Vấn đề chăm sóc người cao tuổi và chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Các nghiên cứu này tuy có những điểm nhấn khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ như cầu chăm sóc, cách thức hỗ trợ và chăm sóc cùng với những khuyến nghị về mặt chính sách như phân tích trong quá trình tổng thuật ở trên. Những nghiên cứu trên là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị để luận án tiếp thu. Các nghiên cứu trên đã giúp cho tác giả luận án có được cái nhìn đa chiều từ nhiều cách tiếp cận khác nhau về chính sách đối với người cao tuổi. Mặt khác, các nghiên cứu đó còn giúp cho tác giả luận án làm rõ cơ sở lý thuyết về nhu cầu của người cao tuổi, góp phần hình thành khung lý thuyết của luận án.
Tuy có ý nghĩa, giúp luận án kế thừa nhiều điểm có giá trị nhưng những nghiên cứu trên vẫn có hạn chế và những khoảng trống cần được tiếp tục nghiên cứu như sau:
Thứ nhất, những nghiên cứu về người cao tuổi và chính sách đối với người cao tuổi
tuy hết sức đa dạng vào phong phú nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào đề cập đến những vấn đề về lý thuyết chính sách đối với người cao tuổi nói chung. Phần lớn các nghiên cứu trình bày ở trên chỉ tập trong vào khía cạnh chăm sóc người cao tuổi mà chưa làm rõ những vấn đề liên quan đến lý thuyết người cao tuổi như: khái niệm chính sách đối với người cao tuổi, các yếu tố cấu thành của chính sách đối với người cao tuổi, các yếu tố ảnh hướng đến chính sách đối với người cao tuổi và quy trình chính sách đối với người cao tuổi bao gồm ba giai đoạn: giai đoạn hình thành, thực hiện và đánh giá chính sách đối với người cao tuổi.
Thứ hai, tuy các nghiên cứu về chính sách đối với người cao tuổi hết sức phong phú
nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào mô tả được lịch sử hình thành và phát triển chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam từ trước đến nay(nhất là từ sau năm 1945). Việc phân tích này giúp nhìn nhận sự phát triển của chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam, từ đó thấy được sự phát triển về tư tưởng và khoa học chính sách ở Việt Nam trong lĩnh vực người cao tuổi.
Thứ ba, vẫn chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu về nội dung khái quát của chính
sách đối với người cao tuổi. Những vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu như mục tiêu của chính sách đối với người cao tuổi là gì và những nội dung chủ yếu của chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là gì. Đây là những nội dung quan trọng mà tác giả luận án sẽ bổ sung vào khoảng trống trong các công trình nghiên cứu hiện nay.
Thứ tư, một khoảng trống rất lớn khác mà các nghiên cứu được tổng quan chưa đề
cập tới là thực trạng chính sách đối với người cao tuổi hiện nay ở Việt Nam. Đây cũng là khoảng trống quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu. Theo đó tác giả luận án tiếp tục đánh giá thực trạng của chính sách đối với người cao tuổi dựa trên khung lý thuyết đã được xây dựng ở chương 2, với ba khía cạnh quan trọng là chính sách trợ cấp xã hội, chính sách chăm sóc sức khỏe, chính sách chăm lo đời sống trong mối tương quan với mức độ được thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu của các chính sách này theo quan điểm của người cao tuổi. Đồng thời tác giả còn đánh giá mức độ hoàn thiện của chính sách.
Nói cách khác, chính sách đối với người cao tuổi tuy nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu, nhưng vẫn có nhiều vấn đề chưa được khái thác hiệu quả; đòi hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện hơn.
Kết luận chương 1
Chương này đã điểm lại công trình nghiên cứu được công bố của các tác giả đi trước, kể cả ở trong nước lẫn nước ngoài đối với chính sách chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam trên các phương diện như nội dung, cách tiếp cận và phương pháp, từ đó rút ra một số tồn tại, vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho luận án.
Về mặt nội dung, chương 1 đã tóm lược một cách ngắn gọn thành tựu của các tác giả đi trước ở các khía cạnh quan trọng nhất của vấn đề nghiên cứu. Đó là các phương diện biểu hiện những nội dung cốt lõi nhất của chăm sóc người cao tuổi qua tiếp cận ở góc độ sinh lí, tâm lý và nhân cách; mức độ an toàn về tài chính và khả năng tự chủ về thu nhập, khả năng hòa nhập vào hoạt động xã hội; chất lượng sống, nhu cầu được an toàn và chăm sóc,… Việc điểm luận đã cho thấy, mặc dù các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu vào nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này, song cho đến nay các khía cạnh đó vẫn chưa được xâu chuỗi lại với nhau quanh mặt tâm điểm để phản ánh trọn vẹn chính sách đối với người cao tuổi ở giác độ chăm sóc đối tượng này.
Về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, việc điểm luận đã chỉ ra từ trước đến nay trong nghiên cứu về chủ đề này được các nhà nghiên cứu đi trước đã sử dụng nhiều cách tiếp cận, phương pháp khác nhau, có thành tựu đáng kể. Chẳng hạn, các tác giả như Agich, Tadd và Bayer, Bế Quỳnh Nga, Đàm Viết Cường tiếp cận vấn đề này ở góc độ tâm sinh lí; Paul và Sheila, Lê Văn Khảm, Hoàng Mộc Lan tiếp cận đề tài ở giác độ phúc lợi chính sách, Nguyễn Phương Lan tiếp cận vấn đề chăm sóc người cao tuổi nhìn từ văn hóa,….
Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI