KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1 Kết luận

Một phần của tài liệu Hoạch định chiến lược kinh doanh của công ty xăng dầu quảng bình giai đoạn 2007 – 2010 goc (Trang 69 - 73)

1. Kết luận

Nền kinh tế thế giới đang diễn ra xu thế toàn cầu hóa một cách mau chóng, nền kinh tế của mỗi nước cũng như sự vận động và phát triển của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc vào chiến lược phát triển nội lực của bản thân mỗi nước và mỗi doanh nghiệp; đồng thời, lệ thuộc và chịu sự tác động mạnh mẽ của các nước khác trong từng khu vực cũng như các khu vực và các nước khác, trong đó chịu tác động của các nước phát triển là rất mạnh và liên tục. Do tác động của toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật diễn ra toàn diện, đặc biệt là sự phát triển manh mẽ của khoa học công nghệ thông tin – điện tử viễn thông đã tác động trực diện và sâu sắc đến nền kinh tế xã hội của tất cả các nước trên toàn thế giới, làm thay đổi hình thức và nội dung mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội; làm thay đổi trật tự thế giới về lĩnh vực kinh tế, phương thức làm việc, học tập, giao tiếp và quan hệ xã hội. Nội dung cơ bản của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiên nay là ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và công nghệ thông tin vào tất cả mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội, có ý nghĩa quyết định, tạo nên những bước phát triển đột phá, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của của nền kinh tế các nước; trong đó xu thế mới đang có ý nghĩa lớn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Trong điều kiện toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và cũng không ít thách thức rủi ro, nó sẽ tác động và chi phối hoạt động của mọi ngành kinh tế và mọi doanh nghiệp trong qua trình tổ chức phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp, trong điều kiện môi trường hoạt động đang có sự thay đổi lớn cần phải xác lập và triển khai hoạt động của doanh nghiệp theo chiến lược kinh doanh đúng đắn, nhằm tận dụng những cơ hội mới xuất hiện, phát huy tích cực và có hiệu quả các điểm mạnh nội lực bên trong; đồng thời, khắc phục và tránh khỏi các thách thức bên ngoài, điều chỉnh và khẩn trương khắc phục những điểm yếu bên trong. Tổ chức thực hiện đồng bộ và khoa học những giải pháp chiến lược ngắn hạn và dài hạn phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ thành công, tồn tại và phát triển bền vững.

Việc nghiên cứu, xây dựng chiến lược kinh doanh ngành hàng xăng dầu của Công ty xăng dầu Quảng Bình là khâu quan trọng để xác lập lối vận động chiến lược của doanh nghiệp nhằm tăng thị phần kinh doanh xăng dầu hàng năm, tăng lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, khẳng định uy tín của Petrolimex và của chính bản thân Công ty trên thị trường, tạo sự phát triển mạnh và vững chắc đến năm 2010 và những năm tiếp theo.

Quá trình nghiên cứu tác giả đã di sâu phân tích các yếu tố bên ngoài và các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phân tích kỹ lưỡng những nguồn lực thực trạng. và dự báo sự thay đổi theo thời gian của các nguồn lực Công ty, dự báo xu ướng biến động về nhu cầu xăng dầu trong nước cũng như tại địa bàn Quảng Bình những năm tới, trình tự đề cập và nghiên cứu đã thực hiện đúng nguyên lý hoạch định chiến lược kinh doanh do các nhà kinh tế nổi tiếng trên thế giới vạch ra và kết hợp với những kiến thức tác giả tiếp cận để hoàn thành yêu cầu của đề tài đặt ra. Từ đó, tác giả đã đưa ra các chiến lược kinh doanh được thể hiện trong nội dung của luận văn gồm:

1 - Chiến lược phát triển thị trường 2 - Chiến lược thâm nhập thị trường 3 - Chiến lược phát triển sản phẩm 4 - Chiến lược hội nhập về phía trước 5 - Chiến lược giá rẻ

Trong các chiến lược đề ra, luận văn đã phân tích sâu sắc và so sánh thận trọng, chặt chẽ và khoa học để lựa chọn chiến lược kinh doanh xăng dầu tối ưu của Công ty giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010 là chiến lược phát triển thị trường. Để thực hiện chiến lược được chọn, những giải pháp đồng bộ về vốn, về nguồn nhân lực, tổ chức điều hành và công tác marketing và những giải pháp tích cực khác tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của doanh nghiệp, những giải pháp cơ bản đã đề cập trình bày khá đầy đủ trong nội dung luận văn.

Chiến lược được lựa chọn trong luận văn dựa trên tình hình hiện tại của doanh nghiệp và của nền kinh tế xã hội trong nước cũng như những vấn đề thế giới đang diễn ra, các dự báo mới nhất về kinh tế, thị trường và xã hội Việt Nam và xu thế biến động của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực thi chiến lược đã được chọn này Công ty xăng dầu Quảng Bình cần tránh sự cứng nhắc, máy móc về những nội dung đã đề ra, mà phải tiếp tục xem xét cẩn trọng, triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản đã đề cập và linh hoạt điều chỉnh những nội dung chiến lược, những giải pháp sát đúng và phù hợp tình hình khi có sự thay đổi lớn trong môi trường vi mô và vĩ mô của nền kinh tế, của ngành và của Công ty.

Do luận văn chỉ tập trung chú trọng vào việc đề ra chiến lược kinh doanh nên đã hoàn thành các mục tiêu đề ra chủ yếu mang tính định hướng do mặt hàng xăng dầu còn phải tùy thuộc vào chính sách, cơ chế điều hành của nhà nước trong thời gian tới. Vì vậy, Công ty xăng dầu Quảng Bình trong năm 2007 và những năm tới phải tiếp tục nghiên cứu và nắm chắc tình hình diễn biến cụ thể của nền kinh tế, của các chính sách và cơ chế, chủ trương của nhà nước về ngành hàng xăng dầu; đồng thời, căn cứ tình hình chuyển động về cấu trúc mô hình tổ chức của Tổng công ty để đề ra chương trình chiến lược và các mục tiêu cụ thể hơn; trên cơ sở đó xem xét tính thực thi và đánh giá các chiến lược trên thực tế vận động của doanh nghiệp.

2. Kiến nghị

2.1. Đối với nhà nước

- Nhà nước cần sớm có cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình, chấm dứt tình trạng nhà nước bảo trợ và bù lỗ kéo dài làm thui chột khả năng tự vươn lên của các doanh nghiệp đầu mối. -

- Phải sớm xem xét và điều chỉnh giảm bớt đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, không nên để tồn tại 10 doanh nghiệp đầu mối như hiện nay; bởi vì, nếu tiếp tục duy trì tình trạng hiện nay thì sẽ diễn ra lãng phí nguồn lực doanh nghiệp do mỗi doanh nghiệp tự cân đối và đầu tư hệ thống kho cảng, tranh giành

địa bàn không lành mạnh, đua nhau giảm giá xăng dầu và các chính sách nhỏ lẻ thiếu tính chiến lược; như vậy sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực quốc gia và mỗi doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, yếu thế trong cạnh tranh.

Cần quy định thiết chế quản lý và quy hoạch hệ thống cơ sở kho chứa và hệ thống cửa hàng xăng dầu trên phạm vi toàn quốc, tránh tùy tiện đầu tư vừa lãng phí, vừa xảy ra tình trạng không cân đối giữa các vùng miền trong cả nước về mặt hàng thiết yếu cả trước mắt và lâu dài.

- Nhanh chóng kiện toàn hệ thống pháp luật cùng các nghị định, thông tư dưới luật được rõ ràng và ổn định.

- Cải tổ hệ thống hành chính hiệu lực, hiệu quả hơn, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Có chế tài nghiêm minh xử lý các trường hợp gian lận thương mại, trốn thuế nhập khẩu xăng dầu, lập trật tự ổn định đối với kinh doanh xăng dầu.

2.2. Đối với Tổng công ty xăng dầu Việt Nam

- Xác lập hệ thống các đơn vị thành viên phù hợp xu hướng vận động của các vùng thị trường và hợp lý về đường vận động hàng hóa, đảm bảo chiết giảm chi phí vận chuyển, chi phí lưu thông; trên cơ sở đó làm tăng năng lực cạnh tranh về giá bán xăng dầu trong điều kiện cạnh tranh mới.

- Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kho cảng, hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu với quy mô lớn và hiện đại theo mô hình của các nước trong khu vực, trên thế giới, tạo lập hệ thống phân phối rộng khắp toàn quốc, chiếm ưu thế và nâng cao khả năng canh tranh của Tổng công ty. -

- Chuyển đổi mô hình tổ chức Tổng công ty theo hướng Công ty mẹ và Công ty con, chuyển hướng đa hình thức sở hửu nhằm tăng khả năng huy động vốn cho phát triển đầu tư và kinh doanh.

- Chú trọng đào tạo nhân lực và thu hút nhân tài có năng lực về chuyên môn cao và khả năng thực tiển giỏi đáp ứng yêu cầu phát triển chiến lược theo hướng Tập đoàn Petrolimex trong những năm sau 2010.

- Triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung chiến lược và giải pháp chiến lược kinh doanh có tính khả thi cao đối với Công ty; tạo nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và sự cần thiết của chiến lược kinh doanh trong công nhân viên lao động toàn Công ty; trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong guồng máy quản lý doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện các giải pháp kinh doah phải đồng thời nâng cao chất lượng điều hành và quản lý doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện xây dựng và tôn tạo văn hóa doanh nghiệp văn minh và tiến bộ...

- Tiếp tục cũng cố và kiện toàn lại bộ máy tổ chức và nhân sự một cách có hiệu quả và linh động, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ nhân viên ở công ty để họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

- Chiến lược kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Thông qua nó doanh nghiệp có thể khai thác được cơ hội và tránh được rủi ro tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích nghi với môi trường kinh doanh. Do đó, Công ty cần quan tâm thích đáng đến công tác chiến lược. Đây chính là cơ sở để đưa ra các quyết định cụ thể về đầu vào cũng như đầu ra của công ty.

Do thời gian thực hiện luận văn có hạn, nên luận văn vẫn còn nhiều thiếu sót. Rất mong sự thông cảm và chỉ dẫn những nội dung chất lượng cao của quý thầy cô giáo. Hy vọng luận văn sẽ giúp cho Công ty xăng dầu Quảng Bình nhìn nhận thêm các vấn đề có tính chiến lược trong công tác kinh doanh và điều hành, quản lý doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi hơn để Công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và mọi hoạt động của đơn vị, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để đứng vững và phát triển trong môi trường phức tạp mới.

Một phần của tài liệu Hoạch định chiến lược kinh doanh của công ty xăng dầu quảng bình giai đoạn 2007 – 2010 goc (Trang 69 - 73)