Đối với các doanh nghiệp, việc xây dựng quy chế trả lương đều phải tuân thủ theo các văn bản hiện hành về chế độ tiền lương của nhà nước. Tổng công ty là một công ty TNHH 1TV do nhà nước làm chủ sỡ hữu, ngoài các quy định chung còn phải tuân thủ theo hệ thống các văn bản quy định về chính sách tiền lương đối với các doanh nghiệp nhà nước. Những quy định chung trong quy chế trả lương của TCT Sông Đà được thể hiện từ điều 1 cho đến điều 5 của quy chế.
Mục 4, căn cứ xây dựng: quy chế trả lương của Tổng công ty căn cứ trên, một số văn bản quy phạm pháp luật như:
- Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ;
- Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ quy định quản lý lao động và tiền lương trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ;
- Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương đối với công ty mẹ do nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong tập đoàn kinh tế;
- Thông tư hướng dẫn các Nghị định trên;
Tác giả luận văn nhận thấy phần căn cứ xây dựng quy chế trả lương, đa số các văn bản được đề cập như trên đã hết hiệu lực thi hành, Tổng công ty ty cũng đã có kết hoạch sửa đổi, bổ sung quy chế trả lương cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Mục 1 và mục 2: Phạm vi điều chỉnh của quy chế trả lương TCT Sông Đà là Văn phòng Tổng công ty.
Đối tượng áp dụng là viên chức quản lý; NLĐ làm việc theo các loại hợp đồng lao động tại văn phòng Tổng công ty.
Về đội tượng áp dụng, tác giả cho rằng việc quy định viên chức quản lý và NLĐ cùng áp dụng chung một quy chế là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc thì công ty phải xây dựng quy chế trả lương riêng, điều này thể hiện ở việc công ty không hề tách nhóm đối tượng Viên chức quản lý (thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát) trong một quy chế trả lương riêng gắn với hiệu quả điều hành, quản lý mà để chung với nhóm đối tượng chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ trả lương thông qua hiệu quả thực hiện công việc.
Tác giả đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ, trong 50 phiếu khảo sát thu về cho thấy trong 50 người được hỏi có 31 người (chiếm 62%) cho rằng đối tượng áp dụng của quy chế hiện nay là chưa phù hợp, đi sâu vào nguyên nhân tại sao có nhận định trên, trong 31 người này có 22 người cùng quan
điểm cho rằng quy chế trả lương chỉ nên áp dụng cho NLĐ, 27 người cho rằng đối tượng Viên chức quản lý cần có quy chế trả lương riêng, 22 người cho rằng các đối tượng lái xe, vệ sinh, bảo vệ không nên đưa vào quy chế này.
Mục 3, nguyên tắc chung trong việc quy định các nội dung của quy chế:
- Quản lý, sử dụng quỹ tiền lương, tiền thưởng đúng mục đích; có hiệu quả phù hợp với chế độ chính sách chung của Nhà nước quy định và điều kiện cụ thể của Tổng công ty.
- Việc chuyển, xếp lương phải bảo đảm theo nguyên tắc làm công việc gì xếp lương theo công việc đó, giữ chức vụ gì xếp lương theo chức vụ hoặc phụ cấp giữ chức vụ đó trên cơ sở tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ NLĐ; tiêu chuẩn xếp hạng doanh nghiệp.
- Lao động được đào tạo, có trình độ chuyên môn (không bao gồm trình độ học hàm, học vị), kỹ thuật cao, tay nghề giỏi, đóng góp nhiều công sức và tạo ra hiệu quả kinh doanh thì được trả lương cao hơn.
Tiền lương, tiền thưởng cho cá nhân hoặc tập thể NLĐ căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động và mức độ đóng góp của cá nhân, tập thể NLĐ.
- Toàn bộ tiền lương, tiền thưởng phải thể hiện chính xác, đầy đủ vào bảng lương hoặc sổ lương của Tổng công ty theo quy định của Nhà nước.
Trong trường hợp một người giữ hai hoặc nhiều chức vụ hoặc làm nhiều công việc khác nhau trong cùng một thời gian thì mức tiền lương, tiền thưởng được áp dụng ở mức chức vụ, công việc có hệ số lương cao nhất trong thời gian đó.
Tác giả nhận thấy các nguyên tắc chung của quy chế trả lương TCT Sông Đà là phù hợp.
Trong 5 nội dung của quy chế trả lương, thì các nội dung quy định chung, tổ chức thực hiện, điều khoản thi hành đa số các quy chế giống nhau. Qua quá trình phân tích quy chế của Tổng công ty Sông Đà thì tác giả thấy
rằng những tồn tại, hạn chế của quy chế đa số tập trung: phần quỹ tiền lương và sử dụng quỹ tiền lương; phần phân phối quỹ tiền lương. Do vậy, tác giả luận văn tập trung vào phân tích nội dung này.