Một số lý thuyết nền tảng cho nghiên cứu của luận án

Một phần của tài liệu Tài liệu Hoàn thiện thông tin kế toán công bố của các doanh nghiệp niêm yết (Trang 31 - 33)

6.1. Lý thuyết về thông tin hữu ích cho việc ra quyết định

Hiệp hội kế toán Hoa Kỳ (AAA) (American Accounting Association, 1966) đã ban hành “Báo cáo về lý thuyết kế toán cơ bản”, khẳng định mục tiêu của kế toán là giúp người sử dụng đưa ra phán xét và quyết định sáng suốt về các nguồn lực khan hiếm. Đây được coi là tài liệu quan trọng trong hệ tư tưởng kế toán hiện đại. Trong tài liệu này, AAA không chỉ rõ đối tượng sử dụng thông tin kế toán và nhu cầu của họ, mà tập trung vào bản chất của thông tin và sự phù hợp – một trong những yêu cầu cơ bản của thông tin kế toán. “Lý thuyết về thông tin hữu ích cho việc ra quyết định” được xem như là nền tảng để xây dựng các chuẩn mực, các quy định, là cơ sở để đánh giá hiệu quả của thông tin trong việc hỗ trợ ra quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin kế toán. Lý thuyết này coi kế toán là quy trình cung cấp thông tin phù hợp cho đối tượng sử dụng thông tin. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ nên công bố những thông tin có ích cho việc ra quyết định của người sử dụng.

Ứng dụng trong bối cảnh của luận án, các doanh nghiệp niêm yết, bên cạnh việc tuân thủ đầy đủ các quy định, yêu cầu của Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán, khi có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, họ cũng nên tập trung vào những thông tin mà các ngân hàng thương mại đánh giá là quan trọng.

6.2. Lý thuyết tín hiệu (signaling theory)

Thông tin trên thị trường không hoàn hảo và bất cân xứng chính là điều kiện ra đời của Lý thuyết tín hiệu vào đầu năm 1973 do Spence khởi xướng. Lý thuyết này đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động và lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị. Theo lý thuyết này, hai bên sẽ tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau, trong đó phía cung cấp thông tin được lựa chọn nguồn thông tin để truyền thông, và cách thức chuyển tải thông tin còn phía nhận thông tin phải tìm cách để tiếp cận và nắm vững thông tin. Đối với lĩnh vực kế toán, các thông tin không hoàn hảo và mất cân xứng chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong khi những người sản xuất thông tin – là các kế toán viên trong doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được những nguồn thông tin nội bộ rõ

ràng, chính xác và nhanh chóng đồng thời hiểu hơn ai hết về chất lượng của những thông tin này thì các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và đánh giá chất lượng các nguồn thông tin đó.

Từ nội dung cơ bản của Lý thuyết tín hiệu được trình bày trên đây, áp dụng vào bối cảnh của luận án, có thể thấy rằng các doanh nghiệp niêm yết cần tuân thủ quy định pháp lý về công bố các thông tin kế toán, cũng như các quy định liên quan tới việc lập và trình bày các thông tin này một cách đầy đủ nhằm cung cấp thông tin kế toán (tức tín hiệu) trung thực và minh bạch cho thị trường để các đối tượng bên ngoài đánh giá đúng về tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp.

6.3. Lý thuyết các bên liên quan

Lý thuyết các bên liên quan của Freeman được đưa ra vào năm 1984. Theo lý thuyết này, ngoài mối quan hệ chủ đạo là nhà quản lý – chủ sở hữu (mối quan hệ có tác động trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp) thì doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến các mối quan hệ quan trọng với các bên liên quan khác như chủ nợ (ngân hàng, tổ chức tín dụng), hay cơ quan Nhà nước… Những bên liên quan này có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, các hoạt động của doanh nghiệp cần được định hướng dựa trên nhu cầu và lợi ích của các bên liên quan khác nhau.

Trong lĩnh vực kế toán, lý thuyết này được ứng dụng như là cơ sở cho việc công bố thông tin hữu ích đáp ứng yêu cầu của các đối tượng sử dụng khác nhau trong nền kinh tế cho các loại hình doanh nghiệp nói chung, và doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Đối với nội dung của luận án, lý thuyết các bên liên quan là nền tảng cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ban hành các quy định pháp lý liên quan đến việc quy định các thông tin kế toán công bố, cũng như các biện pháp xử lý vi phạm. Những quy định pháp lý này cần đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, giữa doanh nghiệp công bố thông tin và người sử dụng thông tin cũng như giữa các đối tượng sử dụng thông tin với nhau, trong đó có ngân hàng thương mại - đối tượng sử dụng thông tin trong nghiên cứu của luận án.

6.4. Lý thuyết chi phí sở hữu.

Lý thuyết chi phí sở hữu được coi là một trong những hạn chế quan trọng nhất trong công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết. Những bất lợi trong cạnh tranh sẽ ảnh hưởng đến quyết định cung cấp các thông tin riêng tư. Nếu công bố thông tin ở một mức độ chi tiết hơn có thể sẽ gây các bất lợi và làm tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của công ty trên thị trường (Singhvi và Desai, 1971; Giner, 1995).

Một phần của tài liệu Tài liệu Hoàn thiện thông tin kế toán công bố của các doanh nghiệp niêm yết (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)