Mối quan hệ giữa biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp vớ

Một phần của tài liệu Tài liệu Giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo luật Tố tụng (Trang 29 - 34)

với một số biện pháp ngăn chặn khác trong tố tụng hình sự

Trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, hệ thống các biện pháp ngăn chặn được quy định cụ thể tại Chương VII BLTTHS năm 2015 bao gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Mỗi biện pháp được cơ quan có thẩm quyền áp dụng trong những trường hợp cụ thể nhằm đạt được những mục đích như: bảo đảm bắt giữ ngay người phạm tội, khi cần có thể lấy lời khai của bị can, ngăn chặn hành vi xóa bỏ dấu vết tội phạm, bảo đảm sự có

mặt của bị can theo giấy triệu tập, bảo đảm không cho bị can trốn hay bảo đảm sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa. Dù được áp dụng để đạt được những mục đích cụ thể nào đi chăng nữa thì mục đích chung của các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự vẫn chính là ngăn chặn tội phạm và bảo đảm cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Bởi vậy, các biện pháp ngăn chặn là biện pháp độc lập nhưng có mối quan hệ tác động lẫn nhau, chúng có cùng chung một bản chất- đều là những biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự được thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực Nhà nước, đều luôn gắn liền với sự tác động và hạn chế các quyền tự do cá nhân của đối tượng áp dụng.

Trong BLTTHS hiện hành, giữ người trong trường hợp khẩn cấp được quy định đầu tiên trong số các biện pháp ngăn chặn. Sự sắp xếp này không phải là ngẫu nhiên mà thể hiện mối liên hệ với các biện pháp ngăn chặn được quy định tiếp sau. Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là làm hạn chế tự do về thân thể đối với người khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc sau khi thực hiện tội phạm người đó có ý định bỏ trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ. Như vậy, trong trường hợp có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành áp dụng biện pháp giữ người. Tuy nhiên, việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp chỉ là tạm thời, không thể ngăn chặn triệt để việc người đó tiếp tục bỏ trốn hay tiêu hủy chứng cứ. Bởi vậy, ngay sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem xét việc trả tự do hay áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Như đã trình bày ở trên, trước đây

trong BLTTHS năm 2003 có quy định về biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, do đó, sau khi bắt người trong trường hợp này, Cơ quan điều tra sẽ phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Nhưng sau khi biện pháp này được thay thế bằng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì đã có những quy định mới trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa các biện pháp này. Cụ thể là sau khi tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp, trong thời hạn được quy định cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải lấy lời khai ngay và sau đó phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó.

Như vậy, sau khi giữ khẩn cấp, thông qua hoạt động lấy lời khai, cơ quan có thẩm quyền sẽ có thể củng cố, xác định thêm những tình tiết của vụ việc. Nếu xét thấy có đủ căn cứ và thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác thì Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp tục quyết định tạm giữ, bắt người bị giữ. Nhưng ngược lại, không có đủ căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác thì ngay lập tức sẽ phải trả tự do cho người bị giữ khẩn cấp, bảo đảm các quyền cá nhân của họ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTHS năm 2015 thì các trường hợp bắt người gồm: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Đối với trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, đối tượng có thể bị bắt là những người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Tuy không phải là bất cứ người nào bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đều bị bắt và việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết theo quy định của BLTTHS. Nhưng chúng ta có thể thấy được việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp chính là tiền đề để các cơ

quan có thẩm quyền căn cứ vào những quy định của pháp luật để tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người. Nói cách khác, nếu chưa từng giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì cũng không thể ra quyết định bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn do những người có thẩm quyền quyết định nhằm hạn chế tự do thân thể trong thời hạn nhất định có thể áp dụng đối với các đối tượng: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú. Như vậy, đối tượng bị giữ trong trường hợp khẩn cấp sau đó cũng có thể bị tạm giữ nếu xét thấy có đủ căn cứ.

Việc quy định cụ thể về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, giúp chúng ta có thể hiểu một cách toàn diện các biện pháp ngăn chặn. Các biện pháp này đều là các biện pháp độc lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng được thực hiện với mục đích chung là ngăn chặn tội phạm và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết vụ án hình sự. Các chủ thể có thẩm quyền có thể lựa chọn áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp nhất đối với từng đối tượng và cũng có trường hợp phải áp dụng nhiều biện pháp liên tục mới có thể đạt được hiệu quả. Bởi vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các biện pháp ngăn chặn là rất quan trọng không chỉ về mặt lý luận và còn về thực tiễn.

Giữa biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và các biện pháp khác cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc áp dụng biện pháp này có thể là tiền đề, một yếu tố quan trọng để có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Chỉ khi xác định được bản chất cũng như mối quan hệ giữa các biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng mới có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm giải quyết kịp thời, đúng đắn các vụ án hình sự.

Kết luận chương 1

Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là một biện pháp ngăn chặn mới được bổ sung vào BLTTHS năm 2015 để thay thế cho biện pháp "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" quy định tại Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Trước đó, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định “bắt người là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người đang bị truy nã và trong các trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang”. Việc bắt người còn là vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị- xã hội, có tác động trực tiếp đến quyền tự do về thân thể của công dân, một trong các quyền nhân thân quan trọng nhất của con người. Sự sửa đổi này một mặt nhằm bảo đảm phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát”. Mặt khác cũng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành các quy định liên quan đến bắt, giữ người trong trường hợp khẩn cấp của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Việc bổ sung biện pháp ngăn chặn này là biện pháp ngăn chặn độc lập bên cạnh các biện pháp ngăn chặn khác như: Bắt, tạm giữ, tạm giam…Mục đích của việc áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp là để ngăn chặn tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra; ngăn chặn người bị tình nghi trốn hoặc tiêu hủy, tẩu tán dấu vết của tội phạm; tạo thuận lợi cho việc giải quyết vụ án hình sự. Và cũng giống như các biện pháp khác, việc áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp cũng có những ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự chuyên chính của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; Bảo đảm cho các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được thuận lợi, góp phần bảo đảm sự dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chương 2

QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 VỀ BIỆN

Một phần của tài liệu Tài liệu Giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo luật Tố tụng (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)