2. 2 Toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam
3.2.2.1 Đối với hệ thống Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN)
Qua thực tế khủng hoảng tài chính Mỹ vừa qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có chính sách phù hợp, tạo sự liên kết mới trong hệ thống ngân hàng và giữa hệ thống ngân hàng với hệ thống tài chính; đồng thời cũng nên tạo lập những quỹ chủ động xử lý rủi ro đề phòng một khi rủi ro ập đến.
Về thị trường bất động sản
Xem xét bỏ việc khống chế tỉ lệ tăng trưởng tín dụng 30% trong năm 2008. Vì như vậy sẽ dẫn đến một loạt NHTM không mạnh dạn tăng trưởng tín dụng và hầu hết các NHTM hạn chế tối đa việc phát triển cho vay các dự án, các khoản vay đầu tư sản xuất kinh doanh, không phát triển khách hàng mới. Các NHTM nói chung chỉ chú trọng đến khách hàng tiềm năng và duy trì mối quan hệ tối thiểu có thể chấp nhận được. Giao dịch tín dụng giữa ngân hàng và các khách hàng trong xu thế giảm dần trong năm 2008.
Trong những thời điểm thích hợp NHNN có thể bơm vốn thêm cho các NHTM kích cầu và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Tính thanh khoản
NHNN cần theo dõi sát diễn biến cuộc khủng hoảng này để có những động thái phù hợp. Giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại,
tiếp tục can thiệp trên thị trường ngoại hối để đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế.
Ngân hàng nhà nước vẫn cần hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát. Đối với các NHTM lớn, có nhiều giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn thì việc hỗ trợ thanh khoản sẽ thông qua nghiệp vụ thị trường mở tại Ngân hàng Nhà nước. Đối với các NHTM nhỏ không đủ giấy tờ có giá hoặc không có khả năng cạnh tranh trên thị trường mở thì Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua công cụ tái cấp vốn.
Các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nắm bắt kịp thời biến động về vốn khả dụng và giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay tái cấp vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, bảo đảm tiền vay tái cấp vốn được sử dụng đúng mục đích để bù đắp thiếu hụt thanh khoản.
Phải có cơ chế kiểm soát và biện pháp chế tài đối với những ngân hàng sử dụng vốn huy động để cho vay vượt mức cho phép.
Công cụ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cơ bản cần được sử dụng linh hoạt để cung cấp cho thị trường tín hiệu về cung cầu tiền, về sức khoẻ của nền kinh tế. Về lâu dài, phải có cơ chế tính toán lãi suất hợp lý sao cho vừa đảm bảo quyền lợi người gởi tiền ( bù được lạm phát, thực hiện lãi dương) vừa kích thích sản xuất. Để tính chính xác mức lãi suất này cần xác định cho được hai hàm tiền tệ cơ bản: hàm cung tiền và hàm cầu tiền.
Tăng chủng loại hàng hoá giao dịch để thu hút nhiều ngân hàng tham gia thị trường mở vì hiện thời hàng hoá của thị trường mở hiện khá nghèo nàn, chủ yếu là tín phiều NHNN, trái phiếu chính phủ…Các phương tiện giao dịch như các loại trái phiếu thời hạn ngắn, chứng khoán do bản thân các ngân hàng phát hành… vẫn chưa được giao dịch trên thị trường này. Hơn nữa, khối lượng tín phiếu NHNN còn nhỏ so với quy mô vốn của ngân hàng.
Đặc biệt là các chính sách NHNN đưa ra cần cung cấp tín hiệu thị trường thay vì chạy theo thị trường như vừa qua.