Theo quy định tại khoản 1 Điều 110 BLTTHS năm 2015, đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp là bất kì người nào nếu họ thuộc 1 trong 3 trường hợp sau đây:
- Người đó đang chuẩn bị thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
Để giữ người trong trường hợp này phải có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị phạm tội, tức là phải có hành vi “tìm kiểm, sửa soạn cụng cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015. Mặc dù hành vi chuẩn bị phạm tội chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng nó là tiền đề cho việc thực hiện tội phạm, đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Cho nên, cần thiết phải ngăn chặn kịp thời hành vi chuẩn bị phạm tội. Căn cứ để xác định có người đang chuẩn bị phạm tội có thể là kết quả của quá trình kiểm tra, xác minh các thông tin do cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng bọn của đối tượng cung cấp hoặc do chính các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện thu thập như: kiểm tra hành chính, tuần tra kiểm soát [20, tr79].
Tội phạm trong BLHS được chia thành bốn loại, trong đó xuất phát từ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp chỉ áp dụng đối với người chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, giữ người trong trường hợp khẩn cấp không được áp dụng đối với người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
- Có người chính mắt trông thấy người đó đã thực hiện tội phạm;
Trong trường hợp này, phải có người chính mắt mình nhìn thấy người đó thực hiện tội phạm. Ngoài ra, sự xác nhận của những người này phải mang tính khẳng định, nghĩa là họ xác nhận đúng đối tượng là người thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khách quan, tránh việc giữ nhầm người không cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, xác minh lời khai bởi trên thực tế, với nhiều lý do khác nhau mà người đó có thể nhìn nhầm hoặc cố tình xác định sai đã nhìn thấy một người thực hiện tội phạm [20, tr79].
- Có căn cứ cho rằng người bị tình nghi sẽ tiêu hủy chứng cứ.
Người bị nghi thực hiện tội phạm là những người mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có những tài liệu, chứng cứ khẳng định họ có những biểu hiện bất minh về thời gian, quan hệ, sinh hoạt, kinh tế hoặc thái độ, cử chỉ…có liên quan đến tội phạm nhưng chưa thể khẳng định được như: khi vụ án xảy ra, người đó có mặt tại hiện trường hoặc sau khi vụ án xảy ra, người đó hoang mang, lo lắng hay dò hỏi về tiến độ điều tra…Cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với họ khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó tiêu hủy chứng cứ như: giặt, đốt quần áo dính máu của nạn nhân, chôn giấu công cụ, phương tiện phạm tội, xóa dấu vết tội phạm…[20, tr80].