giữ người trong trường hợp khẩn cấp
- BLTTHS năm 2015 bổ sung biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn độc lập bên cạnh các biện pháp ngăn chặn khác như: Bắt, tạm giữ, tạm giam…Về biện pháp bắt thì tại khoản 2 Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định có 05 trường hợp bắt là: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt người theo yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên, Điều 110 BLTTHS năm 2015 có tên là “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” nhưng trong đó tại khoản 5, khoản 6 Điều 110 lại có quy định về trường hợp “bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” (là một trong những trường hợp cụ thể của biện pháp bắt người được quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTHS năm 2015). Như vậy, có thể thấy, nội dung quy định của điều luật đã vượt ra ngoài phạm vi tên gọi của điều luật và điều này là chưa thực sự hợp lý và không có sự thống nhất với quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015 [16].
Bởi vậy, về tên gọi điều 110 BLTTHS năm 2015, để tên điều 110 BLTTHS năm 2015 có thể bao quát nội dung của điều luật đó nên bổ sung cụm từ “và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” vào sau cụm từ “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp”. Sự bổ sung này sẽ không làm phá vỡ tính ổn định của BLTTHS 2015 do không phải thêm một điều luật mới xen giữa các điều luật quy định về “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” ( Điều 110) và “Tạm giữ” ( Điều 117). Ngoài ra, cũng không cần phải chuyển một số nội dung liên quan đến bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp sang điều luật mới bổ sung. Theo phương án này, nội dung của điều luật không bị thay đổi và tên của điều luật sẽ phù hợp hơn với nội dung bên trong [16].
- Khắc phục sự không thống nhất giữa quy định tại Điều 110 và Điều 117 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền ra quyết định tạm giữ và thẩm quyền ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015 có quy định về những người có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, trong đó có người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng. Tiếp đó, tại khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015 quy định, người chỉ huy tàu bay, tàu biển sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Điều này cho thấy những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015, tức là người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng không được quyền ra quyết định tạm giữ mà chỉ được thực hiện duy nhất một việc là “giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về”, để cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh, xử lý người đã bị họ giữ trong trường hợp khẩn cấp đó.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 117 BLTTHS năm 2015 quy định: “Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ”, bao gồm cả người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng là không thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 110.
Như vậy, cần bổ sung cụm từ “điểm a và b” vào sau cụm từ “những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại…”. Cụ thể là khoản 2 Điều 117 BLTTHS năm 2015 (theo phương án đề xuất sửa đổi) sẽ có nội dung sau: “Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại điểm a
và b khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ”. Điều này sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất giữa các quy định về biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS hiện hành [16].
- Đối với thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp của người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng cần có quy định cụ thể và rõ ràng hơn theo hướng: Trường hợp giữ người khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng thì cần phải quy định thời hạn giữ người cụ thể tối đa là bao nhiêu ngày, trừ đi những ngày tàu bay, tàu biển di chuyển từ địa điểm giữ người đến địa điểm thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo. Phải giải thích được khoảng thời gian từ lúc giữ người trên tàu bay, tàu biển tới khi Cơ quan điều tra tiếp nhận người bị giữ là loại thời gian gì?