2.1.1. Khái niệm người cao tuổi
Không giống với những khái niệm khác trong khoa học xã hội vốn có rất nhiều góc độ tiếp cận và bàn cãi, khái niệm người cao tuổi thường được các nhà khoa học hiểu rất thống nhất, và chỉ dựa vào một tiêu chí quan trọng để khoanh vùng nội hàm của nó, đó là tiêu chí tuổi thọ.
Theo định nghĩa mới của Tổ chức Y tế thế giới, người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên. Khái niệm này sử dụng tiêu chí mức tuổi để được xếp vào nhóm người cao tuổi. Nó phù hợp với những đất nước phát triển có điều kiện kinh tế, xã hội, và phúc lợi phát triển, tuổi thọ trung bình cao. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với những đất nước đang phát triển với nhiều hạn chế về chăm sóc sức khỏe, chất lượng sống, mức sống và tuổi thọ trung bình của dân số còn thấp.
Trong nghiên cứu của mình, tuy không trực tiếp đề cập đến khái niệm người cao tuổi, nhưng Zhuquing (2012) thông qua việc lựa chọn đối tượng tham gia khảo sát đã mặc định rằng người cao tuổi là những người có độ tuổi từ 60 trở lên.
Tác giả Tadd và Bayer (2006) cũng cho rằng người cao tuổi là những người có độ tuổi từ 60 trở lên.
Người cao tuổi theo quy định của Pháp lệnh người cao tuổi là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng từ 60 tuổi trở lên. Luật người cao tuổi ban hành năm 2009 cũng đưa ra quan niệm tương tự.
Ngoại trừ quan niệm của WHO, ba khái niệm còn lại đều thống nhất xác định giới hạn độ tuổi là từ 60 tuổi trở lên để tách bạch đối tượng người cao tuổi ra khỏi các nhóm dân số khác. Trong luận án này, xét trong bối cảnh của một đất nước đang phát triển như Việt Nam, mặc dù tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 năm nhưng chỉ có 64 năm sống khỏe như nghiên cứu của Đình Nam (2017) và với mục đích là dễ nhận diện và khoanh vùng, tác giả chọn khái niệm người cao tuổi là nhóm dân số
có độ tuổi từ 60 trở lên đang có sự thay đổi về ngoại hình, sức khỏe, tâm lý và tinh thần.
2.1.2. Đặc điểm người cao tuổi
Không giống với khái niệm người cao tuổi vốn đơn giản về cách tiếp cận, đặc điểm của người cao tuổi lại là phạm trù nhận được nhiều bàn luận trái chiều. Một số nghiên cứu tiếp cận đặc điểm người cao tuổi trên hai khía cạnh: sinh học và tâm lý. Về khía cạnh sinh học, người cao tuổi có những đặc điểm như tuổi cao, sức khỏe yếu, mất sức lao động (Bế Quỳnh Nga, 2005). Những đặc điểm này tuy phản ánh được một số khía cạnh quan trọng về mặt sinh học của người cao tuổi, nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa giúp phân định được với những nhóm mất sức lao động và sức khỏe yếu khác trong xã hội.
Nhằm khắc phục hạn chế trên, Cục bảo trợ xã hội (2012) đưa ra các đặc điểm sinh học một cách chi tiết hơn. Trước hết, người cao tuổi phải gắn với quá trình lão hoá dẫn đến thay đổi về diện mạo và khả năng vận hành của các cơ quan trong cơ thể [22, tr. 8-9]. Về tình trạng sức khỏe, người cao tuổi thường có những căn bệnh đặc thù của tuổi cao tuổi như tim mạch, huyết áp, xương khớp, hô hấp, răng miệng và tiêu hoá [22,tr. 9-10]. Đặc điểm sinh học do Cục bảo trợ xã hội đưa ra đảm bảo mức độ chi tiết, rất hữu ích trong việc phân biệt đối tượng người cao tuổi với các đối tượng thuộc các nhóm tuổi khác trong xã hội về mặt sinh học.
Về đặc điểm tâm lý, Cục bảo trợ xã hội [22, tr.9 - 10] cũng trình bày một cách vừa khái quát, vừa chi tiết như hướng về quá khứ, dễ chuyển từ trạng thái tích cực sang trạng thái tiêu cực, dễ rơi vào cảm giác cô đơn và cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn, dễ cảm thấy bất lực và tủi thân, nói nhiều hoặc trầm cảm, và sợ phải đối mặt với cái chết. Do những thay đổi về tâm lý mà người cao tuổi thường dễ thay đổi tính nết. Sự thay đổi về tâm lý này khác nhau ở những giai đoạn tuổi tác khác nhau. Cục Bảo trợ xã hội [22, tr. 12-14] cho rằng người cao tuổi trải qua bốn giai đoạn như sau: Giai đoạn đầu bắt đầu từ năm 60 tuổi đến 69 tuổi. Giai đoạn giữa từ 70 đến 79 tuổi. Giai đoạn gần cuối từ 80 đến 90 tuổi. Giai đoạn cuối của người cao tuổi trên 90 tuổi. Ở mỗi giai đoạn, người cao tuổi có những hạn chế về mặt sức khỏe và thay đổi về mặt tâm lý.
2.1.3. Vai trò của người cao tuổi
2.1.3.1. Vai trò của người cao tuổi đối với gia đình
Người cao tuổi giữ vai trò quan trọng trong gia đình. Trước hết họ là chủ thể cốt lỗi gần như không thể thiếu để kết nối những giá trị truyền thống của gia đình thuộc thế hệ trước tới những thế hệ sau. Vai trò này của người cao tuổi càng được nhấn mạnh hơn khi gia đình được xem là tế bào của xã hội,
là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…” như đã được xác định trong Chiến lược xây dựng
gia đình Việt Nam đến năm 2020. Với xuất phát điểm quan trọng của gia đình như vậy, những câu chuyện mà người cao tuổi nghe được, những trải nghiệm của thời cuộc mà họ đã trải qua hết sức sinh động, thú vị và có giá trị giáo dục cao cho thế hệ con cháu sau này, nhờ đó mà thế hệ sau này có được những
cảm nghiệm của thời quá khứ, để dòng chảy và sự chuyển tiếp của các giá trị trong gia đình được liên tục và xuyên suốt.
Thứ hai, người cao tuổi trong bối cảnh của Việt Nam còn là người lao động trong gia
đình, góp phần tạo thu nhập hoặc tiết kiệm chi tiêu cho gia đình. Họ trực tiếp tham gia các hoạt động lao động trong thị trường lao động để mang lại thu nhập trực tiếp cho gia đình. Nhiều người trong số họ tham gia tự sản xuất ngay trong khu vườn của mình để tăng thu nhập. Nhiều người cao tuổi giúp trông cháu, nuôi và chăm cháu nhằm tạo sự yên tâm cho con đi làm và tiết kiệm chi tiêu của gia đình. Dù ở hình thức nào đi nữa, người cao tuổi nếu họ còn sức khỏe thì họ vẫn là một nhân tố tích cực và năng động trong cải thiện thu nhập trong gia đình chứ hoàn toàn không phải là gánh nặng như nhiều người từng và đang nghĩ.
2.1.3.2. Vai trò kinh tế của người cao tuổi
Người cao tuổi đóng góp vào nền kinh tế bằng cách tham gia vào thị trường lao động để tạo ra của cải trong xã hội. Về vấn đề này, Trí Ánh (2017) nhận định: khoảng gần chục triệu người cao tuổi ở nước ta hiện nay có hàng triệu người cao tuổi có trình độ đại học, cao đẳng, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các cấp vẫn lao động miệt mài không ngừng nghỉ, vẫn ngày đêm say sưa nghiên cứu khoa học, sáng tạo,… tích cực tham gia vào các hoạt động công tác xã hội, truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm về khoa học - công nghệ, ngành nghề truyền thống cho thế hệ trẻ . Điển hình như cố Giáo sư Trần Văn Khê ở tuổi 90 vẫn ngày đêm truyền thụ bản sắc văn hóa dân tộc, nhạc cụ dân tộc đến 50 nước trên thế giới, hướng dẫn nghiên cứu tinh hoa văn hóa dân tộc cho cán bộ trẻ, cho học sinh, sinh viên; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu ở tuổi 103 vẫn lao động không ngừng nghỉ, vẫn thông thái và đang chạy đua với thời gian để truyền thụ những kiến thức, kinh
nghiệm quý giá cho cán bộ trẻ, sinh viên… Không ít cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố,… về hưu làm Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh, thành phố, thậm chí là chỉ làm Chủ tịch Hội người cao tuổi ở một phường, một cụm dân cư vẫn rất nhiệt huyết, nhiệt tình giúp phong trào của Hội phát triển sôi động, mang lại nhiều lợi ích cho người cao tuổi nơi mình cư trú. Trên đất nước ta có không ít người cao tuổi ở tuổi 70, 80 vẫn đang làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại,… điều hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ của mình không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho con, cháu trong gia đình, trong họ tộc mình mà còn cho hàng nghìn lao động xã hội. Nhiều người cao tuổi ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam ở tuổi 80 vẫn không ngừng sáng tạo ra những chiếc đèn lồng tinh xảo, có giá trị kinh tế cao. Hay như người cao tuổi Khiêu Khiêm người dân tộc Khơ-me ở Kiên Giang với 95 tuổi có hơn 60 năm bảo vệ, giữ gìn cột mốc biên giới quốc gia, dày công tuyên truyền vận động, gây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các dân tộc ở vùng biên giới. Người cao tuổi Nguyễn Đức Thìn, Anh hùng lao động, nhà giáo Nhân dân - người khởi xướng phong trào thi đua
nghìn việc tốt ở Liên đội Thiếu niên Tiền phong Trường Trung học cơ sở Tam Sơn, tỉnh Bắc Ninh (năm 1963) năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng hằng ngày vẫn miệt mài, say sưa có mặt ở khu Di tích lịch sử Đền Đô để hướng dẫn cho khách đến thăm quan, nghiên cứu lịch sử triều đại Vua nhà Lý… Hiện nay, nước ta có hơn 1.240.000 người cao tuổi đang tham gia các hoạt động công tác xã hội ở cơ sở, như làm bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản, tổ dân phố, tổ hòa giải, tổ khuyến học, an ninh, tự quản,… có nhiều đóng góp quan trọng bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở .
Ngoài ra, trong cuộc vận động thực hiện Chương trình khởi nghiệp quốc gia của Chính phủ, đã xuất hiện nhiều người cao tuổi, nhóm người cao tuổi
phối hợp khởi nghiệp với mục đích khôi phục ngành nghề, sản phẩm truyền thống của cha ông.
2.1.3.3. Vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp cách mạng
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người cao tuổi luôn đồng hành và thể hiện vai trò không thể thiếu đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bác Hồ từng phát biểu về vai trò này của người cao tuổi: Đối với người cao
tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao .
Tháng 6/1941 trong Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão , Bác Hồ đã chỉ rõ: Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi,
nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão .
Trong kháng chiến, họ chính là những chiến sỹ du kích già với tay
chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước luôn đi đầu và sẵn sàng hy sinh
vì độc lập tự do, xứng đáng với danh hiệu: Tuổi cao chí khí càng cao; Múa
gươm giết giặc ào ào gió thu; Sẵn sàng tiêu diệt quân thù; Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng .
Trong kiến quốc, người cao tuổi là những chiến sỹ trên mặt trận diệt giặc dốt, giặc đói , các cụ đã tham gia tích cực vào phong trào bình dân học vụ, động viên con cháu hăng say lao động sản xuất, thực hiện hũ gạo tiết
kiệm chống nạn đói, xây dựng đời sống mới, tích cực động viên con cháu lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc… Qua đó càng thể hiện vai trò to lớn không thể thiếu của mình trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc: Càng già, càng dẻo, lại càng dai; Tinh thần gương mẫu chẳng nhường
ai; Đôn đốc con em làm nhiệm vụ; Vuốt râu mừng xã hội tương lai”.
Tóm lại, về vai trò của người cao tuổi, nghiên cứu của Cục Bảo trợ [22, tr. 14-15] cho
thấy người cao tuổi có những vai trò cơ bản như tham gia hoạt động quản lý nhà nước ở cơ sở, tuyên truyền truyền thống tinh thần yêu nước đến các thế hệ sau; tham gia xây dựng bảo tồn văn hoá, các giá trị truyền thống ở địa phương; tham gia nghiên cứu phát triển giáo dục, khoa học công nghệ; và thậm chí là tham gia phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Theo cách tiếp cận này người cao tuổi có đóng góp trên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Trên thực tế người cao tuổi cũng là một nguồn lực của xã hội. Đây là cách tiếp cận phù hợp với khuynh hướng về người cao tuổi hiện nay.