Khái niệm xã hội học đô thị

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Nghề Công tác xã hội) (Trang 45 - 47)

Mục tiêu

- Kiến thức: Trình bày được định nghĩa, đối tượng nghiên cứu của xã hội học đô thị.

- Kỹ năng: Phân biệt đối tượng nghiên cứu của xã hội học đô thị và các chuyên ngành khác của xã hội học.

- Thái độ: Rèn luyện tính tích cực, chủ động trong học tập, nghiên cứu. 1.1. Định nghĩa

Theo nghĩa từ, đô thị là một vùng rộng lớn cả về mặt diện tích lẫn đông đúc về mặt dân cư sinh sống và là nơi diễn ra các hoạt động phi nông nghiệp.

Theo định nghĩa văn bản pháp quy: tùy theo từng nước sẽ có những quy định khác nhau về đô thị. Tuy nhiên, những quy định này thường lấy 3 tiêu chí chính là: diện tích, số dân và tỷ lệ phi nông nghiệp để đánh giá tiêu chuẩn thế nào được gọi là đô thị.

Theo tiêu chuẩn của Việt Nam, một vùng lãnh thổ được gọi là đo thị nếu đảm bảo những tiêu chí sau:

- Là trung tâm tổng hợp hay chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trong phạm vi cả nước, một một miền lãnh thổ, của một tỉnh, một huyện hoặc một vùng trong tỉnh hay trong huyện.

- Có quy mô dân số (nội thị) nhỏ nhất là 4.000 người trở lên (vùng núi có thể ít hơn).

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 60% trở lên trong tổng số lao động của nội thị, là nơi sản xuất và dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển.

- Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng phục vụ dân cư đô thị từng phần hoặc đồng bộ.

- Mật độ dân cư cao hơn vùng nông thôn và được xác định theo từng loại đô thị, loại nhỏ nhất có mật độ 6.000 người/km2.

Theo quan điểm xã hội học, đô thị là một kiến tạo lãnh thổ - xã hội, một hình thức cư trú mang tính toàn vẹn lịch sử của con người được đặc trưng bởi các chỉ báo sau:

- Số lượng dân cư tập trung trên một lãnh thổ hạn chế (mật độ cao), nó là một hình thức quần cư tồn tại trong không gian và thời gian nhất định.

- Đại bộ phận dân cư làm các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp.

- Là môi trường sống trực tiếp, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển xã hội và cá nhân.

- Giữ vai trò chủ đạo đối với các vùng nông thôn xung quanh và toàn xã hội nói chung, nó có vai trò quyết định trong sự phát triển của xã hội.

Dựa theo các tiêu chí khác nhau mà người phân chia các loại đô thị khác nhau:

- Theo chức năng. - Theo độ lớn.

* Khái niệm xã hội học đô thị

Cùng với sự phát triển của các nghiên cứu thực nghiệm (đặc biệt trong xã hội học đô thị Mỹ), vấn đề nghiên cứu (đối tượng nghiên cứu) của xã hội học đô thị cũng được cụ thể hóa và khu biệt rõ rệt hơn. Mặc dù cho đến nay vẫn lưu hành nhiều định nghĩa khác nhau về môn xã hội học đô thị. Song nhìn chung các định nghĩa, các công trình nghiên cứu về xã hội học đô thị cũng đều bao gồm việc khảo

sát rộng rãi quá trình đô thị hóa, trong đó nêu rõ những ảnh hưởng tác động qua lại (quan hệ nhân – quả) của quá trình này tới các tổ chức và cá nhân (tới cộng đồng dân cư đô thị).

1.2. Đối tượng nghiên cứu

Theo quan điểm của A.Boskoff (trong tác phẩm Sociology of urban regions), một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu đô thị thì đối tượng nghiên cứu đô thị bao gồm: “Gia đình và hôn nhân, giáo dục trẻ em, vấn đề chủng tộc, người giả, sức khỏe tâm lý xã hội, tôn giáo học vấn và các xu hướng trong đời sống xã hôi – đó là phạm vi các vấn đề mà xã hội học đô thị nghiên cứu”.

Quan điểm khác cho rằng đối tượng nghiên cứu của xã hội học đô thị là đối tượng nghiên cứu của xã hội học xảy ra trong xã hội đô thị. Với quan điểm này, đô thị được xem xét như là một thiết chế xã hội và khi đó xã hội học đô thị sẽ quan

tâm đến tất cả các vấn đề xã hội như các mối quan hệ xã hội, khuôn mẫu hành vi, các quá trình xã hội… xảy ra trong xã hội đô thị.

Cách tiếp cận khác về đối tượng nghiên cứu của xã hội học đô thị là xem xét đô thị như một thiết chế xã hội và bao gồm hai thành tố: không gian vật chất và các thành tố tổ chức – xã hội. Với quan niệm đô thị như trên, xã hội học đô thị sẽ quan tâm nhiều hơn đến thành tố thứ hai, các thành tố tổ chức xã hội (bao gồm trong đó là cộng đồng dân cư sinh sống tại với tất cả thể chế, luật lệ tại đây), đồng thời cũng quan tâm xem xét những tác động tương hỗ giữa thành tố thứ hai này với môi trường cư trú đô thị (bao gồm kiến trúc, quy hoạch, nhà ở), sự thích ứng, hòa nhập của người đô thị với môi trường cư trú của họ.

Quan điểm này cho phép phân biệt rõ đối tượng nghiên cứu của xã hội học đô thị với các bộ môn khoa học khác cũng nghiên cứu về đô thị như kiến trúc, quy hoạch, sinh thái học đô thị - những chuyên ngành chủ yếu quan tâm đến môi trường cư trú đô thị.

Một phần của tài liệu Giáo trình Xã hội học (Nghề Công tác xã hội) (Trang 45 - 47)