8. Kết cấu của luận án
3.1. Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021-2030
GIAI ĐOẠN 2021 -2030
Sau hơn 30 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội, trong đó có thị trường tài chính. Thị trường tài chính Việt Nam đến nay đã cơ bản được hình thành với đầy đủ các cấu phần và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn vốn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2020, Thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển vượt bậc về cả chất và lượng, bảo đảm tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng, phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường tài chính Việt Nam hiện tại bị đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế. Do vậy, phát triển thị trường tài chính giai đoạn 2021-2030 cần chú trọng hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách và thực hiện các giải pháp để thị trường này phát triển toàn diện theo hướng lành mạnh, hiện đại, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ (các ngân hàng thương mại) và thị trường chứng khoán (Thăng Vũ Như, 2021)
a. Định hướng phát triển về tín dụng các ngân hàng thương mại tại Việt Nam
Theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 08 năm 2018, về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng thương mại và hoạt động các tổ chức tín dụng - là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn
định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững, và phải được bảo đảm bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Một số mục tiêu về tín dụng trong hệ thống ngân hàng thương mại được nêu ra trong Quyết định của thủ tướng chính phủ đó là:
- Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Do đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực vốn của các ngân hàng thương mại trong nước, để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn của các thực thể trong nền kinh tế, bên cạnh đó là tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài;
- Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn:
- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động mua bán nợ, thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ để tăng cường khả năng xử lý nợ xấu; đồng thời, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 3%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu toàn diện các định chế tài chính nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng của các định chế tài chính nhà nước nhằm đảm bảo các tổ chức này hoạt động đúng mục tiêu và hạn chế rủi ro trong thời gian tới.
b. Định hướng phát triển thị trường chứng khoán
Với mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững với cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu mức vốn hóa thị trường/GDP đạt 120% vào năm 2025, Trái phiếu/GDP đạt 55% vào năm 2025 theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2025, nâng hạng thị trường Việt Nam trở thành thị trường mới nổi.
Tăng cường cơ sở nhà đầu tư với mục tiêu tăng số lượng nhà đầu tư và phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp để phát triển ổn định, bền vững thị trường, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ và nhà đầu tư nước ngoài. Phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức làm nền tảng cho sức cầu của thị trường, coi đây là khâu trọng yếu trong chiến lược phát triển thị trường vốn tới năm 2030; hình thành hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ phòng hộ, tín thác.
Với những mục tiêu, định hướng như vậy, minh bạch thông tin luôn là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng của thị trường tài chính. Ngay cả ở các quốc gia phát triển thì các cơ quan lập pháp vẫn luôn cố gắng để tăng mức độ minh bạch nhằm bảo vệ nhà đầu tư và các chủ nợ thông qua việc đưa ra các văn bản pháp lý để điều chỉnh vấn đề này. Tại Việt Nam, minh bạch thông tin cũng được coi là yếu tố cốt lõi thể hiện qua việc Bộ Tài chính từng nhấn mạnh, một trong các nhiệm vụ của ngành chứng khoán là “tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư, nghiên cứu các
biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro”. Để đạt được những yêu cầu trên, Thủ tướng chính phủ đã đưa ra một số yêu cầu
- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích.
- Thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ lợi nhuận trên quy mô vốn.
- Bổ sung điều kiện về quy mô vốn, số lượng cổ đông, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông nhỏ trong công ty đại chúng.
- Tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với Hội kiểm toán viên hành nghề trong đào tạo, đánh giá chất lượng báo cáo tài chính, việc giám sát và xử lý vi phạm đối với công ty kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề.
- Xây dựng, triển khai Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn thực hiện công bố báo cáo tài chính theo chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS);
- Tăng cường đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, chương trình đánh giá xếp loại quản trị công ty hàng năm cho các công ty niêm yết; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các Sở giao dịch Chứng khoán trong giám sát việc thực hiện các quy định về công bố thông tin và quản trị công ty;
- Khuyến khích các tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín tham gia thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, tiến tới quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết trái phiếu phải được định mức tín nhiệm.