6. Bố cục của luận văn
3.2. Các giải pháp nhằm tăng sức thu hút khách nội địa đến dulịch Phú Yên
3.2.1. Các giải pháp dành cho ngành Du lịch Phú Yên
3.2.1.1. Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch
Công tác xúc tiến quảng bá là một công tác quan trọng nhằm đưa SPDL, điểm đến du lịch đến gần hơn với du khách. Để thực hiện tốt công tác này, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của Phú Yên cần phải tiến hành các biện pháp sau:
Định hướng xây dựng hình ảnh điểm đến Phú Yên, xây dựng hệ thống sản phẩm dịch vụ phù hợp nhu cầu du khách
Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có trách nhiệm chỉ đạo, định hướng phát triển hệ thống sản phẩm phụ vụ du lịch cho các đơn vị kinh doanh du lịch trong toàn tỉnh. Phối hợp cùng nhau xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Phú Yên thân thiện, phù hợp với thị hiếu du lịch của thị trường khách mục tiêu Phú Yên.
Xét trong thời điểm hiện tại, nguồn KDL nội địa chính của Phú Yên hầu hết có mong muốn đến Phú Yên để trải nghiệm du lịch về biển, đảo; thưởng thức hải sản, vì vậy; cần phát triển hệ thống SPDL và xây dựng hình ảnh du lịch địa phương theo hướng sau:
+ Lựa chọn SPDL làm điểm nhấn thu hút khách là những sản phẩm gắn với TNDL biển, đảo.
+ SPDL phải mang tính đột phá để tránh sự trùng lắp với các địa phương trong khu vực, tạo sự mới mẻ riêng có để mang đến sự khác biệt cho du khách.
+ Kết hợp các yếu tố về nét độc đáo của sản phẩm, điểm đến du lịch thân thiện, dễ tiếp cận và phát triển du lịch có trách nhiệm để xây dựng hình ảnh cũng như thương hiệu du lịch cho Phú Yên.
Phối hợp với Hiệp hội du lịch và các chuyên gia am hiểu lĩnh vực xúc tiến du lịch
Để hoạt động xúc tiến, quảng bá mang tính chuyên môn, chiến lược quảng bá các SPDL mục tiêu tới các thị trường du lịch mục tiêu đạt hiệu quả đòi hỏi sự hợp lực đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các chủ thể kinh doanh du lịch cũng như các nhà khoa học chuyên ngành.
Các chuyên gia, các nhà nhà nghiên cứu, kinh doanh và quản lý cần phối hợp để hoạch định chiến lược xúc tiến du lịch Phú Yên đạt kết quả, cụ thể:
+ Sử dụng nguồn lực hiệu quả: kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến cũng như nguồn nhân lực phải đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác xúc tiến.
+ Chiến lược quảng bá thành công: xây dựng các chương trình xúc tiến quảng bá có chất lượng, mới mẻ và hiệu quả nhằm mục tiêu thu hút sự quan tâm của KDL; tránh hình thức và lối mòn xưa cũ.
Tiến tới mở các văn phòng đại diện du lịch, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm
Đây được xem là chương trình “tiếp thị điểm đến tại chỗ” bằng cách xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho KDL ở những đầu mối giao thông quan trọng, ở những trung tâm của các thị trường trọng điểm. Tạo điều kiện cho du khách thu thập được thông tin du lịch của điểm đến, dễ dàng tiếp cận được điểm đến. Đối với tình hình thị trường du lịch Phú Yên, trước hết nên mở các văn phòng đại diện ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và ở các TP của các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cụ thể: Nha Trang, Đắc Lắc, Đà Lạt, Pleiku, v.v.. Ngoài ra, để thu hút lượng KDL nội tỉnh, Phú Yên cần mở rộng các văn phòng du lịch tại các địa bàn huyện, thị trấn.
Thực hiện công tác xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin đại chúng
Công tác xúc tiến du lịch tiếp tục hướng vào việc đa dạng hoá các kênh thông tin, khai thác lợi thế của hệ thống thông tin đại chúng, cụ thể:
+ Phối hợp chặt chẽ với báo đài trong cung cấp trao đổi thông tin hai chiều nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua công tác tuyên truyền có định hướng của báo chí. Thực hiện những đoạn phim quảng cáo ngắn phát trên các đài địa
phương và đài truyền hình Việt Nam. Thực hiện những bộ ảnh quảng cáo trên các tạp chí du lịch trong nước nhằm thu hút sự quan tâm của du khách.
+ Tiếp tục phát huy vai trò của tập gấp, tờ rơi: nâng cao và cải thiện chất lượng hình ảnh, màu sắc, thông tin của các tập gấp tờ rơi gửi cho khách. Những tập gấp, tờ rơi này cần được gửi đến khách bằng các phương tiện hiệu quả như gửi tại các đơn vị lữ hành, các khách sạn, các trung tâm xúc tiến du lịch, v.v..
+ Nâng cao hiệu quả của các ấn phẩm: triển khai các kênh cung cấp ấn phẩm thông tin du lịch theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với từng đối tượng nhận thông tin. Tăng cường cung cấp miễn phí các ấn phẩm tại các điểm đầu mối giao thông. Cần lựa chọn chất liệu, các hình ảnh giới thiệu, lời thuyết minh hướng dẫn kỹ lưỡng và có giá trị.
+ Đẩy mạnh E-Marketing trong xúc tiến du lịch: trong đó tập trung vào việc xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của cổng thông tin xúc tiến - giao dịch du lịch chính thức của ngành du lịch Phú Yên. Bên cạnh đó là xây dựng các
ấn phẩm điển tử, tận dụng quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội và công cụ tra cứu du lịch.
Tham gia các sự kiện quảng bá du lịch trong toàn quốc
Tham gia các lễ hội của quốc gia và khu vực, tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn du lịch, v.v. nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để ngành Du lịch của tỉnh có điều kiện học hỏi kinh nghiệm xúc tiến của các địa phương khác.
Chủ động tổ chức các chương trình nhằm hút khách du lịch tới Phú Yên
Đăng cai tổ chức các sự kiện về văn hóa, thể thao, các cuộc thi, hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo của quốc gia và khu vực; tự tổ chức các sự kiện khác như festival, các lễ hội dân tộc, hội thi, v.v. nhằm mục đích thu hút khách đến, gia tăng sự chú ý của truyền thông.
Đối với hoạt động này, không nên tổ chức quá nhiều chương trình nhỏ lẻ mà chỉ tập trung một hoặc hai chương trình trong một năm và các chương trình này phải được đầu tư cao, đảm bảo mang lại sự hài lòng cho KDL.
Liên kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành, các chủ thể kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc tuyên truyền, quảng bá thông tin đến du khách.
Cần phải có sự phối hợp giữa trung tâm xúc tiến với các đơn vị kinh doanh du lịch tại điểm đến để đảm bảo chất lượng DV như đã quảng cáo, tránh trường hợp sai lệch làm du khách thất vọng.
Các đơn vị kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho trung tâm xúc tiến những thông tin mới về sản phẩm, những chương trình ưu đãi, v.v. cho du khách để cập nhật thông tin kịp thời.
Tổ chức đón các đoàn Farmtrip trong nước
Đón các hãng lữ hành, các cơ quan quản lý và các phóng viên báo chí đến trải nghiệm, làm quen, tìm hiểu, khảo sát tiến để tới những thỏa thuận quan hệ hợp tác. Qua chuyến Famtrip, các hãng lữ hành sẽ đánh giá được khả năng, năng lực du lịch của tỉnh như mức độ hấp dẫn của TNDL, năng lực của đội ngũ hướng dẫn viên, chất lượng các DV lưu trú, ăn uống và điều kiện về CSHT khác v.v. qua đó sẽ việc xây dựng, tổ chức các chương trình du lịch sẽ tối ưu hơn. Đây cũng là dịp để các phóng viên báo chí viết bài nhằm tuyên truyền quảng bá để thu hút KDL. Tổ chức đón các đoàn Famtrip, ngoài việc tăng cường mở rộng giao lưu quan hệ, tạo sự gắn kết giữa các địa phương, các đơn vị, đây còn là một hình thức xúc tiến quảng bá du lịch rất hiệu quả. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần thực hiện một số công việc như:
+ Xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, qua đó có thể chủ động và có thể lựa chọn mời được các hãng lữ hành tốt, hay các đối tác muốn hợp tác;
+ Chuẩn bị đầy đủ thông tin và các ấn phẩm quảng bá du lịch của tỉnh để cung cấp cho các đối tác như: tập gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch, sách ảnh, v.v.;
+ Các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở lưu trú cần tích cực hợp tác tham gia trong việc tổ chức đón đoàn bởi các cơ sở lưu sẽ là đối tác không thể thiếu và cũng được hưởng lợi nhiều nhất khi các hãng lữ hành đưa khách đến;
+ Trong những sự kiện này, các cơ quan truyền thông của tỉnh cũng cần tích cực phối hợp để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch tỉnh nhà;
+ Các địa phương, nơi có đoàn Famtrip tới khảo sát cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện về mọi mặt để đoàn khảo sát được thuận lợi cũng là để thể hiện sự thân thiện và lòng hiếu khách;
+ Các cơ quan, ban ngành có liên quan trong tỉnh cũng cần quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện để ngành du lịch Phú Yên có thể tổ chức đón các đoàn FamTrip, qua đó mở ra những cơ hội để du lịch tỉnh nhà phát triển.
Huy động sức mạnh xúc tiến du lịch Phú Yên
Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của Phú Yên là người chịu trách nhiệm chính trong hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch Phú Yên. Tuy nhiên, để tạo nên sức mạnh và có sức lan tỏa của xúc tiến quảng bá cần phải huy động sức mạnh của toàn ngành, toàn khối doanh nghiệp kinh doanh du lịch và sức mạnh của toàn dân địa phương. Trong đó, Sở VHTTDL là người trực tiếp chỉ đạo, lập kế hoạch, chương trình xúc tiến, các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chương trình và người dân phối hợp tạo điều kiện thuận lợi, góp phần tạo hiệu quả toàn diện cho công tác xúc tiến.
3.2.1.2. Liên kết phát triển du lịch
Để đồng hành phát triển cùng các địa phương lân cận và xu thế phát triển du lịch của quốc gia, Phú Yên cần mở rộng hợp tác và liên kết theo các hướng sau:
Liên kết với các tỉnh duyên hải miền Trung trong việc thiết kế xây dựng chuỗi SPDL
Phú Yên và các tỉnh duyên hải miền Trung có đặc điểm về TNDL tương đối tương đồng, vì vậy, Phú Yên cùng với các địa phương trong khu vực này cần tập trung đầu tư phát triển SPDL khác biệt, có khả năng cạnh tranh, từ đó kết nối tạo ra chuỗi sản phẩm giúp du khách có trải nghiệm khác nhau.
Phú Yên cần xác định những thế mạnh, lợi thế đặc trưng nhất của địa phương để đầu tư theo hướng chuyên sâu, tạo ra sản phẩm đặc thù riêng để SPDL Phú Yên trở thành một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi SPDL của khu vực. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả phát triển du lịch cho cả vùng mà giúp Phú Yên trở thành một điểm đến có sức hút mạnh mẽ.
Liên kết với các địa phương khác trong việc xây dựng các tuyến du lịch có điểm đến là Phú Yên để gia tăng lượng khách đến
Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, sự thuận lợi về giao thông theo cả hai hướng Bắc-Nam và Đông –Tây, Phú Yên liên kết với các địa phương khác để xây dựng các tuyến du lịch đường bộ mà Phú Yên trở thành một trong những điểm đến của tuyến.
Khi bắt đầu liên kết xây dựng các tuyến du lịch, cần phải quan tâm lựa chọn những điểm tham quan đặc sắc nhất, những điểm đến ven biển, dọc các đường quốc lộ, thuận lợi cho lộ trình của tuyến để du khách dần dần làm quen với du lịch Phú Yên và Phú Yên có cơ hội quảng bá du lịch tỉnh hơn nữa đến thị trường khách nội địa.
Liên kết với các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong công tác xúc tiến du lịch
Phú Yên cần liên kết với các địa phương trong khu vực này để tạo nguồn lực tổng hợp trong xúc tiến quảng bá du lịch của vùng, xây dựng thương hiệu du lịch vùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành của địa phương.
Trong công tác liên kết xúc tiến du lịch, các địa phương trong khu vực cần tích cực thông tin và tạo điều kiện cho các địa phương khác tham gia các sự kiện du lịch tại địa phương mình; cùng tuyên truyền, quảng bá tạo nên thương hiệu có bản sắc riêng cho vùng để thu hút KDL.
Liên kết với các địa phương có thị trường khách trọng điểm để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch
Cần phải liên kết với những địa phương có thị trường khách trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đắc lắc, Hà Nội để được hỗ trợ trong công tác xúc tiến du lịch tại chính các địa phương đó, dễ dàng tiếp cận nguồn khách, tiết kiệm chi phí trong xúc tiến.
Mở rộng hợp tác với các địa phương có thị trường khách tiềm năng nhằm tìm kiếm nguồn khách mới
Không ngừng tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác với nhiều địa phương khác trong cả nước nhằm tiếp cận các thị trường nhiều tiềm năng khác. Các khu vực như: đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh phía Bắc nên được ưu tiên nhất trong vấn đề mở rộng liên kết.
Ngoài ra, ngành du lịch địa phương cần đồng hành với khu vực và quốc gia trong việc tìm kiếm các giải pháp phát triển du lịch, bảo môi trường, phát triển bền vững, phúc lợi xã hội, v.v. nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho ngành.
Một số lưu ý nhằm nâng cao hiệu quả liên kết phát triển:
+ Cần chủ động trong hoạt động liên kết, tìm kiếm cơ hội liên kết cho địa phương mình.
+ Luôn tích cực để trở thành một đối tác có mang lại hiệu quả liên kết cho các bên tham gia.
+ Nỗ lực phát triển trên cơ sở liên kết chứ không thụ động chờ lợi ích từ đối tác mang lại.
3.2.1.3. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương
Cộng đồng địa phương là một yếu tố quan trọng góp phần thành công trong phát triển du lịch của một điểm đến, vì vậy, để sự tham gia của cộng đồng địa phương có hiệu quả trong việc thu hút khách thì trước tiên cơ quan chức năng phải phải có những chính sách phù hợp:
Tuyên truyền cho người dân địa phương về lợi ích phát triển ngành Du lịch
Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và vai trò phát triển du lịch trong phát triển kinh tế của địa phương. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa phương giàu mạnh mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Tuyên truyền cho người dân về lợi ích của ngành Du lịch trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, các giá trị văn hóa và tự nhiên của địa phương.
Tuyên truyền cho người dân địa phương về vai trò của họ trong hoạt động thu hút KDL
Cần phải để người dân địa phương biết rằng: người dân địa phương và những giá trị văn hóa đi kèm là một phần của TNDL, góp phần quan trọng tạo nên sức hút du lịch cho Phú Yên.
Sự hợp tác, thân thiện, mến khách của người dân địa phương là yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch và thu hút khách đến du lịch.
Chia sẻ lợi ích phát triển ngành cho người dân địa phương
Cần có những chính sách khuyến khích phát triển loại hình du lịch cộng đồng, đặc biệt quan tâm tới sự tham gia của cộng đồng trong du lịch ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; vừa đa dạng hóa SPDL và bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên ở những nơi đó một cách hiệu quả nhất.
Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch và tạo thu nhập cho họ. Tại Phú Yên một số DV du lịch có thể hợp tác với người dân như: cùng KDL trồng lúa, trồng rau, v.v.; đối với người dân sống ven biển Sông Cầu, Tuy An, TP Tuy Hòa và Đông Hòa có thể tham gia các hoạt động như: câu cá, lặn biển, đánh lưới, vận chuyển khách bằng ghe, thuyền, cùng du khách đánh bắt thủy sản và