Quy định về TĐC áp dụng đối với KKT Vũng Áng

Một phần của tài liệu Pháp luật về tái định cư và thực tiễn thực hiện tại khu kinh tế vũng áng – tỉnh hà tĩnh (Trang 35 - 39)

2.3.1.1 Tổng quan về KKT Vũng Áng

KKT Vũng Áng được thành lập và ban hành quy chế hoạt động theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/6/2006 và Quyết định số 19/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 22.781 ha, bao gồm 9 xã nằm ở phía Nam huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với hạt nhân phát triển là cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 5 – 35 vạn tấn.

KKT Vũng Áng có vị trí địa lý kinh tế - chính trị thuân lợi: nằm trên trục đường giao thông Bắc Nam và hành lang kinh tế Đông Tây, cách thành phố Hà Tĩnh và mỏ sắt

Thạch Khê 60 km về phía Bắc. Từ đây, có thể giao lưu kinh tế với mọi vùng trong cả nước theo đường Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, và đường Hồ Chí Minh; và dễ dàng đến được với vùng Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan theo đường Quốc lộ 8A và 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh qua cửa khẩu Cầu Treo và cửa khẩu Cha Lo. Từ cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương theo tuyến đường hàng hải quốc tế dễ dàng đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và Châu Âu. Đây cũng là cửa ngõ ra biển thuận lợi cho nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.

KKT Vũng Áng có quỹ đất rộng lớn, phù hợp cho xây dựng phát triển công nghiệp và đô thị. Mặt khác, điều kiện tự nhiên khu vực rất thuân lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đặc biệt là du lịch biển.

Mục tiêu phát triển của KKT Vũng Áng đã được xác định là: khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ; Xây dựng và phát triển KKT Vũng Áng để trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, cùng với các KKT khác của khu vực miền Trung, tạo thành chuỗi các KKT có mối liên kết chặt chẽ với nhau và từng bước trở thành những hạt nhân tăng trưởng, trung tâm công nghiệp luyện kim – dịch vụ cảng biển – du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ; Là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Bắc Trung Bộ và trở thành cầu nối với thị trường Lào và Đông Bắc Thái Lan; Tạo việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của Hà Tĩnh.

2.3.1.2 Quy định về TĐC áp dụng đối với KKT Vũng Áng

Tại KKT Vũng Áng, công tác di dời dân để thực hiện các dự án đầu tư là việc không thể tránh khỏi. Để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân thuộc đối tượng phải TĐC, một trong những yêu cầu đặt ra là công tác TĐC phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

Trước hết, công tác TĐC tại KKT Vũng Áng phải tuân theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định 197/2004/NĐ-CP, Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Thông tư 14/2009/TT- BTNMT và một số văn bản liên quan do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC ở mỗi địa phương lại có đặc thù khác nhau nên ngoài các quy định chung áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước thì ở các địa phương phải ban hành các quy định riêng để phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Đối với công tác TĐC ở KKT Vũng Áng, hiện nay đang áp dụng các quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, chủ yếu là: Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 về Ban hành quy định chính sách về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (sau

đây gọi tắt là Quyết định 07/2010/QĐ-UBND); Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 16/6/2011 về việc sửa đổi, bổ sung quyết định 07/2010/QĐ-UBND; Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 17/1/2012 về việc ban hành bộ “Đơn giá bồi thường các loại nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, tàu thuyền, ngư cụ, thiết bị máy móc, cây cối, hoa màu” khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh…

Nhìn chung, các quy định về TĐC áp dụng đối với KKT Vũng Áng dựa trên cơ sở quy định của các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương về TĐC. Ngoài ra, cũng có một số quy định riêng được ban hành theo sự phân cấp của cơ quan Nhà nước cấp trên, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Có thể coi đây là sự cụ thể hóa một số quy định chung được áp dụng trên phạm vi cả nước.

* Về hỗ trợ TĐC:

Theo quy định tại Quyết định 07/2010/QĐ-UBND, nhà ở, đất ở TĐC được thực hiện theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với mức bồi thường và khả năng chi trả của người được TĐC. Đối với hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở mà không có chỗ ở nào khác thì được giao đất ở hoặc nhà ở TĐC.

(i) Suất TĐC tối thiểu được quy định cụ thể ở các địa bàn như sau: - Tại các phường là 70m2;

- Tại các thị trấn và các xã thuộc thị xã, thành phố là 100m2; - Tại các xã loại I và xã loại II là 150m2;

- Tại các xã loại III là 200m2

(ii) Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở mà tự lo chỗ ở (tự TĐC) thì được hỗ trợ thêm một khoản tiền với các mức như sau:

- Đối với các dự án có quy mô số hộ dân phải di dời chỗ ở trên 200 hộ thì mỗi hộ tự TĐC được hỗ trợ: 100.000.000 đ/hộ.

- Đối với các dự án có quy mô số hộ dân phải di dời chỗ ở trên 50 hộ đến 200 hộ và Khu vực thị xã, thành phố, KKT, Khu công nghiệp tập trung thì mỗi hộ tự TĐC được hỗ trợ: 80.000.000 đ/hộ.

- Đối với dự án thuộc khu vực các huyện có quy mô số hộ dân phải di dời chỗ ở từ 50 hộ trở xuống thì mỗi hộ tự TĐC được hỗ trợ: 50.000.000 đ/hộ.

* Về đối tượng TĐC:

Quy định về đối tượng TĐC áp dụng đối với KKT Vũng Áng về cơ bản giống như quy định chung. Riêng đối với nhóm đối tượng thứ tư, có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để việc áp dụng được thực hiện dễ dàng hơn trên thực tế. Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Quyết định 07/2011/QĐ-UBND, hộ gia đình bị thu hồi toàn bộ đất ở có nhiều thế hệ (2 cặp vợ chồng trở lên) cùng chung sống đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có

chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở bị thu hồi, có nhu cầu về đất ở thì mỗi hộ mới tách được Hội đồng bồi thường căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để lập phương án bố trí TĐC trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định. Hộ gia đình bị thu hồi đất ở, có đủ điều kiện được bồi thường đất ở, có diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn quy định hạn mức giao đất ở mới nhưng không đủ điều kiện được giao thêm lô đất thứ 2, thứ 3... thì giá diện tích đất ở vượt hạn mức quy định bằng 105% giá đất ở của thửa đất bị thu hồi. Trường hợp hộ gia đình bị thu hồi diện tích đất được bồi thường theo giá đất ở lớn hơn hoặc bằng 150% hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh nhưng không đủ điều kiện được giao thêm lô thứ 2, thứ 3 thì cứ vượt 50% hạn mức giao đất ở mới được giao thêm 50% diện tích đất ở tối thiểu theo từng vùng theo quy định, nhưng tổng diện tích các lô TĐC được giao không vượt quá 2 lần hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh hoặc không vượt quá 2 lô đất TĐC theo quy hoạch tại vị trí giao đất.

* Về các chính sách hỗ trợ cho người TĐC:

(i) Hỗ trợ di chuyển chỗ ở: (chỉ áp dụng đối với những hộ gia đình thực hiện việc di chuyển chỗ ở đúng tiến độ được duyệt): Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ kinh phí để di chuyển (không bao gồm các hộ tự TĐC). Mức hỗ trợ di chuyển cho các hộ được quy định cụ thể như sau:

- Di chuyển trong phạm vi không quá 1 Km: 2.000.000 đồng/hộ - Di chuyển trong phạm vi từ 1 Km - 5 Km: 3.000.000 đồng/hộ - Di chuyển trong phạm vi trên 5 Km - 10 Km: 5.000.000 đồng/hộ - Di chuyển trong phạm vi trên 10 Km - 15 Km: 7.000.000 đồng/hộ - Di chuyển trên 15 Km: 10.000.000 đồng/hộ

Tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc đang sử dụng đất hợp pháp khi Nhà nước thu hồi mà phải di chuyển cơ sở sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí để tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt. Mức hỗ trợ căn cứ vào khối lượng, cung độ, giá cước vận chuyển và tính chất của từng loại thiết bị, Hội đồng bồi thường xây dựng và trình phê duyệt phương án bồi thường.

Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở mà không còn chỗ ở khác thì trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới (bố trí vào khu TĐC) được hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm hoặc làm lán trại tạm. Mức hỗ trợ áp dụng đối với KKT Vũng Áng là 800.000 đồng/hộ/tháng; thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng.

(ii) Nếu như các hộ TĐC bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp thì họ còn được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất; và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm.

(i) Công khai phương án bố trí tái định cư; đối với dự án đã có khu tái định cư thì hộ gia đình, cá nhân phải tái định cư được xem nơi dự kiến tái định cư trước khi chuyển đến.

(ii) Giá đất tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hộ gia đình, cá nhân được giao đất, mua nhà, thuê nhà tại nơi tái định cư phải nộp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà theo quy định của pháp luật và được trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ; nếu có chênh lệch thì thực hiện thanh toán bằng tiền phần chênh lệch đó theo quy định, trừ trường hợp được hỗ trợ tái định cư quy định tại khoản 1, Điều 24 của Quy định này.

Trên đây là một số quy định cụ thể được áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung và KKT Vũng Áng nói riêng. Các quy định này là sự cụ thể hóa quy định của cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương theo đúng sự phân công, phân cấp quản lý của Nhà nước nhằm phù hợp với thực tế ở các địa phương.

Một phần của tài liệu Pháp luật về tái định cư và thực tiễn thực hiện tại khu kinh tế vũng áng – tỉnh hà tĩnh (Trang 35 - 39)