lao Mái Nhà, nơi đây cũng có phong cảnh đẹp và hệ sinh thái biển đa dạng

Vào trung tuần tháng 6 Âm lịch hàng năm, tại đây thường diễn ra lễ hội cầu ngư. Trong dịp này có những nghi thức cúng tế để cầu an, cầu phúc vạn làng.

Người dân Long Thuỷ phần lớn chuyên làm nghề đánh bắt hải sản, nên du khách đến đây không chỉ có thể tắm biển hoặc du thuyền mà còn được thưởng thức nhiều loại hải sản tươi, là những loại đặc sản không phải nơi nào cũng có.

Vịnh biển Vũng Rô – Mũi Điện – Hòn Nưa

Nằm bên hông đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Vũng Rô là một vịnh biển đẹp trên đường thiên lý Bắc - Nam có thế biển dựa vào dãy Trường Sơn tạo thành một vòng cung vững chắc. Vũng Rô được các dãy núi Đèo Cả, Đá Bia, Hòn Bà che chắn cả 3 hướng Bắc, Đông, Tây. Phía Nam là cửa biển có đảo Hòn Nưa cao 105m như một pháo đài canh gác cho tàu bè ra vào. Vũng Rô có cả thảy 12 bãi nhỏ: bãi Lách, bãi Mù U, bãi Ngài, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Hồ, bãi Hàng, bãi Nhỏ, bãi Chính, bãi Bàng, bãi Lau, bãi Nhãn. Vịnh Vũng Rô với diện tích 1.640 ha, gắn liền với di tích lịch sử quốc gia: Huyền thoại những con Tàu Không số và đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hòn Nưa nằm phía Nam vịnh Vũng Rô, có đỉnh cao 105m so với mực nước biển. Một bên sườn là cây cối tương đối xanh tốt, bên còn lại là vách đá dựng đứng như những cánh tay rắn rỏi chắn sóng che chắn cho phía sườn bên kia. Nhìn từ đèo Cả, Hòn Nưa với những mỏm đá nhọn hoắc cắm trên đỉnh vách đá thẳng đứng trông thật hùng vĩ oai phong nhưng cũng thật cô đơn trên mặt biển xanh, như một con thuyền đang từ từ rời đất mẹ hướng ra đại dương mênh mông.

Từ cảng Vũng Rô đến hòn Nưa khoảng một giờ đồng hồ bằng thuyền của ngư dân, nơi đây có một bãi biển chạy dài khoảng 500m theo hình vòng cung với bờ cát trắng mịn và nước biển xanh trong màu ngọc bích; một vách núi đá dựng đứng, cheo leo, nhiều cụm đá nhỏ với nhiều hình thù khác lạ; thấp thoáng phía xa là dãy cây xanh để phân biệt đất liền và nước biển. Hòn Nưa chứa đựng một vẻ đẹp hoang sơ, “sản vật biển” dồi dào, còn có những rạn san hô mang vẻ đẹp mê ly, kiêu kỳ thật sự thích hợp cho những chuyến đi du lịch khám phá biển.

Mũi Điện vốn là một nhánh của dãy Trường Sơn chồm ra mép biển, mũi Điện tạo thành vũng biển bãi Môn trong vắt với bãi cát vàng mịn màng, đón nhận từng cơn sóng nhẹ nhàng mơn man làn cát thưa vắng dấu chân người. Trên ngọn mũi Điện hiện diện ngọn đèn biển với những nhân viên gác đèn rất hiếu khách, sẵn sàng đón khách đến thăm, tán gẫu hay chia sẻ niềm vui với những món ăn chế biến đơn giản, những buổi sinh hoạt lửa trại ấm áp tình người.

Gần mũi Điện, bãi Môn là khu làng Sơn Đừng ven biển với nguồn mạch nước ngọt rất đặc biệt, chỉ cần dùng tay vén một hố cát nhỏ, chỉ sau chừng 5 - 10 phút là dòng nước ngọt sẽ trào ra, nước có thể dùng để rửu mặt, rửa tay và cũng có thể uống được.

Cụm vịnh biển vũng Rô – mũi Điện – hòn Nưa là một thắng cảnh của Phú Yên, chắc chắn nếu được đầu tư phát triển du lịch sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Đầm Cù Mông

Đầm Cù Mông là tên một vũng biển nhỏ ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, còn có tên khác là vũng Mồi, có diện tích khoảng 26,55km², dài nhưng hẹp, được bao bọc phía ngoài bởi khối núi Cù Mông chạy dài hơn 15km ra biển tạo nên bán đảo Cù Mông với nhiều phong cảnh đẹp mắt.

Theo quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, qua khỏi đèo Cù Mông là đến đầm Cù Mông. Đầm Cù Mông có mặt nước yên lặng, hai bên bờ là những vạt cỏ mềm mại, những đầm đầy hoa dại mang vẻ đẹp tự nhiên. Đầm còn là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản quý hiếm như cá ngựa, sò đá, tôm hùm giống.

Khí hậu tại Đầm Cù Mông mát mẻ, là vùng nuôi tôm hùm thương phẩm lớn nhất của tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, Đầm Cù Mông còn có nhiều loại hải sản khác. Nhìn từ đèo Cù Mông xuống, Đầm Cù Mông trông như 1 dải lụa óng ả nằm xoải dài, xa xăm là các làng mạc ẩn hiện trong bóng dừa xanh rì bạt ngàn.

Với vẻ đẹp thiên nhiên như tranh vẽ và địa thế quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến cư dân quanh vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội cùng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đầm Cù Mông đang được ngành Văn hóa - Du lịch lập hồ sơ đề nghị công nhận danh thắng cấp quốc gia.

Vịnh Xuân Đài

Từ Thành phố Tuy Hòa đi ra 50km, đến thị xã Sông Cầu, đứng trên đỉnh dốc Găng có thể nhìn bao quát toàn cảnh phía bắc vịnh Xuân Đài.

Dãy núi phía đông bao bọc làm cho vịnh kín gió nên mặt vịnh yên ả quanh năm. Vịnh Xuân Đài trải dọc bờ biển Đông theo hướng Bắc - Nam khoảng 50km trên địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Cửa thông ra biển ở về phía nam vịnh rộng khoảng 4,4km, diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, độ sâu vịnh từ 7m đến 18m. Quanh vịnh Xuân Đài có nhiều ngọn núi lan ra mặt nước tạo thành nhiều vũng nhỏ với bờ cát trắng mịn màng và gành đá nhiều hình dáng độc đáo.

Bắt đầu từ cửa ở phía Nam đi vào trong vịnh là gành Đèn, cửa Tiên Châu, gành Đỏ, vũng Lắm, Nhất Tự Sơn, v.v.. Giữa vịnh có các hòn đảo nhỏ như Hòn Yến; cù lao Ông Xá; đảo Nhất Tự Sơn. Ở phía bắc vịnh dọc theo bán đảo Xuân Thịnh có các vũng nằm giữa các mũi Động Tranh, gành Ông Tướng, gành Bà, v.v.. Từ cửa vịnh ở phía Nam đi ra biển có gành Đá Đĩa, hòn Lao Mái Nhà, v.v. đi ra phía bắc là bãi Từ Nham, vịnh Hòa, Bãi Tràm, bãi Nồm, v.v..

Danh thắng cấp quốc gia vịnh Xuân Đài - một vịnh biển hồn hậu đã được đề cử vào Câu lạc bộ những vịnh đẹp thế giới, cũng là vịnh biển được kỳ vọng trong tương lai sẽ là trung tâm du lịch lớn.

Đầm Ô Loan

Nằm cạnh chân đèo Quán Cau, tiếp giáp các xã An Cư, An Hoà, An Hải, An Hiệp và An Ninh Đông của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cách TP Tuy Hoà khoảng 25km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A.

Đầm Ô Loan có diện tích toàn mặt nước là 1.570ha, nước trong đầm thuộc loại nước lợ (nước xà hai) do đầm ăn thông ra biển bằng cửa Lễ Thịnh, đưa nước mặn vào đầm mỗi khi thuỷ triều lên; đầm cũng nhận nước ngọt từ sông Cái và các con suối nhỏ chung quanh đổ vào. Do thế đất đồi là đất sỏi nhớt nên mùa mưa làm xói lở, kéo theo lượng phù sa khá lớn bồi lắng lòng đầm. Do vậy, lòng đầm chỗ sâu nhất khoảng 6 mét, chỗ cạn, thường là ven bờ, khoảng trên 1 mét. Riêng phía trên cửa Lễ Thịnh thuộc địa phận An Hải mực nước sâu tới 10 mét. Khi đứng trên đỉnh

đèo Quán Cau, phóng tầm nhìn bao quát khắp cả vùng thì đầm Ô Loan như một mặt hồ rộng yên ả được bao bọc bởi những dãy đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt. Núi Từ Bi là một nhánh nhỏ của đèo Quán Cau, có con suối cùng tên Từ Bi, bắt nguồn từ hòn Chồng. Suối chảy ngoằn ngoèo qua các khe núi rồi đổ ra đầm, tạo nên cảnh quan thơ mộng.

Từ mạn Tây Bắc chạy ra tới An Ninh Đông là bãi cát vàng óng, có rừng phi lao chạy dài theo men bờ nước, xưa kia là nơi trú ẩn của các loài chim thú như le le, chàng bè, bồ nông, cò, diệc và nhiều nhất là vịt nước. Chúng sinh sống thành từng đàn, bắt cá dưới lòng đầm.

Trong đầm còn có những rạng ngầm dưới mặt nước, là nơi để những con hàu bám vào sinh sống, một loại hải sản ngon, mát bổ. Đầm Ô Loan có nhiều hải sản sinh sống như tôm, cá, ghẹ, cua huỳnh đế, điệp, cá mú, v.v. nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là con sò huyết Ô Loan cơm dày, thịt ngọt và rất thơm, thơm hơn sò huyết các nơi khác, được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Trước đây, sò huyết Ô Loan không chỉ có mặt khắp nơi trong nước mà còn xuất khẩu sang Singapore, Thái Lan, v.v..

Hiện nay, đầm Ô Loan được Bộ VHTT xếp vào di tích danh thắng cấp quốc gia. Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhân dân sống quanh đầm tổ chức lễ hội đua ghe truyền thống, thu hút nhiều đội ghe đua ở các địa phương khác đến tham gia. Trước đó, ngư dân cũng tổ chức cúng thần, cầu ngư, hò bá trạo, v.v.. Trong dân gian có nhiều huyền thoại về tên gọi đầm Ô Loan, nhưng gần gũi nhất là câu chuyện về

Một phần của tài liệu Luận văn (1) (Trang 28 - 50)