II. Những quy định cụ thể về phương thức tín dụng chứng từ thông qua các điều
2. Các quy định theo nhóm điều khoản trách nhiệm và nghĩa vụ các bên
2.4. Điều 10 UCP600: Sửa đổi tín dụng
Về mặt cấu trúc, điều 10 UCP 600 tương đối giống với điều 9(d) UCP 500. Ngoài việc quy định một tín dụng không được sửa đổi nếu không có sự thoả thuận giữa ngân hàng phát hành, ngân hàng xác nhận (nếu có), người thụ hưởng. (Điều 10a), và một lần nữa UCP 600 khẳng định lại bằng một mục mới (f), nối tiếp quan điểm của ICC trong bản đánh giá số 1 ngày 01/09/1994 về việc tín dụng không nên quy định người thụ hưởng phải đưa ra thông báo chấp nhận trong một khoảng thời gian. Tức là, trong khoảng thời gian đó, tín dụng không thể được sửa đổi dù người thụ hưởng chưa đưa ra ý kiến của mình. Ví dụ: “Sửa đổi lần 1: số tiền L/C giảm 10.000,00USD. Sửa đổi này sẽ có hiệu lực trừ khi người thụ hưởng từ chối trước hoặc vào ngày 30/1/2008”(“Amend No. 1: amount reduced by USD10,000.00. This amendment shall be in force unless rejected by beneficiary on or before Jan. 30, 2008”). Như vậy, các ngân hàng phải tự xác định xem sửa đổi đã được chấp nhận hay chưa từ các chứng từ xuất trình và đặc biệt cần lưu ý đối với người thụ hưởng là họ cần phải chấp nhận sửa đổi trong thời gian không muộn hơn ngày xuất trình. Sở dĩ tại sao cần lưu ý điều này, bởi nếu yêu cầu sửa đổi được đưa ra sau khi chứng từ đã được xuất trình thì phát sinh một vấn đề là chứng từ đó sẽ được xem xét với tư cách là việc đồng ý chấp nhận sửa đổi hay là việc xuất trình chứng từ gốc lần thứ nhất.
Thêm một lần nữa UCP600 nhấn mạnh vị trí của người thụ hưởng bằng cách bổ sung thêm quy định yêu cầu: “ngân hàng thông báo sửa đổi phải báo cho ngân hàng mà nó nhận được sửa đổi từ ngân hàng này về mọi thông báo chấp nhận hay từ chối sửa đổi” nào từ người thụ hưởng.