Theo Điều 71 Luật Hải quan thì trị giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được xác định theo quy định của pháp luật về thuế và các quy định khác của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể việc xác định trị giá tính thuếđối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu,
Giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu hiện hành áp dụng cùng lúc 2 phương pháp: xác định trị giá theo hợp đồng và phương pháp định giá quốc gia.
- Phương pháp xác định trị giá theo hợp đồng
+ Giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu là giá mua của khách hàng tại cửa khẩu nhập bao gồm chi phí vận tải (F) và phí bảo hiểm (I) theo hợp đồng bán hàng phù hợp với các chứng từ khác có liên quan đến việc bán hàng.
+ Giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu là giá bán cho khách hàng tại cửa khẩu xuất không bao gồm chi phí vận tải (F) và phí bảo hiểm (I) theo hợp đồng bán hàng phù hợp với các chứng từ khác có liên quan đến việc bán hàng.
Việc xác định điều kiện để áp dụng trị giá tính thuế theo hợp đồng thương mại lại được quy định tại Thông tư số 08/2002/TT-BTC 23/01/2002 hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế nhập khẩu theo hợp đồng mua bán ngoại thương. Theo Thông tư này, điều kiện xem xét một hợp đồng mua bán ngoại thương để làm căn cứ xác định trị giá tính thuế, trước hết phải có đầy đủ nội dung chủ yếu của Điều 50 Luật Thương mại ngày 10/05/1997. Còn đối với mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá, giá tính thuế là giá theo bảng giá của Bộ Tài chính phối hợp Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan ban hành.
- Xác định theo phương pháp định giá quốc gia Theo Thông tư 08/2002/TT-BTC quy định:
+ Đối với hàng hoá nhập khẩu không đủđiều kiện để áp dụng giá tính thuế nhập khẩu theo hợp đồng mua bán ngoại thương; hàng hoá nhập khẩu theo phương thức khác không thông qua hợp đồng (hàng nhập khẩu phi mậu dịch, hàng nhập khẩu của cư dân biên giới,...), không thanh toán qua Ngân hàng (hàng đổi hàng, hàng trả công,...) thì giá tính thuế được thực hiện theo bảng giá tính thuế của Bộ Tài chính quy định (đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá) hoặc của Tổng cục Hải quan quy định (đối với các mặt hàng Nhà nước không quản lý giá)
+ Đối với hàng hoá thuộc danh mục các mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế (trừ một số trường hợp ngoại lệ) có giá ghi trên hợp đồng thấp hơn giá ghi tại Bảng giá tối thiểu do Bộ Tài chính ban hành thì giá tính thuế
nhập khẩu là giá ghi tại Bảng giá tối thiểu. Đối với các hàng hoá khác (trừ một số trường hợp ngoại lệ), nếu giá ghi trên hợp đồng mua bán thấp hơn 80% mức giá kiểm tra của cơ quan hải quan thì thực hiện tính thuế nhập khẩu theo mức giá kiểm tra (giá kiểm tra là mức giá được xác định trên cơ sở giá nhập khẩu thực tế của hàng hoá do Tổng cục Hải quan quy định để làm căn cứ kiểm tra giá nhập khẩu, được sử dụng thống nhất tại các cửa khẩu).
4.2 Quyền kinh doanh xuất nhập khẩu
Theo quy định của WTO, các nước thành viên phải công khai tất cả các chính sách, chế độ kinh tế thương mại của mình, phải đảm bảo cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước mình được đối xử như các doanh nghiệp trong nước, được tự do kinh doanh trong khuân khổ luật pháp và quy chế hiện hành của mỗi nước. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh rõ ràng, tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Quyền kinh doanh xuất nhập khẩu còn phải đảm bảo giữa các doanh nghiệp trong nước. Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng trong điều chỉnh chính sách và các quy định về việc thành lập và hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhưng vẫn còn rất nhiều tồn tại trong lĩnh vực này đặc biệt là giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
4.3 Ban hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam
Ngày 24 tháng 5 năm 2002, Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội đã thông qua 02 pháp lệnh: “Pháp lệnh về Tự Vệ trong nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam” và “Pháp lệnh về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế”. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với các quy định của các tổ chức quốc tế, nhằm thể hiện sự tích cực chủ động tham gia vào nền kinh tế khu vực cũng
như trên thế giới của Việt Nam. Những quy phạm pháp luật được đề cập trong 2 pháp lệnh nói trên là những chế định phổ biến trong thương mại quốc tế nói riêng và Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) nhưng chúng còn khá mới mẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Có thể nói qua xem xét thực tiễn thương mại trên thế giới thì các biện pháp tự vệ là một trong những công cụ hiệu quả nhất để bảo hộ sản xuất trong nước. Các biện pháp tự vệ theo quy định của WTO được coi là một công cụ hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước khi có hiện tượng gia tăng nhập khẩu hàng hoá một cách bất thường hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên các nước không được phép áp dụng biện pháp này một cách tuỳ tiện mà phải theo đúng nguyên tắc trình tự và thủ tục mà quốc tế thừa nhận, đặc biệt phù hợp với các quy định của WTO.
Việt Nam chúng ta đang trong bối cảnh phải thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế trong đó có việc giảm thiểu việc quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp hành chính. Việc ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh việc áp dụng các biện pháp tự vệ là rất cần thiết để tránh tình trạng ỷ lại của một số doanh nghiệp đồng thời vấn đề này cũng khá mới mẻ khi tiếp cận các doanh nghiệp.