Hạn chế tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế Ứng dụng lý thuyết tài chính hành vi để lý giải cho những bất thường trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 64 - 66)

5. Kết cấu của đề tài

3.1.1.Hạn chế tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường chứng khoán

Hiện tượng thông đồng để thực hiện mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả, giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết lôi kéo người khác liên tục mua bán để thao túng giá chứng khoán, kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác để thao túng giá, lũng đoạn thị trường cần được ngăn chặn. Thao túng giá chứng khoán thật ra không phải là câu chuyện mới mẻ trên thị trường chứng khoán VN, nhưng chỉ bắt đầu rộ lên nhiều trong năm 2010, với nhiều biến tướng ngày càng phức tạp hơn. Từ thời điểm từ cuối năm 2010 đến nay, khá nhiều vụ làm giá đã bị phanh phui và xử phạt, phần nào đem lại niềm tin cho thị trường. Tuy nhiên, số lượng bị phát hiện và mức xử phạt chưa có tính răn đe cao, tác giả mạnh dạn kiến nghị một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần cụ thể và chi tiết hơn theo hướng tăng cường mức độ xử phạt để cải thiện mức độ răng đe của pháp luật.

Đầu tháng 8/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2010/NĐ-CP với điểm nhấn là tăng cường mức độ xử phạt đối với những hành vi gian lận trong chứng khoán và thao túng thị trường. Theo đó, cá nhân, tổ chức thông đồng trong giao dịch chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; hoặc giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán sẽ bị phạt từ 200-300 triệu đồng. Đây là một bước đi rất là cần thiết và tích cực để TTCK hoạt động một cách minh bạch hơn, lành mạnh hơn. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt vì trong thời gian

qua, đã có rất nhiều hành vi thao túng thị trường hay giao dịch gian lận chứng khoán nhưng chỉ bị xử lý rất nhẹ, không tạo được lòng tin cho các NĐT chân chính.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, tính răng đe của mức xử phạt như trên là chưa cao bởi số tiền nộp phạt này vẫn có thể là rất thấp so với khoản lợi thu về từ hành vi gian lận, thao túng giá. Điều này có nghĩa, sau mỗi đợt làm giá và bỏ ra khoản tiền tối đa là 300 triệu để nộp phạt, cá nhân thực hiện hành vi gian lận vẫn còn dư một khoản lời lớn để bỏ túi.

Do đó, mức độ xử phạt cho các hành vi lũng đoạn giá chứng khoán cần nghiêm khắc hơn có thể là tịch thu toàn bộ số lời thu được từ thao túng giá, kể cả xử lý hình sự như vụ việc ông Lê Văn Dũng - Tổng giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Viễn Đông. Các hình thức xử phạt bổ sung đối với những hành vi thao túng giá trong Nghị định 85/2010/NĐ-CP cũng cần phải quy định chi tiết hơn nữa. Đặc biệt là cần đưa ra được công thức tính khoản thu lời bất chính mà đối tượng vi phạm có được nhờ tiến hành thao túng giá, để làm cơ sở cho việc thu hồi toàn bộ khoản thu lời bất chính.

Thứ hai, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính nên không tránh khỏi bị hạn chế về thẩm quyền, do đó, trong thời gian qua không thể xử lý nhanh nhạy những tình huống phát sinh trên thị trường chứng khoán - là một thị trường có tính phức tạp và luôn có những diễn biến, thay đổi rất nhanh và chịu tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Chính vì vậy, cần trao quyền mạnh cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cụ thể, Bộ tài chính nên trao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyền được thanh tra, giám sát, xử lý các hành vi thao túng thị trường, kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường chứng khoán. Theo đó, khi phát hiện những vấn đề nghi vấn thông qua thanh tra, kiểm tra Ủy ban Chứng khoán có quyền đề nghị các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan cung cấp thông tin về mối quan hệ thân nhân của đối tượng thanh tra với người có liên quan đến khi nghi vấn có gian lận, cung cấp, sao kê các cuộc gọi điện thoại, thư điện tử của đối tượng thanh tra; sao kê tài khoản chứng từ và dữ liệu giao dịch liên quan đến chứng khoán tại ngân hàng của đối tượng thanh tra và các thông tin, tài liệu liên quan khác”.

Thứ ba, cơ quan quản lý, giám sát thị trường phải hệ thống hóa được dấu hiệu của các tình huống giao dịch bất lợi cho thị trường để tiến hành kiểm tra ngay khi thấy

có dấu hiệu vi phạm; đồng thời cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần tăng cường công tác cung cấp thông tin, định hướng nhận thức để giúp người dân hiểu đúng bản chất và các diễn biến của nền kinh tế nhằm giúp họ có những quyết định đúng đắn.

Cuối cùng, không phải ở Việt Nam, mà ở các thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế đều cho thấy việc bắt lỗi thao túng giá chứng khoán là một việc làm quá khó. Bởi những hành vi này thường diễn ra nhanh chóng và tinh vi trong khi để tìm được bằng chứng quy tội luôn cần nhiều thời gian điều tra, thẩm định. Có những hành vi trục lợi, thao túng giá cổ phiếu trên TTCK là thật, nhưng không thể xác định được bằng chứng. Vì thế, bên cạnh hệ thống luật pháp, TTCK các nước phát triển luôn có sự điều tiết bởi các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp với những người hành nghề. Các quy tắc này sẽ là cái khung chung để mỗi người hành nghề căn cứ vào đó điều chỉnh hành vi của mình. Nếu vi phạm quy tắc thì chưa cần đến pháp luật phải vào cuộc làm rõ, mà hiệp hội - nơi quản lý người hành nghề sẽ lập tức có chế tài (như công bố công khai danh tính của người vi phạm đạo đức nghề nghiệp). Khi đó, tự thị trường sẽ phán xét và đào thải những con người này.

Tại Việt Nam, thiết nghĩ VASB cần tiến hành chuẩn hóa bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh chứng khoán. Đồng thời, VASB nên đề xuất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc cho phép hiệp hội được quyền đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho những người hành nghề và giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của những người hành nghề. Có như vậy mới giữ được thị trường hoạt động minh bạch, ổn định.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế Ứng dụng lý thuyết tài chính hành vi để lý giải cho những bất thường trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 64 - 66)