Nhóm nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu Mở rộng cho vay tiêu dùng của NHNo va PTNT Chi nhánh Bách Khoa (Trang 26 - 30)

Bên cạnh nhóm nhân tố chủ quan, hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại còn chịu ảnh hưởng của nhóm nhân tố khách quan. Đây là nhóm nhân tố xuất phát từ bên ngoài ngân hàng. Có thể có những nhân tố khách quan ảnh hưởng tới hoạt động cho vay tiêu dùng như: môi trường kinh tế, môi trường văn hoá xã hội, môi truờng pháp lý, chính sách kinh tế và định huớng phát triển của Nhà nước và những nhân tố khách quan từ phía khách hàng.

1.3.2.1. Môi trường văn hoá - xã hội

Môi trường văn hoá - xã hội bao gồm các nhân tố như trình độ dân trí, thói quen, phong cách tiêu dùng của người dân, nhu cầu của người dân…Các nhân tố này đều ảnh hưởng tới hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng. Nếu trong xã hội, thói quen chi tiêu của người dân chỉ ở mức độ là các mặt hàng thiết yếu thì ngân hàng không thể phát triển hình thức cho vay tiêu dùng được. Hay nếu trong xã hội mà người dân có thói quen tiết kiệm thể hiện ở tỷ lệ tiết kiệm trên tổng thu nhập cao thì ngân hàng cũng không có cơ hội mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng. Thêm vào đó, trình độ dân trí cao đem đến cơ hội cho các ngân hàng để mở rộng các dịch vụ ngân hàng trong đó có cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn như cho vay tiêu dùng thông qua thẻ tín dụng phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ dân trí của người dân.

1.3.2.2. Môi trường kinh tế

Sự phát triển cho vay tiêu dùng gắn bó chặt chẽ với sự biến động của môi trường kinh tế. Thật vậy, ở một nước có nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện và ổn định, nhu cầu tiêu dùng của họ chắc chắn sẽ tăng lên, khi đó, ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng. Còn ở một đất nước có nền kinh tế kém phát triển, suy thoái, không ổn định thì người dân sẽ chưa thể nghĩ đến việc đi vay tiền ngân hàng để thoả mãn những nhu cầu chi tiêu những hàng hóa có giá trị lớn, họ chỉ có thể duy trì cuộc sống ở những sản phẩm thiết yếu mà

thôi. Hơn nữa, nếu người dân ở đất nước đó có nhu cầu về vay tiêu dùng thì các ngân hàng có thể sẽ ngần ngại trong phát triển cho vay tiêu dùng vì đó là hoạt động hàm chứa rủi ro rất cao do thu nhập của người dân không ổn định, không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.

1.3.2.3. Môi trường pháp lý

Mọi hoạt động của ngân hàng nói chung hay hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng hiện nay đều phải tuân thủ những quy định pháp luật của Nhà nước. Môi trường pháp lý, bao gồm những văn bản pháp luật của Nhà nước, là một nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng. Một xã hội có môi trường pháp lý chặt chẽ, đồng bộ sẽ tạo cơ hội phát triển cho hoạt động cho vay tiêu dùng, nhưng nếu một xã hội tồn tại một hệ thống các văn bản pháp luật không rõ ràng và đầy đủ thì sẽ cản trở không những hoạt động cho vay tiêu dùng mà còn các hoạt động kinh tế, xã hội khác.

1.3.2.4. Định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước

Những định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước đều có ảnh hưởng tới hoạt động cho vay tiêu dùng. Nếu định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước kích thích sự phát triển kinh tế trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài sẽ làm cho nền kinh tế đất nước không ngừng tăng trưởng, thu nhập của người dân được cải thiện. Kết quả là nhu cầu của người dân về hàng tiêu dùng tăng lên, các ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, những chính sách của Nhà nước nhằm giúp đỡ những người thuộc diện chính sách, hộ nghèo như: xoá đói giảm nghèo …cũng gián tiếp ảnh hưởng đến mở rộng cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại…Thật vậy, những chính sách này góp phần vào việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội. Từ đó, số lượng khách hàng đến với hình thức cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại sẽ tăng lên đáng kể.

Trong hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại, các nhân tố xuất phát từ bản thân khách hàng của ngân hàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Như đã trình bày ở trên, cho vay tiêu dùng là hình thức cho vay hàm chứa rủi ro rất cao. Trong đó, phần lớn những rủi ro này xuất phát từ phía các khách hàng của ngân hàng. Nhóm nhân tố thuộc về bản thân khách hàng bao gồm: khả năng tài chính của khách hàng, đạo đức khách hàng, tài sản đảm bảo của khách hàng, những rủi ro về sức khỏe có thể xảy đến với khách hàng…

* Khả năng tài chính của khách hàng

Khả năng tài chính của khách hàng chính là nguồn trả nợ cho các khoản vay của ngân hàng. Trong đó, thu nhập là nguồn trả nợ chủ yếu cho các khoản vay tiêu dùng của khách hàng. Những khách hàng có thu nhập thường xuyên và ổn định sẽ luôn sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nói chung và dịch vụ cho vay tiêu dùng nói riêng. Trái lại, những khách hàng không có thu nhập ổn định và thường xuyên, không có sự bảo lãnh của người thứ ba sẽ không thể tiếp cận với nguồn vốn tài trợ từ ngân hàng. Như vậy, khả năng tài chính của khách hàng là một sự đảm bảo an toàn cho ngân hàng khi cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào có khả năng về tài chính cũng trả nợ cho ngân hàng một cách đầy đủ và đúng hạn. Như vậy, đạo đức khách hàng cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại.

* Đạo đức khách hàng

Đạo đức khách hàng bao gồm các nhân tố liên quan đến uy tín của khách hàng, năng lực pháp lý của khách hàng…Các nhân tố này có ý nghĩa to lớn khi ngân hàng xem xét các khoản vay nói chung và các khoản vay tiêu dùng nói riêng. Một khách hàng mặc dù có khả năng tài chính lớn, nguồn tài chính dùng trả nợ cho ngân hàng được đảm bảo, tuy nhên đạo đức của khách hàng này không được đảm bảo (chẳng hạn như đã từng mất khả năng thanh toán cho một vài khoản nợ với ngân hàng trước đó) thì vẫn bị coi là có khả năng trả nợ rất thấp. Ngân hàng sẽ không muốn cấp tín dụng cho những khách hàng như vậy.

Bên cạnh đó, đạo đức khách hàng còn thể hiện ở việc cung cấp cho ngân hàng những thông tin cá nhân đầy đủ, chính xác và thiện chí trả nợ cho ngân hàng. Như vậy, có thể nói đây là nhân tố mang tính chủ quan nhất trong nhóm các nhân tố chủ quan.

* Tài sản đảm bảo của khách hàng

Tài sản đảm bảo chính là nguồn trả nợ thứ hai sau nguồn trả nợ thứ nhất là thu nhập của người vay trong cho vay tiêu dùng. Do tài sản có sự đảm bảo của những cơ sở pháp lý nên nó tăng tính an toàn cho các khoản vay. Trong trường hợp có rủi ro xảy ra, tài sản đảm bảo chính là tấm đệm cho các ngân hàng. Ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro cho mình khi người vay không trả được nợ bằng cách phát mại tài sản đảm bảo của người vay. Tuy nhiên, khi ngân hàng tiến hành phát mại tài sản đảm bảo sẽ gặp một số vấn đề như: chi phí phát mại, thời gian phát mại…, những nhân tố đó làm giảm thu nhập của ngân hàng.

Trong cho vay tiêu dùng, nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao do người vay có thể gặp rất nhiều rủi ro như ốm đau, tai nạn, mất việc…Những rủi ro này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của khách hàng, nguồn trả nợ chính cho ngân hàng. Do vậy, trong cho vay tiêu dùng, tài sản đảm bảo được các ngân hàng coi là một trong những điều kiện để vay vốn. Những tài sản đảm bảo này thường chính là hàng hoá mà người tiêu dùng vay vốn ngân hàng để mua. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo không phải là yếu tố quyết định để ngân hàng quyết định cấp tín dụng cho người vay hay không. Nếu các khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ cùng với sự đảm bảo của người vay thì ngân hàng có thể không yêu cầu tài sản đảm bảo. Trong nhiều trường hợp, tài sản đảm bảo lại chính là cản trở đối với khách hàng khi tiếp cận với cho vay tiêu dùng.

Tóm lại, trong chương I, tôi đã nêu ra những lý luận chung nhất về hoạt động cho vay tiêu đùng của ngân hàng thương mại. Phần thứ nhất là tổng quan chung về ngân hàng thương mại thông qua khái niệm và các hoạt động cơ bản của ngân hàng thương mại. Tiếp đó, tôi đi vào hoạt động cho vay một cách cụ thể hơn thông qua định nghĩa chung nhất về cho vay và các hình thức cho vay của ngân hàng thương mại. Cuối cùng, phần chính của chương I tập trung vào nêu rõ được hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại thông qua định nghĩa về cho vay tiêu dùng, cơ sở, đặc

điểm của cho vay tiêu dùng, các hình thức cho vay tiêu dùng, tác động của cho vay tiêu dùng, các chỉ tiêu đánh giá mở rộng cho vay tiêu dùng và các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay tiêu dùng.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG MỞ RỘNG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NHNo CHI NHÁNH BÁCH KHOA

Một phần của tài liệu Mở rộng cho vay tiêu dùng của NHNo va PTNT Chi nhánh Bách Khoa (Trang 26 - 30)