Ở bất kì một giai đoạn phát triển nào, bên cạnh nguồn thông tin từ chính nội tại trong ngân hàng, ngân hàng cần phải sử dụng những thông tin từ bên ngoài như thông tin khách hàng, thông tin từ nền kinh tế xã hội trong việc cho vay tiêu dùng và thông tin về đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Do sự gia tăng và phát triển ngày một mạnh mẽ của lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng nên chất lượng của việc thu thập thông tin bên ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu thông tin thu thập được đầy đủ và đúng sẽ giúp cho ngân hàng cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và cũng như ngân hàng không gây tổn thất cho chính mình. Ngược lại, nguồn thông tin không chính xác sẽ gây tổn thất lớn cho ngân hàng và sản phẩm cho vay tiêu dùng ngân hàng cung cấp cho khách hàng cũng không phù hợp. Mặt khác, ngân hàng nào thu thập được thông tin đầy đủ chính xác thì ngân hàng ấy đã tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong hệ thống ngân hàng.
- Đối với nguồn thông tin từ thị trường: Thông tin thị trường chính là thông tin về các mặt hàng sản phẩm trong nền kinh tế, về giá cả và chất lượng. Nguồn thông tin này có thể được ngân hàng thu thập thông qua sách báo, mạng Internet, tivi, các chương trình đào tạo và cập nhật kiến thức cho cán bộ ngân hàng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng hay do chính công ty cung cấp sản phẩm cung cấp.
- Đối với nguồn thông tin khách hàng: Thông tin khách hàng là thông tin về chính bản thân người đi vay hay nhân thân của người đi vay, người bảo lãnh (nếu có). Các thông tin cần thu thập như tình hình tài chính, khả năng trả nợ, trình độ … Ngân hàng có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để thu thập thông tin và đồng thời kết hợp với công ty nơi khách hàng làm việc để hoàn thiện bộ hồ sơ khách hàng. Với những khách hàng có quan hệ lâu dài, có uy tín với ngân hàng, ngân hàng nên áp dụng những hình thức ưu đãi đặc biệt (ví dụ như: giảm lãi suất cho vay, tăng lãi suất tiền gửi và cung cấp một số dịch vụ tiện ích khác).
- Đối với nguồn thông tin về đối thủ cạnh tranh: Trong nền kinh tế - xã hội, ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các tổ chức, các đơn vị và cá nhân. Việc cạnh tranh là động lực thúc đẩy các tổ chức, đơn vị hay cá nhân phải tự mình đổi mới, phát triển sao cho phù hợp với xu thế của thời đại. Ở lĩnh vực ngân
hàng, các ngân hàng cũng không ngừng cạnh tranh nhau nên ngân hàng nào có chiến lược kinh doanh rõ ràng mới giành được thị phần. Nếu ngân hàng nắm được thông tin về đối thủ cạnh tranh thì ngân hàng mới thiết lập cho mình một kế hoạch phát triển hoàn chỉnh nhất. Nghiên cứu kĩ đối thủ cạnh tranh nhằm xây dựng chiến lược cạnh tranh phù hợp. Nhận thức được đối thủ cạnh tranh của mình là ai, nắm được những thế mạnh và điểm yếu gì sẽ giúp ngân hàng khắc phục được nhược điểm của mình và phát huy thế mạnh của mình. Cạnh tranh là sự đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ, chính vì thế, từ những nguồn thông tin về đối thủ cạnh tranh, ngân hàng sẽ thiết lập cho mình được chiến lược cụ thể, phù hợp với mình để hoạt động đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, ngân hàng nên tiến hành thu thập nhiều hơn thông tin về đối thủ cạnh tranh của mình (quy mô vốn, chiến lược hoạt động kinh doanh từng giai đoạn, thế mạnh và điểm yếu). Thông qua báo cáo thường niên, các bài báo và các phát ngôn từ chính đối thủ cạnh tranh, ngân hàng sẽ có được những thông tin cần thiết.
Việc nâng cao chất lượng thu thập thông tin bên ngoài có nghĩa là thông tin đến từ bên ngoài không những phải thường xuyên và đầy đủ mà các thông tin từ bên ngoài phải luôn chính xác, đáng tin cậy. Căn cứ trên việc thu thập thông tin, ngân hàng có thể đưa ra những chính sách phù hợp với quy mô của mình, kế hoạch của mình để đạt được những mục tiêu lâu dài cũng như trước mắt.
3.3.2.2. Hiện đại hoá công nghệ ngân hàng.
Trong thời đại hiện nay, vai trò của công nghệ ứng dụng trong hệ thống ngân hàng ngày càng được coi trọng. Hiện đại hoá công nghệ ngân hàng được hiểu là ứng dụng thương mại điện tử, phát hành thẻ tín dụng và thẻ thanh toán. Tuy Techcombank nổi tiếng với thế mạnh về công nghệ nhưng không có nghĩa là tại mọi thời điểm, thời kỳ công nghệ thông tin của ngân hàng cũng là phù hợp. Năm 2007, Techcombank nâng cấp hệ thống corebanking T24R06 và trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất được Financial Insights công nhận thành tựu về ứng dụng công nghệ đi đầu trong giải pháp phát triển thị trường vào tháng 3/2007. Chính vì công nghệ luôn đổi mới từng ngày nên Techcombank cần nắm bắt xu hướng phát
triển của công nghệ thông tin để liên tục đổi mới, nâng cao, hoàn thiện và chọn lọc cho mình một hệ thống công nghệ đồng nhất, phù hợp với mình.
Để hoạt động tiêu dùng có hiệu quả, nhiệm vụ của mỗi cán bộ tín dụng là phải thường xuyên theo dõi mục đích sử dụng tiền vay của khách hàng sau khi đã giải ngân. Thông qua hệ thống mạng máy tính, họ theo dõi việc trả lãi, gốc của mỗi khách hàng. Do đó, hệ thống máy tính phải đủ mạnh và hiện đại để có thể đáp ứng yêu cầu của cán bộ tín dụng, tránh trường hợp khách hàng đã trả lãi và gốc đúng hạn mà hệ thống máy tính chậm chạp trong việc nhập dữ liệu hay gặp sự cố trong việc cập nhật thông tin. Công nghệ hiện đại kết hợp với cán bộ tín dụng giỏi tạo ra dịch vụ tốt và an toàn cho khách hàng.
Việc này không những nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng mà còn có thể tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng khi giao dịch. Đứng trước sự lựa chọn giữa hai ngân hàng, ngân hàng nào có cơ sở vật chất hiện đại, kỹ thuật chuyên nghiệp thì ngân hàng đó sẽ là sự lựa chọn tốt hơn cho khách hàng. Vì thế, công nghệ hiện đại sẽ giúp nâng cao uy tín, hình ảnh của ngân hàng trong hệ thống ngân hàng.
3.3.2.3. Mở rộng hoạt động Marketing và mạng lưới hoạt động.
Việc xây dựng được thương hiệu, hình ảnh và tên tuổi của mình trong hệ thống ngân hàng là để tạo ra nét khác biệt với các ngân hàng khác. Ngân hàng tiến hành mở rộng hoạt động Marketing và mạng lưới của mình. Hoạt động Marketing luôn là hoạt động không thể thiếu trong hệ thống ngân hàng. Marketing giúp ngân hàng quảng bá hình ảnh của mình, quảng bá sản phẩm tiện ích của mình tới người tiêu dùng. Hiện nay, hoạt động marketing còn nhiều hạn chế, chủ yếu các ngân hàng mới chỉ chú trọng marketing bằng tờ rơi, băng rôn và khẩu hiệu. Ngân hàng có thể áp dụng nhiều hình thức marketing khác nhau cho thương hiệu của mình và cũng là để khai thác thị trường, thậm chí có thể kết hợp thêm quảng bá trên hệ thống tờ rơi, cẩm nang dịch vụ, các chương trình khuyến mại và trúng thưởng hay tài trợ cho các chương trình quy mô lớn (các giải bóng đá, quỹ khuyến học, quỹ từ thiện). Các hình thức khuyến mại khác nhau tại các thời điểm hợp lý sẽ hấp dẫn được khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, việc kết hợp với báo chí, đài truyền hình,
đài tiếng nói để gây được sự chú ý từ phía người dân cũng rất hữu ích. Hầu như trong mảng cho vay tiêu dùng chỉ khi khách hàng cảm thấy cần tiêu dùng, có nhu cầu thì mới tìm tới ngân hàng để sử dụng dịch vụ và sản phẩm của ngân hàng. Vì lẽ đó, ngân hàng nào biết tự mình tìm đến khách hàng, tự khơi gợi nhu cầu từ chính khách hàng sẽ mở rộng thị phần của mình lên gấp nhiều lần, sẽ khai thác được toàn diện nguồn nhu cầu trong dân chúng. Đấy chính là cách thức tạo lập mối quan hệ mật thiết giữa ngân hàng và khách hàng. Các hình thức khuyến mại khác nhau sẽ đem lại sự thu hút cho sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đối với khách hàng. Chiêu thức khuyến mại sẽ đánh vào tâm lí của khách hàng, nó tác dụng rất nhanh tới sự lựa chọn của khách hàng khi đứng giữa các ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh chiến lược xây dựng thương hiệu lâu dài, ngân hàng cũng cần hình thức xây dựng thương hiệu vào từng thời điểm cụ thể nhằm vào từng đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới hoạt động của mình trên khắp các tỉnh thành cũng góp phần giúp ngân hàng đem sản phẩm cho vay tiêu dùng của mình đến với các khách hàng ở mọi nơi. Mạng lưới hoạt động của ngân hàng mới chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn – nơi các ngân hàng đua chen nhau thành lập, trong khi ở các tỉnh thành phố nhỏ, vùng sâu vùng xa thì người dân hoàn toàn lạ lẫm với ngân hàng. Điều này đã tạo ra khoảng trống thị trường chưa được khai thác triệt để. Một mạng lưới hoạt động mạnh mẽ sẽ khiến khách hàng yên tâm hơn khi tìm tới ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mình. Đồng thời, khách hàng thấy được sự thuận tiện trong giao dịch của mình ở bất cứ đâu, không còn lo lắng đến vấn đề địa lý nữa.
Có thể nói, ngân hàng là một ngành dịch vụ nên việc xây dựng thương hiệu, chỗ đứng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, nhận thức của khách hàng khi họ sử dụng chúng. Thông qua marketing và mạng lưới mở rộng sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống dịch vụ này, đem về cho ngân hàng doanh số cho vay tiêu dùng ngày càng nhiều, uy tín và hình ảnh phổ biến hơn.
Một ngân hàng không thể chỉ tự mình phát triển mà không có sự hợp tác cùng có lợi với các đối tượng kinh tế khác trong nền kinh tế - xã hội. Ngân hàng nên tiến hành mở rộng quan hệ với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động của ngân hàng, hợp tác chiến lược với những đối tác mạnh. Một ngân hàng sẽ có những thế mạnh và những điểm yếu không thể tránh khỏi, chính vì thế nắm được điểm yếu của mình giúp ngân hàng tìm tới những đối tác khác để hợp tác cùng phát triển đôi bên. Đối tác có thể là các đơn vị, tổ chức lớn có tiềm lực kinh tế mạnh, có những sản phẩm dịch vụ hữu ích có thể kết hợp được với những sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng. Khi có một sự hợp tác vững chắc, ngân hàng không chỉ thiết lập cho mình được năng lực về vốn lớn mà còn khiến khách hàng tin tưởng hơn vào sự phát triển bền vững của ngân hàng. Từ đó, ngân hàng sẽ nhận được sự trợ giúp, tương hỗ để tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tiềm năng lớn nhất của thị trường (dịch vụ ngân hàng bán lẻ và tư nhân) và thu hút được nhiều đối tác lớn, nhiều tổ chức nước ngoài đến đầu tư.
Tăng cường hợp tác còn giúp ngân hàng giải quyết nhanh hơn các khâu thẩm định, cập nhật thông tin của mình. Giả dụ như khi có được mối quan hệ mật thiết với các cơ quan quản lý Nhà đất, ngân hàng sẽ hiểu biết thị trường bất động sản, biết được những định hướng quy hoạch trong tương lai của thành phố, cung cầu bất động sản và những biến động trong tương lại của đất. Như vậy, ngân hàng tránh được những tổn thất cho mình khi quyết định có cho khách hàng vay hay không, hạn chế đuợc những rủi ro không lường trước và khắc phục được nhược điểm của hình thức cho vay tiêu dùng. Techcombank có thể tham khảo ngân hàng Á Châu (ACB), ACB thành lập trung tâm giao dịch bất động sản hỗ trợ khách hàng trong việc tìm một căn nhà như ý, hợp túi tiền. Việc thành lập trung tâm giao dịch bất động sản đã giúp ACB tăng cường dịch vụ của mình, giúp khách hàng yên tâm có được những thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường bất động sản.