Mục tiêu
- Kiến thức: Trình bày được định nghĩa, đối tượng nghiên cứu của xã hội học quản lý.
- Kỹ năng: Phân biệt đối tượng nghiên cứu của xã hội học quản lý và các chuyên ngành khác của xã hội học.
1.1. Định nghĩa
Quản lý là một loại hoạt động cơ bản của đời sống xã hội bên cạnh các hoạt động như sản xuất vật chất, tái sản sinh xã hội, sản xuất của cải tinh thần, giao tiếp.
Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối
tượng quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện tác động của môi trường.
Phân biệt quản lý và lãnh đạo: Hai thuật ngữ này thường dùng cho các hệ thống bao hàm con người, song chúng không đồng nghĩa. Giống nhau: đều bao hàm nghĩa tác động và điều khiển nhưng khác nhau về mức độ và phương thức tiến hành. Lãnh đạo là quá trình định hướng dài hạn cho chuỗi các tác động của chủ thể quản lý; còn quản lý là quá trình chủ thể tổ chức liên kết và tác động lên đối tượng bị quản lý để thực hiện các định hướng tác động dài hạn. Lãnh đạo là quản lý nhưng mục tiêu rộng hơn, xa hơn, khái quát cụ thể hơn. Còn quản lý là lãnh đạo trong trường hợp mục tiêu cụ thể hơn, chuẩn xác hơn. Có lúc người quản lý phải làm người lãnh đạo và ngược lại. Việc lãnh đạo và quản lý do chủ thể quản lý tiến hành, chủ thể có thể là duy nhất, cũng có thể là không duy nhất, tức có thể có từ hai lực lượng, hai phân hệ trở lên nhưng nói chung để cho quá trình quản lý có hiệu quả cao thì lãnh đạo và quản lý phải thống nhất với nhau. Trong tài liệu này, thuật ngữ quản lý có nghĩa bao hàm cả lãnh đạo.
Xã hội học tiếp cận phân tích quản lý từ góc độ coi quản lý là gắn với những kiểu mẫu hành vi theo nhóm, hay còn gọi là những kiểu hành vi theo tổ chức. Và
một tổ chức có thể có nghĩa là một hệ thống, hoặc một kiểu mẫu của một tập hợp
những quan hệ theo nhóm nào đó trong một công ty, trong một cơ quan nhà nước,
trong một bệnh viện, hoặc trong bất kỳ một loại hình hoạt động khác.
Xã hội học quan niệm mỗi tổ chức khi được hình thành nên, bên trong nó luôn tồn tại những thành phần, những bộ phận như là một cơ cấu xã hôi, với một tập hợp phức tạp của những mâu thuẫn, những áp lực, những thái độ tác động qua lại, phát sinh từ những nền tảng văn hóa của con người. Và rất nhiều vấn đề của chúng ta trong quản lý đã phát sinh ra từ những thái độ, những mong muốn và những kiểu mẫu hành vi theo nhóm…
Xã hội học nghiên cứu các quan hệ xã hội để tìm ra cái logic xã hội của các hiện tượng đời sống xã hội. Nghĩa là nó tập trung nghiên cứu mặt xã hội của thực
tại xã hội. Vì vậy khi áp dụng vào nghiên cứu hiện tượng quản lý, xã hội học cũng tập trung tìm hiểu mặt xã hội của nó. Xã hội học tập trung nghiên cứu cách thức phối hợp của các thành viên giữ những vị thế xã hội khác nhau trong nhóm với mục đích bảo đảm hiệu quả tối đa do nhóm đặt ra từ trước. Như vậy, xã hội học quản lý được hiểu là một khoa học nghiên cứu cách thức phối hợp hoạt động của các thành
viên chiếm giữ những vị thế xã hội khác nhau trong tổ chức xã hội nhằm đạt tới mục tiêu chung của tổ chức đó.
1.2. Đối tượng nghiên cứu
Nói một cách chung nhất, đối tượng của xã hội học quản lý chính là cách
thức hoạt động của một tổ chức xã hội, trong đó chủ yếu nghiên cứu mối quan hệ
giữa các vị thế xã hội mà cụ thể là vị thế quản lý và vị thế bị quản lý. Một cách đơn giản nhất, người ta cũng có thể nói đối tượng xã hội học quản lý là nghiên cứu hoạt
động của các nhà quản lý và nghiên cứu hoạt động của các nhân viên trong một tổ chức xã hội nhất định.
Ý nghĩa của việc nghiên cứu xã hội học quản lý: xã hội học về quản lý giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của yếu tố quyền lực, của hệ thống tổ chức, của cán bộ quản lý, của thông tin trong quản lý cũng như những xu hướng biến đổi và những phát sinh về mặt xã hội trong mối quan hệ giữa vị thế quản lý và vị thế bị quản lý có ảnh hưởng đến hiệu quả công tác để trên cơ sở đó có chính sách đúng tác dụng vào quản lý đem lại sự ổn định phát triển vì lợi ích chung của xã hội