• Biện pháp ngăn ngừa: Khi phát hiện khoản vay có dấu hiệu rủi ro,
ngân hàng cần:
- Quản lý giám sát khoản vay: ngân hàng phải thực hiện việc giám sát và thu thập các báo cái tài chính mới nhất của khách hàng. Khi phát hiện thấy xu thế bất lợi hơn của khách hàng, ngân hàng phải yêu cầu khách hàng cung cấp các báo cáo tài chính thường kỳ hơn.
- Rà soát và xem xét lại tài sản bảo đảm nợ vay của khách hàng: khi khoản vay bị đánh giá xuống hạng, ngân hàng phải rà soát và đánh giá lại ngay tài sản bảo đảm của khách hàng. Ngân hàng cần xem xét liệu tài sản bảo đảm này có bán được trong điều kiện kinh doanh bình thường không và như thế nào, bán trong điều kiện kinh doanh không bình thường thì như thế nào.
- Rà soát lại ngay hồ sơ pháp lý của khoản vay, và yêu cầu bổ sung khi cần thiết.
- Thực hiện việc liên kết đồng bộ với các tổ chức tín dụng khác, giữa ngân hàng với các tổ chức phi ngân hàng và các định chế tài chính khác. Làm được việc này sẽ giúp ngân hàng: có được các thông tin quý báu để nhìn nhận đánh giá khách hàng đúng đắn hơn, ngăn ngừa được sự ham muốn mưu lợi bất chính của khách hàng, nâng cao nghiệp vụ thông tin giữa các bộ phân chuyên môn của các tổ chức tín dụng với nhau, tăng năng lực cạnh tranh với các tổ
chức tài chính nước ngoài, thống nhất trong một số nghiệp vụ cho vay hay chính sách tín dụng hoặc chính sách lãi suất nhằm giảm bớt sự biến động không nên có trên thị trường tiền tệ.
• Biện pháp khắc phục: Khi khoản vay của khách hàng bị xuống hạng,
ngân hàng cần:
- Yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm nợ vay.
- Nếu thấy việc xuống hạng của khoản vay là do việc xác định kỳ hạn trả nợ hay thời hạn cho vay là chưa phù hợp với chu kỳ kinh doanh và thu nhập của khách hàng, ngân hàng có thể cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ khi xét thấy khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ trong tương lai.
• Biện pháp xử lý: đây là biện pháp cuối cùng nhằm hạn chế tối đa
những khoản thiệt hại đã xảy ra. Việc xử lý nợ quá hạn cần có biện pháp cụ thể như:
- Phân tích nguyên nhân nợ quá hạn của từng khách hàng, từ đó có biện pháp tháo gỡ. Đối với những khách hàng mà nợ quá hạn có tính chất tạm thời, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, ngân hàng xem xét khả năng trả nợ và phương án sản xuất kinh doanh trong thời gian tới để quyết định cho vay. Việc cho vay đảm bảo thu hồi vốn, giúp khách hàng vượt qua khó khăn và có biện pháp trả nợ có thể áp dụng biện pháp xác định phương án cơ cấu nợ. Căn cứ vào phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, khách hàng chứng minh được khả năng hoà trả khi đến hạn sau khi co cấu lại nợ thì ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ. Để thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng thì đòi hỏi ngân hàng phải giám sát chặt chẽ các khoản nợ và hoạt động của khách hàng.
- Đối với khách hàng gặp khó khăn tài chính, kinh doanh thua lỗ, khó khắc phục, nợ quá hạn chưa xác định được nguồn trả, ngân hàng cần quản lý chặt chẽ khoản vay và khách hàng như sau:
Tìm các khách hàng có khả năng về tài chính nhận nợ của khách hàng khó khăn để tiếp tục khai thác hiệu quả tài sản, đảm bảo khả năng trả nợ.
Ngân hàng rà soát tài sản bảo đảm, tình trạng của tài sản, hồ sơ pháp lý để có thể phát mại tài sản bảo đảm cho khoản nợ. Khi phát mại tài sản, ngân hàng nên thuyết phục khách hàng tự nguyện bán tài sản của mình. Nếu thấy khách hàng không có thiện chí, ngân hàng sẽ tiến hành bán tài sản cầm cố, thế chấp theo sự giám sát và phán quyết của cơ quan pháp luật.
Yêu cầu bên bảo lãnh trả nợ thay.
Khởi kiện: biện pháp này sẽ có tác dụng đối với các khách hàng không có thiện chí trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Thực hiện các biện pháp khuyến khích khách hàng trả nợ như: miễn giảm một phần lãi suất, tính lại lãi, không tính lãi phạt, … áp dụng đối với khách hàng có thiện chí trả nợ.
Sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu: các khoản nợ mà ngân hàng đã áp dụng hết các biện pháp khắc phục và xử lý nhưng vẫn không thu hồi được nợ, hoặc những khoản nợ đã phát mại hết tài sản nhưng vẫn còn chênh lệch âm (-) cả gốc và lãi; hoặc các khoản vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan mà không thể khắc phục được.