Giải pháp về hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu Pháp luật về tái định cư và thực tiễn thực hiện tại khu kinh tế vũng áng – tỉnh hà tĩnh (Trang 61 - 63)

Ở nước ta hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội cùng với trình độ lập pháp còn nhiều hạn chế đặt ra yêu cầu ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho các nhà làm luật ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, các quy định về lĩnh vực đất đai luôn là một trong những lĩnh vực phải sửa đổi, bổ sung nhiều nhất, liên tục nhất, bởi lẽ “không có luật nào có thể đúng với mọi thời gian, nhất là Luật Đất đai khi đất đai luôn biến động theo nhu cầu sử dụng cho phát triển bền vững” [43]. Đặc biệt đối với việc hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC bởi đây là vấn đề nóng nhất về đất đai trong thời gian gần đây. Xuất phát từ việc tìm hiểu các điểm hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành về TĐC, có thể đề xuất một số sửa đổi nhằm hoàn thiện chế định này.

Một là, sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành về giá bồi thường, hỗ trợ, TĐC

Để công tác giải phóng mặt bằng nói chung và công tác TĐC nói riêng được thực hiện có hiệu quả hơn trên thực tế, cần thực hiện đồng thời một số điều chỉnh nhất định về giá tính bồi thường và thời điểm tính giá bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Sự điều chỉnh này ảnh hưởng rất lớn đến công tác TĐC bởi đối với người thuộc diện TĐC số tiền được bồi thường là cơ sở quan trọng, thậm chí là cơ sở duy nhất để họ có thể chi trả cho suất nhà ở, đất ở TĐC phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của mình. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến việc bảo đảm cuộc sống tại nơi ở mới cho người dân, đặc biệt là khi họ bị mất việc làm thì cần nguồn vốn nhất định để tạo lập việc làm mới

Về giá tính bồi thường: hiện nay, giá tính bồi thường cho người bị thu hồi đất căn cứ vào bảng giá đất ban hành hàng năm của UBND cấp tỉnh. Cách tính giá như trên đã gây ra nhiều bất bình cho người dân. Để đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho người dân, cần phải bảo đảm nguyên tắc về giá đất bồi thường khi thu hồi đất phải sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Chỉ khi mức bồi thường tương xứng với giá trị quyền sử dụng đất thì tình trạng khiếu kiện, chống đối đối với công tác giải phóng mặt bằng mới có thể giảm. Qua thực tiễn nghiên cứu công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC ở một số nước của nhiều tác giả, có thể thấy nếu cách tính theo giá thị trường được áp dụng thì việc giải phóng mặt bằng sẽ không còn là điểm nóng làm đau đầu nhà quản lí. Như ở Thái Lan, “nhìn chung khi tiến hành lấy đất của dân, Nhà nước hoặc cá nhân đều đền bù với mức cao hơn giá thị trường” [7], thêm vào đó Nhà nước rất biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân nên việc giải phóng mặt bằng ở đây gặp ít khó khăn trong thực hiện.

Về thời điểm tính giá bồi thường, hỗ trợ, TĐC: hiện nay ở nước ta mức bồi thường mà người dân được hưởng căn cứ vào giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Quy định này đã dẫn đến việc quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, làm cho công tác bồi thường, TĐC bị chậm tiến độ do có sự phản đối của người dân. Để giải quyết những khó khăn này, yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi quy định nói trên theo hướng quy định việc tính giá bồi thường theo thời điểm trả tiền bồi thường trên thực tế. Có như vậy mới phần nào đảm bảo được quyền lợi cho người dân, tạo điều kiện để họ có thể được hưởng khoản tiền bồi thường tương xứng hơn với những thiệt thòi họ phải gánh chịu.

Hai là, sửa đổi quy định về việc khiếu nại quyết định thu hồi đất, bồi thường đất,

hỗ trợ, TĐC.

Như đã phân tích ở trên, việc quy định pháp luật cho phép tổ chức có trách nhiệm thực hiện bồi thường, hỗ trợ, TĐC vẫn tiến hành hoạt động của mình trong thời gian giải quyết khiếu kiện về bồi thường, TĐC dễ dẫn đến tình trạng làm thiệt hại đến quyền lợi của các chủ thể liên quan, trong đó có người dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư. Về phía Nhà nước, quy định này có thể làm giảm uy tín của Nhà nước đối với người dân, làm cho các quyết định về sau của Nhà nước khó được người dân chấp nhận hơn. Bởi vậy, để quyền lợi của các bên được đảm bảo, đồng thời tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra cần thiết phải sửa đổi quy định này theo hướng quyền khiếu nại, tố cáo của người dân được thực hiện ở tất cả các công đoạn của quá trình thu hồi đất. Mặt khác, cũng cần quy định việc giải quyết khiếu nại ở quy trình, công đoạn nào thì phải được giải quyết dứt điểm ngay trong thời hạn luật định ở quy trình, công đoạn đó, sau đó mới thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo của việc bồi thường, TĐC. “Làm như vậy, một mặt vừa đảm bảo được quyền

khiếu nại của công dân được tôn trọng, mặt khác vừa đảm bảo vai trò, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc tổ chức thực thi nhiệm vụ của mình, đồng thời đảm bảo được tính minh bạch, công khai và sự tôn nghiêm của pháp luật” [25, tr.36].

Ba là, trong quá trình xây dựng luật, Nhà nước cần chú trọng tới việc hệ thống hóa

các quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng các quy định phân tán trong nhiều văn bản khác nhau như hiện nay. Theo chúng tôi, trong thời gian tới, sau khi Luật Đất đai mới được ban hành, cần quy định thống nhất về bồi thường, hỗ trợ, TĐC trong cùng một văn bản (có thể là một Nghị định của Chính phủ hoặc một Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Như vậy, “các quy định sẽ rõ ràng, minh bạch và có tính chất tập trung trong một văn bản quy phạm pháp luật” [24]. Nhờ đó, sẽ có lợi cho cả Nhà nước khi tránh được sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản; đồng thời người làm công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC dễ dàng hơn trong quá trình áp dụng pháp luật; còn người dân có điều kiện để tìm hiểu quy định pháp luật về lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu Pháp luật về tái định cư và thực tiễn thực hiện tại khu kinh tế vũng áng – tỉnh hà tĩnh (Trang 61 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w