Tuy vậy, sự phát triển kinh tế của châu Á vẫn đang đối mặt với 3 rủi ro lớn: Thứ nhất, sự thay đổi bất ngờ của nền kinh tế Mỹ. Nếu như kinh tế Mỹ bất ngờ chững lại, sẽ kéo theo nhu cầu mậu dịch đối ngoại của khu vực đồng euro và Nhật Bản sụt giảm - việc đương nhiên gây ra ảnh hưởng dây chuyền đối với các nhà sản xuất xuyên quốc gia tại châu Á. Từ đó khiến cho một số khu vực với hệ thống kinh tế theo mô hình mở cửa hoặc nhu cầu thị trường bên trong mong manh như Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapo, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ chịu sự tấn công rất lớn.
Thứ hai, luồng vốn toàn cầu chuyển hướng. Hiện nay, châu Á là điểm đến của luồng vốn toàn cầu, góp phần giữ cho kinh tế châu Á tăng trưởng ổn định. Một khi thị trường chứng khoán của Trung Quốc tụt dốc hoặc hoạt động giao dịch lợi tức trọn gói của đồng yên thay đổi rất có thể sẽ khiến cho hướng luân chuyển của luồng vốn toàn cầu đảo ngược. Khi tình trạng này xuất hiện, một số đồng tiền có lãi suất cao, các nước và vùng lãnh thổ thực hiện chính sách tỷ giá ngoại hối cố định như Inđônêxia, Ấn Độ, Hồng Kông và Philippin sẽ đứng trước rủi ro rất lớn. Nếu như các khu vực này kiểm soát được lạm phát, có thể thực hiện giảm lãi suất để kích thích phát triển kinh tế và cũng có thể sử dụng lượng dự trữ ngoại hối dồi dào để bảo vệ đồng tiền trong nước.
Thứ ba, tác động của luồng vốn nóng. Cùng với chính sách thu hút vốn đầu tư bên ngoài của các nước và vùng lãnh thổ tại châu Á, một lượng lớn vốn nóng tiếp tục chảy vào châu Á. Như vậy sẽ gây ra sức ép tăng giá đối với đồng tiền bản địa, nhất là đối với đồng tiền của các nước và khu vực thường xuyên thực hiện thặng dư lớn (xuất siêu lớn) trong mậu dịch đối ngoại. Hơn thế, các Ngân Hàng Trung Ương Châu Á thường xuyên mất đi quyền chủ động trên phương diện lãi suất, chính vì vậy nếu chính phủ các nước và khu vực này không có chính sách tài chính phù hợp, trong tình trạng kinh tế quá nóng sẽ hình thành sự tăng giá giả tạo của tài sản và dẫn đến lạm phát.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bùng nổ đến nay, tình hình kinh tế của các thị trường mới nổi tại châu Á đã có sự cải thiện đáng kể. Hiện nay, phương pháp quản lý rủi ro của ngành tài chính và các cơ quan công cộng của các thị trường này đã được cải thiện, thêm vào đó mức độ hội nhập mậu dịch quốc tế ngày càng cao.
Báo cáo kinh tế và xã hội 2007 của Ủy ban Kinh tế- Xã hội Châu Á- Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc đặc biệt nhấn mạnh vào 4 nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và Philippine, vì những nước này đang tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn, như tiền chảy vào các quỹ đầu tư nhiều, dẫn đến việc tỷ giá hối đoái tăng cao, tư bản "chảy" ra nước ngoài khiến rủi ro càng lớn, cũng như giá dầu tăng sức ép lạm phát. Báo cáo cho rằng không loại trừ khả năng 4 nước này sẽ gây ra phản ứng dây chuyền tiêu cực.
Tóm lại phân tích từ nhiều góc độ, hầu hết các chuyên gia kinh tế trong khu vực khẳng định rằng khủng hoảng tài chính Châu Á khó tái diễn trong bối cảnh hiện nay vì thế khả năng tái diễn khủng hoảng tài chính châu Á là rất nhỏ.