3.3.1.1. Tăng cường nguồn vốn cho vay tín dụng.
Một trong những mặt khó khăn hiện nay của các ngân hàng là cung và cầu vốn vay không đáp ứng đủ cho nhau. Do đó đã dẫn đến tình trạng, vốn của ngân hàng không đủ đáp ứng cho nhu cầu vay vốn ngày một cao của khách hàng. Vì lẽ đó, biện pháp trước mắt không thể thiếu của Techcombank là tăng cường nguồn vốn cho vay tín dụng. Thông thường, ngân hàng sử dụng những nguồn huy động vốn từ chính trong dân cư, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng để cho vay tiêu dùng với những đối tượng khách hàng có nhu cầu.
- Tăng cường các nguồn vay trung và dài hạn. Đây là cách mở rộng quy mô các khoản vay cho ngân hàng, giúp ngân hàng không mất công sức để quản lý các khoản vay nhỏ lẻ với số lượng quá nhiều như hiện nay. Ngân hàng có thể tiến hành phát hành trái phiếu, các chứng chỉ tiền gửi để huy động tiền từ trong nền kinh tế nói chung và từ trong dân cư, các tổ chức, đơn vị nói riêng. Vốn của các quỹ bảo hiểm và hưu trí cũng có thể được ngân hàng tận dụng để phát triển.
- Tăng vốn tự có từ nhiều nguồn khác nhau. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng đảm bảo cho các khoản vay tiêu dùng lớn cho khách hàng, đồng thời cũng đảm bảo được nhu cầu ngày một tăng cao của thị trường.
Vậy, làm thế nào để ngân hàng có thêm nguồn vốn cho vay tín dụng? Điều này phụ thuộc vào chính sách và kế hoạch phát triển của Techcombank. Ngân hàng cần có một chính sách mềm dẻo phù hợp để thu hút người dân, các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng đến gửi tiền. Đó chính là lãi suất. Ngân hàng sử dụng mức lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng đến gửi tiền. Chính điều này sẽ giúp ngân hàng làm tăng cường nguồn vốn cho vay tín dụng của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ lấy lãi suất ra để thu hút khách hàng thì cũng chưa đủ mà ngân hàng phải tạo lập được
niềm tin nơi khách hàng về dịch vụ của mình, đưa ra những kế hoạch marketing, chính sách ưu đãi khuyến khích khách hàng gửi thêm tiền vào ngân hàng và đặc biệt là trung tâm chăm sóc khách hàng chu đáo, nhiệt tình.
3.3.1.2. Đa dạng hoá các sản phẩm cho vay tín dụng.
Thị trường sản phẩm là thị trường cạnh tranh công bằng nhất giữa các ngân hàng. Cạnh tranh bằng sản phẩm là hình thức thể hiện rõ nhất chiến lược kinh doanh của ngân hàng là mạnh hay yếu. Vì thế, Techcombank nên đưa ra những chiến lược mở rộng sản phẩm của mình, đưa ra những định hướng phát triển sản phẩm của mình thoả mãn những yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, các sản phẩm dịch vụ mới tung ra thị trường này phải tạo được sự khác biệt với những sản phẩm dịch vụ sẵn có của ngân hàng trên thị trường sản phẩm.
Một trong những đặc tính của cho vay tiêu dùng là đa dạng hoa về danh mục cho vay và phương thức thanh toán nên khi đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng, nghĩa là ngân hàng đã thành công bước đầu trong việc làm hài lòng khách hàng. Hiện nay, Techcombank tuy đã có một hệ thống sản phẩm dịch vụ khá đa dạng, nhưng ở mỗi loại hình sản phẩm ngân hàng cung cấp cho khách hàng vẫn còn tồn tại những điều kiện quá khắt khe mà khách hàng chưa đáp ứng được hay có những yêu cầu chưa thoả mãn được nhu cầu khách hàng đòi hỏi. Đa dạng hoá sản phẩm với chất lượng cao bằng những chiến lược kinh doanh cụ thể và quy mô lớn. Những sản phẩm này phải đáp ứng được tất cả các nhu cầu thiết yếu trên thị trường, thoả mãn nhu cầu khách hàng yêu cầu, mở rộng các nhóm khách hàng khác nhau trong nền kinh tế. Còn với những sản phẩm cho vay tiêu dùng sẵn có của ngân hàng thì phải được hoàn thiện hơn về đặc điểm để mang lại tính hợp lý cho mỗi gói sản phẩm. Từ đó, ngân hàng gia tăng được số lượng các khoản cho vay tiêu dùng và mở rộng thị phần của mình trong mảng cho vay tiêu dùng của xã hội. Ngoài ra, khi ngân hàng tạo được uy tín của mình với khách hàng, thoả mãn những yêu cầu khách hàng cần thiết thì sản phẩm của ngân hàng sẽ tạo được tiếng vang trên thị trường và chính những khách hàng này sẽ có xu hướng marketing cho sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.
Cụ thể hơn, mảng cho vay tín chấp mới gần đây được Techcombank đưa vào cung cấp cho khách hàng nên sẽ khó tránh khỏi những nhược điểm đối với từng loại hình khách hàng. Vậy khi tung ra thị trường sản phẩm cho vay tín chấp này, ngân hàng nên theo dõi phản ứng từ phía khách hàng để cải tiến sản phẩm cho phù hợp hay cho ra đời những sản phẩm mới phù hợp hơn.
3.3.1.3. Nâng cao trình độ của cán bộ nhân viên.
Khi khách hàng đến ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của họ, họ góp phần vào thành công của ngân hàng nên họ xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất, được tiếp đón chu đáo và cẩn thận. Điều này phụ thuộc vào trình độ của cán bộ nhân viên ngân hàng. Mặt khác, ở bất kì một ngân hàng nào để đưa ra những chiến lược, chính sách phát triển cho từng thời kì thành công sẽ phụ thuộc vào trình độ cán bộ nhân viên. Đội ngũ cán bộ nhân viên tốt, dày dặn kinh nghiệm, năng động và sáng tạo sẽ là nền tảng thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngân hàng. Ngân hàng sẽ không thể có được những sách lược đúng đắn nếu thiếu đi những cán bộ đầy tài năng, kiến thức vững vàng. Techcombank, hiện nay đang là ngân hàng đứng đầu trong việc trẻ hoá đội hình cán bộ của mình. Tiêu chí của ngân hàng luôn là trẻ hoá đội ngũ cán bộ và không ngừng đào tạo cán bộ của mình, cập nhật và tiếp thu những kiến thức mới phù hợp với xu thế phát triển của mình. Mặc dù vậy, công cuộc nâng cao trình độ cán bộ nhân viên là không bao giờ có giới hạn. Thông qua các khoá đào tạo, cán bộ tín dụng phải được trang bị thêm kiến thức pháp luật, nâng cao kiến thức chuyên môn. Ngân hàng có thể áp dụng những chính sách đãi ngộ người tài như tài trợ cho cán bộ nhân viên của mình theo học những khoá đào tạo ở nước ngoài. Đồng thời, ngân hàng tiến hành tăng cường công tác quản lý nợ: Những dấu hiệu bất thường và không hợp lý phải được phát hiện để xử lý kịp thời, trước khi cho vay phải xét duyệt đúng qui trình của ngân hàng và có tổ chức đánh giá phân loại nợ nhằm định lượng rủi ro trong suốt quá trình cho vay. Tất cả các món nợ quá hạn phải được giải quyết nhanh chóng và kịp thời.
Đặc biệt là với những cán bộ tín dụng – người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cần phải được đào tạo có bài bản và cẩn thận. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, những yếu tố cần thiết của một người cán bộ tín dụng là:
- Năng lực để giải quyết các vấn đề chuyên môn.
- Năng lực dự đoán sự biến động của nền kinh tế nói chung và sự phát triển của mảng tín dụng tiêu dùng nói riêng.
- Uy tín trong các mối quan hệ xã hội.
- Năng lực tự trau dồi bản thân, nâng cao kiến thức chuyên môn, hiểu biết xã hội.
- Tận tâm với công việc, nhiệt tình trong công cuộc xây dựng sự nghiệp của mình và của ngân hàng.
Không những ngân hàng nên tiến hành đào tạo để nâng cao trình độ kiến thức của mỗi người mà còn nâng cao phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ khách hàng của mỗi người. Bên cạnh đó, do ngành kinh doanh cho vay tiêu dùng phục vụ đối tượng là cá nhân và các hộ gia đình nên nó đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có kiến thức sâu rộng về các ngành nghề trong xã hội, về thị trường sản phẩm hàng hoá để từ đó tiến hành việc thẩm định tín dụng nhanh chóng và chính xác. Mỗi cán bộ nhân viên cần nhận thức rõ ý thức trách nhiệm này của mình và có tinh thần tự giác trau dồi kiến thức cho bản thân. Định kì, ngân hàng có thể tiến hành những cuộc thăm dò ý kiến của nhân viên về nguyện vọng công việc, mong muốn của họ hay những góp ý cho định hướng phát triển ngân hàng.
3.3.1.4. Hoàn thiện chính sách cho vay tín dụng.
Chính sách tín dụng của ngân hàng vạch ra cho các cán bộ tín dụng hướng đi và khung tham chiếu rõ ràng để dựa trên cơ sở đó mà cán bộ xem xét, thẩm định nhu cầu vay vốn của khách hàng. Đơn giản hoá chính sách cho vay tín dụng và đưa ra các chính sách mới của ngân hàng mềm dẻo và linh hoạt hơn là điều kiện cần trong hệ thống chính sách của ngân hàng. Ngân hàng chủ động lập dự phòng cho cho vay tiêu dùng để chuyên cho theo dõi cho vay tiêu dùng, linh hoạt tăng hạn mức vay với những đối tượng khách hàng uy tín, khách hàng có khả năng trả nợ tốt. Rào cản về thời gian cấp vốn, thủ tục cấp vốn, đối tượng cấp vốn hạn hẹp sẽ dẫn đến hậu quả hạn chế mở rộng quy mô cho vay đối với khách hàng, đặc biệt là với khách hàng cá nhân và các hộ gia đình. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là thủ tục hồ sơ cho khách hàng còn rườm rà, rắc rối. Điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh
tranh của các ngân hàng với các ngân hàng khác trong hệ thống. Hơn nữa, qui trình cho vay tiêu dùng cần được thiết kế lại cụ thể, chính xác, tinh giản và nhanh chóng. Đặc biệt, ở mỗi đối tượng cho vay có đặc thù riêng (thu nhập, nghề nghiệp, trình độ học vấn, độ tuổi) nên ngân hàng cần đổi mới đơn giản hơn qui trình, thủ tục hồ sơ, chính sách lãi suất, phí dịch vụ sao cho tiết kiệm thời gian, chi phí mà vẫn đảm bảo an toàn cho cả ngân hàng quản lý và khách hàng. Bên cạnh đó, tốc độ dịch vụ cũng là yếu tố mà khách hàng quan tâm đến để đảm bảo cho nhu cầu vay của mình được đáp ứng nhanh chóng. Ngân hàng có thể hoàn thiện chính sách tín dụng của mình hơn bằng cách tăng thời gian cho vay tiêu dùng. Thời hạn cho vay tiêu dùng được coi là hợp lý nếu đủ dài để khách hàng có thể tích luỹ thu nhập kịp trả nợ và không quá lâu đến mức gây tổn thất cho ngân hàng. Cách làm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng, giải quyết khúc mắc của khách hàng khi đứng trước vấn đề về thời hạn trả nợ.
Vì vậy, việc đơn giản hoá chính sách cho vay là biện pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ cũng phải được nâng cao hơn trước. Để có chất lượng dịch vụ tốt, ngân hàng cần đề ra chiến lược cụ thể, lâu dài và tổ chức, kết hợp các phòng ban, các bộ phận cùng thực hiện các kế hoạch đề ra.
3.3.1.5. Cạnh tranh bằng lãi suất.
Ngân hàng dùng lãi suất để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình so với các ngân hàng khác. Để tăng khả năng cạnh tranh, ngân hàng có thể tăng hay hạ lãi suất của mình để cạnh tranh đối với các ngân hàng khác. Ngân hàng dùng lãi suất cao, yêu cầu người vay phải mua bảo hiểm thất nghiệp, nhân thọ và bảo hiểm cho hàng hoá đã mua. Việc đưa ra một mức lãi suất mới (tăng hoặc giảm so với lãi suất cũ) khác với lãi suất của các ngân hàng khác sẽ ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng. Chính thế, ngân hàng nên sử dụng công cụ lãi suất linh hoạt và dựa trên lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước để tăng khả năng cạnh tranh cho chính mình.