8. Kết cấu của luận án
2.4.1. Những kết quả đạt được
Doanh nghiệp niêm yết là những doanh nghiệp có lợi ích công chúng, tình hình hoạt động, tình hình tài chính của loại hình doanh nghiệp này ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích của những nhà đầu từ trên thị trường chứng khoán, và với cả những ngân hàng thương mại – một trong những chủ nợ lớn nhất của bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào. Điều đó lí giải vì sao, trong các bước thẩm định tín dụng của các ngân hàng thương mại, việc yêu cầu cung cấp các thông tin kế toán liên quan tới doanh nghiệp là một trong những hồ sơ bắt buộc phải có.
Minh bạch và công khai thông tin là một trong những nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của thị trường tài chính. Tại Việt Nam, kể từ khi thị trường chứng khoán bắt đầu được hoạt động, UBCKNN và các cơ quan có liên quan luôn đã rất quan tâm đến việc hình thành khung pháp lý điều chỉnh hoạt động công bố thông tin và đảm báo chất lượng thông tin công bố trên thị trường chứng khoán trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm của thế giới và vận dụng một cách có chọn lọc vào điều kiện, hoàn cảnh và những đặc thù của Việt Nam. Đến nay, theo chúng tôi, Việt Nam đã hình thành các quy định tương đối đầy đủ, đáp ứng cơ bản các yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các quy định này còn giúp hình thành tư duy mới trong các doanh nghiệp niêm yết về trách nhiệm của mình với xã hội, và giúp doanh nghiệp niêm yết hiểu được ích lợi của việc công bố thông tin một cách công khai, minh bạch đến chính doanh nghiệp của mình trong việc tiếp cận các nguồn vốn trên thị trường chứng khoán cũng như các nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại.
2.4.1.1. Các quy định pháp lý về thông tin kế toán công bố của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.
Luật chứng khoán số 70 năm 2006 đã đặt một nền móng quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường, đảm bảo lợi ích của những đối tượng có liên
quan. Sau đó, Nhà nước đã liên tục cụ thể hóa các quy định về công bố thông tin và các thông tin công bố bằng những văn bản luật nhứ Thông tư số 38/2007/TT-BTC, Thông tư số 09/2020/TT-BTC, Luật chứng khoán sửa đổi 62/2010, Thông tư số 52/2012/TT-BTC, Thông tư 155/2015/TT-BTC và mới nhất hiện nay Luật chứng khoán 52/2019/QH14 và Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Nhiều quy định hiện hành được đánh giá cao
Luật chứng khoán năm 2019 đã dàng riêng một đoạn để nói về “nguyên tắc công bố thông tin” thể hiện những nguyên tắc cơ bản mà các chủ thể cần tuân thủ để đảm bảo các thông tin công bố được công bằng, công khai và minh bạch. Ngoài ra thông tư 155/2015/TT-BTC và mới đây nhất là Thông tư số 96/202/TT-BTC đã có những quy định rõ hơn về các thông tin mà doanh nghiệp niêm yết cần công bố. Luật quy định cụ thể nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ, bất thường của các doanh nghiệp niêm yết. Việc quy định chi tiết tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp vận dụng vào thực tế và cũng như tạo sự minh bạch, rõ ràng trong hoạt động quản lý nhà nước. Các quy định vẫn đảm bảo linh hoạt, chỉ quy định những thông tin phải công bố cơ bản, còn lại giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung các thông tin mà doanh nghiệp niêm yết phải trình bày, đảm bảo đáp ứng yêu cầu minh bạch của thị trường. Sau hơn 25 năm đổi mới và cải cách lĩnh vực kế toán, đặc biệt sau hơn 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực kế toán đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả, minh bạch hóa nền kinh tế. Theo đó, vai trò và năng lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán từng bước được nâng cao. Bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về kế toán được củng cố, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện chức năng quản lý giám sát hoạt động kế toán trong bối cảnh công nghệ số đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kế toán. Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về kế toán cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, không chỉ có kiến thức sâu về chuyên môn, mà còn có kiến thức về công nghệ thông tin. Công tác quản lý, giám sát hoạt
động kế toán tiếp tục được đẩy mạnh; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán được thực hiện với các giải pháp phù hợp, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Việt Nam đã tạo lập một hệ thống kế toán tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước, tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thông tin cho việc huy động, hỗ trợ, quản lý và điều hành các nguồn lực tài chính và các hoạt động kinh tế - tài chính của Chính phủ, địa phương và từng doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị kế toán. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi trong kinh doanh và đầu tư, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, giúp công tác kế toán được thực hiện dễ dàng, minh bạch như: Luật Kế toán, Nghị định hướng dẫn Luật Kế toán; Các thông tư hướng dẫn chế độ kế toán chung đối với doanh nghiệp (Thông tư số 200 và Thông tư số 202/2014/TT-BTC và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán)
2.4.1.2. Vận dụng quy định pháp lý về thông tin kế toán công bố của các doanh nghiệp niêm yết
Do các quy định ngày càng cao của chế độ chính sách kế toán, nên đội ngũ kế toán tại các doanh nghiệp niêm yết luôn được đào tạo, cập nhật và có trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, đảm bảo giảm thiểu các sai sót không đáng có hay các lỗi không tuân thủ các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành.
Ngoài ra, các thông tin kế toán công bố của doanh nghiệp có liên quan đến báo cáo tài chính đều đã có ý kiến của các đơn vị kiểm toán độc lập được UBCKNN chấp thuận. Việc này nâng cao mức độ tin cậy của các thông tín kế toán công bố của doanh nghiệp, tăng tính hữu ích của các thông tin khi các ngân hàng thương mại sử dụng để phân tích tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với những quy định ngày càng hoàn chỉnh, những xử lý nghiêm minh liên quan tới các vi phạm về công bố thông tin, thì có thể thấy trách nhiệm của các doanh nghiệp niêm yết khi công bố các thông tin ngày càng được nâng cao. Vietstock và Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE) thực hiện hàng năm khảo sát số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX về việc đạt chuẩn công
bố thông tin, có thể nhận thấy rằng số lượng các doanh nghiệp niêm yết đảm bảo tuân thủ ngày càng tăng, và trong khảo sát vào năm 2020, có trên 45% các doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn theo các quy định pháp lý.