Theo quy định tại khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015 thì những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
- Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
- Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Người thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp là Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Như vậy, ngoài những người tiến hành tố tụng (được quy định tại khoản 2 Điều 34 BLTTHS năm 2015) là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp thì một số người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (quy định tại khoản 2 Điều 35 BLTTHS năm 2015) như: Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng. Cũng có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra còn có chủ thể là người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng cũng có thể ra lệnh áp dụng biện pháp này theo những căn cứ cụ thể của pháp luật TTHS.
Việc có rất nhiều các chủ thể không phải là người tiến hành tố tụng được ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp là xuất phát từ thực tế. Các cơ quan trên là những nơi thường xuyên tiếp xúc với các loại tội phạm, tiếp nhận các nguồn tin, tố giác của công dân về tội phạm. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm là phải phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội cũng như tạo thuận lợi cho việc tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình tố tụng, pháp luật cho phép những người đứng đầu các cơ quan trên được phép ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, luật không trao quyền giữ người cho Viện kiểm sát hay Tòa án. Đó là do chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, Tòa án không phù hợp
với công tác tổ chức, xác định các căn cứ áp dụng, tổ chức cử cán bộ thi hành. Đồng thời, nếu trao quyền giữ người cho họ sẽ không đảm bảo tính cấp thiết và nhanh chóng của trường hợp này.