So sánh kết quả phát hiện TCV giữa nhóm bệnh và nhóm đối chứng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu siêu kháng nguyên của tụ cầu vàng và hiệu quả điều trị VDCĐ bằng kháng sinh cefuroxim (Trang 108 - 110)

chứng

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ phát hiện TCV trên thương tổn bệnh nhân VDCĐ là 81,25%, cao hơn hẳn so với vùng quanh lỗ mũi ngoài của người khỏe mạnh 37,5%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001; RR = 2,17; KTC 95% (1,44 – 3,26). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các nghiên cứu trên thế giới.

Năm 1997, Goh, C.L. và cs nghiên cứu trên 33 bệnh nhân VDCĐ ở Singapore cho thấy tỉ lệ phát hiện TCV trên thương tổn là 89%, vùng da lành

của bệnh nhân VDCĐ là 42%, vùng quanh lỗ mũi ngoài của bệnh nhân VDCĐ là 55%, cao hơn so với vùng da lành của nhóm chứng là 5%, vùng quanh lỗ mũi ngoài của nhóm chứng là 35%. Năm 1998, kết quả nghiên cứu của Abeck, D. và cs cũng cho kết quả tương tự, tỉ lệ phát hiện TCV trên thương tổn là 90%, vùng da lành của bệnh nhân VDCĐ là 45%, vùng quanh lỗ mũi ngoài của bệnh nhân VDCĐ là 71%. Năm 1999, Higaki, S. và cs nghiên cứu so sánh tỉ lệ phát hiện TCV trên 21 bệnh nhân VDCĐ so với 12 người khỏe mạnh làm nhóm chứng, tỉ lệ phát hiện TCV trên thương tổn là 85,7%, trên da của nhóm chứng là 25%. Năm 2002, Breuer, K. và cs nghiên cứu 66 bệnh nhân VDCĐ, tỉ lệ TCV (+) trên thương tổn là 94% và trên lổ mũi ngoài của bệnh nhân VDCĐ là 77,3%.

Từ những kết quả trên chúng ta thấy rằng tỉ lệ phát hiện TCV trên thương tổn bệnh nhân VDCĐ cao hơn có ý nghĩa so với trên da của người khỏe mạnh.

Cơ chế chính xác của sự tăng tỉ lệ và số lượng của TCV trên da bệnh nhân VDCĐ vẫn chưa được biết rõ, có thể là sự kết hợp của nhiều cơ chế sau : Suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ của da, giảm sản xuất các peptids kháng khuẩn trên da như beta defensins, LL-37 bởi tế bào sừng, giảm các đáp ứng miễn dịch kháng khuẩn của da, thay đổi pH, có tính chất kiềm hơn da bình thường, giảm lipid trên bề mặt da dẫn tới tăng mất nước qua da làm cho da khô và dễ bị tổn thương khi cào gãi là yếu tố thuận lợi cho TCV kết dính và phát triển trên da bệnh nhân VDCĐ.

Chúng tôi tìm sự liên hệ giữa tỉ lệ phát hiện TCV với độ nặng của bệnh (bảng 3.14). Tỉ lệ phát hiện TCV ở các nhóm bệnh nhân nặng, trung bình, nhẹ lần lượt là 97,22%; 78,95%; 68,57%. Dùng bảng thống kê 2 x 2 ghép cặp, chúng tôi thấy rằng tỉ lệ phát hiện TCV ở nhóm bệnh nhân nặng cao hơn ở nhóm bệnh nhân trung bình chưa có ý nghĩa thống kê với p = 0,01, RR =

5,69; KTC 95% (0,85 – 38,00), tuy nhiên cao hơn ở nhóm bệnh nhân nhẹ có ý nghĩa thống kê với p = 0,001, RR = 7,12 KTC 95% (1,08 – 47,04). Theo Goh, C.L. và cs nghiên cứu trên 33 bệnh nhân VDCĐ ở Singapore, tỉ lệ phát hiện TCV ở bệnh nhân nhẹ là 53%, ở bệnh nhân trung bình, nặng là 100%. Kết quả nghiên cứu của Abeck, D. và cs cũng kết luận rằng tỉ lệ phát hiện TCV trên bệnh nhân VDCĐ ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh.

Sự liên hệ giữa tỉ lệ phát hiện TCV với giai đoạn của bệnh (bảng 3.15). Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ phát hiện TCV trên bệnh nhân VDCĐ các giai đoạn cấp, bán cấp và mạn tính lần lượt là 92,31%; 84,78%; 60,87%. Dùng bảng thống kê 2 x 2 ghép cặp cho thấy tỉ lệ TCV (+) ở giai đoạn bán cấp cao hơn ở giai đoạn mạn tính chưa có ý nghĩa thống kê với p = 0,02, RR = 1,39 KTC 95% (0,99 – 1,95), nhưng tỉ lệ TCV (+) ở giai đoạn cấp + bán cấp cao hơn ở giai đoạn mạn tính có ý nghĩa thống kê với p = 0,015, RR = 1,38 KTC 95% (1,006 – 1,90). Chúng tôi chưa tìm thấy trên y văn có nghiên cứu nào tìm hiểu sự liên hệ giữa tỉ lệ phát hiện TCV và các giai đoạn của bệnh nên không so sánh được với các tác giả khác. Tỉ lệ phát hiện TCV ở giai đoạn cấp và bán cấp cao hơn giai đoạn mạn tính có ý nghĩa thống kê có thể do giai đoạn này thương tổn cơ bản chảy nước nhiều, phù nề nhiều, da đỏ và ngứa nhiều là điều kiện thuận lợi cho TCV kết dính, tăng sinh và gây bệnh. Còn giai đoạn mạn tính thương tổn cơ bản là các sẩn, các mảng da dày lichen hóa, thâm nhiễm, da khô nên tỉ lệ phát hiện TCV thấp hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân VDCĐ giai đoạn mạn tính tỉ lệ phát hiện TCV cũng có tới 60,87%. Vì vậy, trong thực hành lâm sàng khi chúng ta gặp bệnh nhân VDCĐ mạn tính chúng ta cũng phải chú ý đến vấn đề nhiễm TCV và trong một số trường hợp vẫn nên sử dụng kháng sinh để điều trị.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu siêu kháng nguyên của tụ cầu vàng và hiệu quả điều trị VDCĐ bằng kháng sinh cefuroxim (Trang 108 - 110)