Quá trình hình thành dư luận xã hội và các yếu tố tác động

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Nghề Công tác xã hội) (Trang 103 - 106)

- Kiến thức: Trình bày được quá trình hình thành và các yếu tố tác động tới việc hình thành dư luận xã hội.

- Kỹ năng: Ứng dụng được những lý thuyết trên cho quá trình xác định và sử dụng dư luận xã hội.

- Thái độ Rèn luyện tính tích cực, chủ động trong học tập, nghiên cứu; Hình thành được thái độ đúng đắn đối với dư luận xã hội.

2.1. Quá trình hình thành dư luận xã hội

Dư luận xã hội được hình thành, phát triển qua 4 giai đoạn cơ bản:

- Tiếp cận thông tin: Đối tượng tiếp cận thông tin đầu tiên là các cá nhân. Các cá nhân tiếp xúc, làm quen với thông tin về sự kiện, hiện tượng, quá trình đang diễn ra. Họ tìm kiếm thông tin, trao đổi, thảo luận với nhau và dần hình thành những ý niệm ban đầu về sự việc.

- Trao đổi thông tin: Các ý kiến cá nhân được trao đổi bàn bạc trong nhóm xã hội. Cơ sở cho quá trình thảo luận trong nhóm là lợi ích chung của cả nhóm; hệ thống giá trị chuẩn mực chi phối các khuôn mẫu tư duy và khuôn mẫu hành vi của thành viên nhóm.

- Thống nhất ý kiến: Các nhóm trao đổi, tranh luận với nhau cùng tìm đến những điểm chung trong quan điểm và ý kiến. Cơ sở của quá trình này lợi ích chung và hệ thống giá trị, chuẩn mực chung cùng được các nhóm chia sẻ và thừa nhận.

- Đưa ra kiến nghị: Trên cơ sở thảo luận, các nhóm đi đến ý kiến phán xét, đánh giá chung được đa số thừa nhận và ủng hộ; đồng thời đưa ra những kiến nghị. Kết luận: Dư luận xã hội là sản phẩm của quá trình giao tiếp xã hội, không có sự bàn bạc, thảo luận, tranh luận thậm chí va đập ý kiến thì không thể có ý kiến phán xét đánh giá chung được đông đảo người dân chia sẻ, ủng hộ.

Đồng thời, dư luận xã hội không phải là sự tổng hợp thuần túy các ý kiến cá nhân hay ý kiến của nhóm mà bằng con đường thảo luận, các cá nhân đưa ra ý kiến của mình để từ đó rút được những điểm chung và tổng hợp thành ý kiến chung cho cả nhóm hoặc các nhóm xã hội khác nhau.

2.2. Các yếu tố tác động tới việc hình thành dư luận xã hội

- Quy mô, cường độ, tính chất của sự kiện, hiện tượng hay quá trình đang diễn ra xét từ góc độ mối quan hệ của chúng đến lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau. Khuynh hướng chung trong ý kiến đánh giá và thái độ của công chúng là bày tỏ sự đồng tình với các vấn đề có lợi cho lợi ích của mình và ngược lại, phản đối các vấn đề gây thiệt hại cho lợi ích của mình.

- Tính thời sự của sự kiện cũng tác động tới sự hình thành dư luận xã hội. Thông thường, dư luận xã hội được hình thành nhanh và mạnh hơn đối với những sự kiện mới xảy ra. Nếu tính thời sự của sự kiện giảm đi theo thời gian tồn tại của nó thì cường độ của dư luận xã hội về nó cũng giảm đi.

2.2.2. Yếu tố chủ quan

- Mức độ dân chủ hóa đời sống xã hội, tức khả năng và sự tham gia thực tế của người dân vào các sinh hoạt chính trị - xã hội của đất nước.

- Trình độ văn hóa, độ tuổi, điều kiện kinh tế và hệ tư tưởng.

- Những nhân tố về tâm lý xã hội: thói quen, nếp nghĩ, ý chí, tâm trạng, tình cảm của một cộng đồng người.

- Công tác tuyên truyền vận động. Vai trò của công tác tuyên truyền vận động với sự hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào tính chính xác của thông tin, sự phù hợp của các luận điểm với hiện thực cuộc sống nhằm tạo niềm tin của người dân với công tác tuyên truyền, vận động.

- Truyền thông đại chúng tác động mạnh mẽ tới hình thành dư luận xã hội. Thể hiện:

+ Hệ thống truyền thông đại chúng cung cấp thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội đáp ứng sở thích và nhu cầu thông tin của công chúng. Do đó, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng có phạm vi hoạt động rộng lớn, thu hút ngày càng nhiều công chúng vào hoạt động giao tiếp xã hội.

+ Là diễn đàn ngôn luận công khai: hệ thống truyền thông đại chúng là phương tiện để mỗi cá nhân, mỗi nhóm xã hội xã hội hóa ý kiến của mình. Ý kiến này có thể được đông đảo người dân quan tâm và từ đó dư luận xã hội được hình thành.

+ Định hướng xây dựng dư luận: hệ thống truyền thông đại chúng dành một phần thích đáng cho việc đăng tải các thông tin kiểm chứng chính thức và mang định hướng xây dựng. Đặc biệt khi các sự kiện diễn ra có tầm quan trọng và liên

quan đến lợi ích của đất nước và dân tộc, đụng chạm đến các giá trị luân lý cơ bản của xã hội thì định hướng thông tin phải phản ánh được quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, ý kiến chính thức của các cơ quan chức năng và sự đánh giá phán xét chung của xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Nghề Công tác xã hội) (Trang 103 - 106)