TĐC là chương trình lớn của thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện trong nhiều năm qua. Cho đến nay với rất nhiều nỗ lực, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thực hiện TĐC.
Trong năm vừa qua, thành phố đã phát triển được khoản 8,4 triệu m2 nhà ở, trong đó có trên 500 ngàn m2 là nhà ở TĐC, nhà cho công nhân, nhà cho cán bộ công chức và ký túc xá sinh viên [8]. Tại thành phố, mặc dù chưa nhiều nhưng một bộ phận người dân đã được chăm lo đời sống tốt hơn sau TĐC. Có thể kể đến một số dự án mà phần lớn người dân đều cảm thấy thoải mái hơn khi đến nơi ở mới như: dự án chỉnh trang rạch Ụ Cây quận 8; dự án Công viên hồ Khánh Hội ở quận 5…[32]
Không chỉ nỗ lực xây dựng ngày càng nhiều nhà TĐC, trong thời gian gần đây ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều doanh nghiệp triển khai thí điểm dự án nhà ở TĐC cao cấp. Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc là doanh nghiệp tiên phong xây dựng căn hộ TĐC có chất lượng tốt và thiết kế khá cao cấp với dự án 12.500 căn hộ TĐC tại Thủ Thiêm. Công ty Tamouh Investments (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất) cũng tham gia vào thị trường nhà TĐC chất lượng cao với dự án khu TĐC 38,4 ha phường Bình Khánh quận 2. Doanh nghiệp này cam kết với lãnh đạo thành phố là chất lượng của căn hộ ngang bằng với căn hộ Sky Garden của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Gần đây nhất, để xóa bỏ rào cản tâm lý ngán ngại ở các khu TĐC, công ty cổ phần Đức Khải cũng tham gia chương trình Nhà ở TĐC của thành phố với việc xây dựng khu nhà TĐC Phú Mỹ, dự kiến đưa vào sử dụng vào quý II-2012. Đây là một mô hình khu TĐC kiểu mẫu và điển hình của cả nước với đầy đủ các điều kiện sinh hoạt, vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế [32]. Từ kinh nghiệm này của thành phố Hồ Chí Minh, cần nhân rộng mô hình này ra trên phạm vi cả nước để chất lượng nhà ở TĐC được cải thiện, đảm bảo theo đúng nguyên tắc nhất quán của nhà nước: đảm bảo nơi ở TĐC phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng khen ngợi, việc thực hiện TĐC ở thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể tránh khỏi những vướng mắc, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, ở thành phố Hồ Chí Minh việc thực hiện TĐC cho người dân bị thu hồi đất còn nhiều bất cập. Một trong số đó là các khu TĐC thường không xây dựng đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở y tế, khu vui chơi, chợ… gây khó khăn cho người dân trong quá trình sinh hoạt. Bởi vậy, sau khi chuyển đến nơi TĐC, nhiều hộ dân bỏ nơi ở mới để tìm đến những nơi ở khác hoặc quay lại những chỗ cũ. Bên cạnh đó, chất lượng các căn hộ chung cư cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người dân nghe đến các dự án TĐC đều ngán ngẩm.
Bên cạnh đó, đối với một số dự án sau khi bị thu hồi đất, người dân được phân nền TĐC như dự án mở rộng đường Trường Chinh (từ ngã tư An Sương đến cầu Tham Lương). Đây là một hình thức TĐC hiếm gặp ở khu vực đô thị bởi quỹ đất ở đô thị rất hạn hẹp, không đủ điều kiện để TĐC bằng đất ở. Để phù hợp với quy hoạch chung của thành phố, cơ quan chức năng đã ban hành thiết kế nhà mẫu trong khu TĐC. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không thể xây dựng nhà ở do không đủ tiền xây dựng. Bên cạnh đó, một số dự án được UBND thành phố xác định TĐC bằng nền nhà nhưng diện tích không đủ để bố trí TĐC cho tất cả các hộ dẫn đến tình trạng chỉ phân nền được cho một bộ phận người dân thuộc diện TĐC, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân cũng như làm chậm trễ tiến độ dự án.
Ngoài một số ít dự án được TĐC bằng nền nhà, ở thành phố Hồ Chí Minh việc TĐC vẫn chủ yếu được thực hiện dưới hình thức nhà ở chung cư. Tuy nhiên, trong thời gian qua trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra tình trạng thiếu nhà ở TĐC cho người dân bị thu hồi đất. Đây không phải là khó khăn riêng có của thành phố Hồ Chí Minh mà là khó khăn chung của nhiều đô thị trên cả nước. Và tình trạng này dự báo sẽ còn tiếp tục trong những năm tiếp theo. Theo thống kê ban đầu của đoàn công tác liên ngành, đến năm 2015, thành phố thực hiện 498 dự án, làm ảnh hưởng đến 120.000 hộ dân. Trong đó có 191 dự án đang triển khai dở dang trong giai đoạn 2006 - 2010 chuyển sang với số hộ dân có nhu cầu TĐC là 38.246 hộ, 307 dự án mới với tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 77.706 và có hơn một nửa số hộ này có nhu cầu được bố trí TĐC. Như vậy, giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến có hơn 83.000 hộ có nhu cầu TĐC. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án thường gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, lập dự án, nguồn vốn đầu tư… do đó, trong 5 năm tới, chỉ có thể bố trí TĐC khoảng 35.000 - 40.000 căn hộ, nền đất [31], chưa đáp ứng một nửa nhu cầu đặt ra.
Thêm vào đó, tình trạng mua bán, sang nhượng suất TĐC tại các quận huyện ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua có diễn biến khá phức tạp với số lượng lớn. Nguyên nhân của việc sang nhượng suất TĐC do các dự án chưa có sẵn căn hộ, nền đất để bố trí trong khi người dân muốn có nơi ở ngay. Mặt khác, do giá chuyển nhượng suất TĐC
trên thị trường cao hơn giá bán của nhà nước nên người dân muốn bán suất TĐC để hưởng chênh lệch, một số nơi TĐC chưa có đường sá, trường học, chợ...[31]
Trước thực trạng thực hiện TĐC còn nhiều bất cập, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác TĐC trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:
- Nhằm đảm bảo nhu cầu TĐC các dự án trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư các dự án TĐC với quy mô lớn ở các quận ven để chuẩn bị quỹ nhà trong giai đoạn phát triển sắp tới. Để chủ động tạo quỹ nhà, thành phố cần có quy chế huy động các nguồn vốn đầu tư hoặc mua lại từ doanh nghiệp.
- Quỹ đất TĐC do nhà nước quản lý phải được đưa vào khai thác theo đúng chương trình nhà ở TĐC của thành phố, không được sử dụng vào mục đích khác
- Các quận - huyện kiến nghị cho các trường hợp mua nhà TĐC trả góp 10 năm nhưng hoàn cảnh thật sự khó khăn được xem xét giải quyết kéo dài thời gian trả góp trong 20 năm hoặc chuyển sang chế độ thuê nhà.
Trước mắt, để giải quyết tình trạng thiếu quỹ nhà TĐC như hiện nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một chính sách liên quan đến nhà ở TĐC được dư luận rất quan tâm và ủng hộ. Theo đó, UBND thành phố có chủ trương mua lại một số lượng căn hộ của các doanh nghiệp có giá tốt để làm nhà TĐC với quan điểm thành phố không lợi dụng khó khăn của doanh nghiệp để ép giá mà vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp có lãi. Một khi chính sách này được thực hiện trên thực tế sẽ giúp cho nhà nước giảm áp lực về tiến độ xây dựng nhà TĐC; người dân được TĐC nhanh chóng có nhà để ở; còn chủ dự án bất động sản sẽ thu hồi được vốn trong điều kiện thị trường bất động sản xuống dốc như hiện nay.