I Môi trường tự nhiên
B. Giai đoạn chăm sóc và khai thác
4.1.3.1. Biện pháp chống xói mòn
Các biện pháp chống xói mòn trong quá trình khai hoang trồng rừng, Công ty sẽ thực hiện các biện pháp chung theo quy trình kỹ thuật của Cục Lâm nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để làm tăng hiệu quả chống xói mòn, cần tăng cường các giải pháp sau:
a. Biện pháp làm đất và cải tạo đất
Chuẩn bị đất trước khi trồng rừng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế xói mòn và dòng chảy. Cày phải được tiến hành thật chính xác theo đường đồng mức, phải đều và sâu.
- Cày sâu theo đường đồng mức: đây là một biện pháp rất quan trọng nhằm tạo ra nhiều rãnh nhỏ nằm ngang mặt dốc, mỗi luống cày có tác dụng như một bờ ngăn nước, làm cho nước mưa được giữ lại nhiều. Mặt khác đất cày sâu độ xốp sẽ tăng nên khả năng thấm và giữ nước của đất cũng được nâng cao, do đó hạn chế được dòng chảy. Tuy nhiên, ở những nơi có độ dốc cao, lượng mưa lớn, đất chặt khó thấm nước thì hiệu quả của biện pháp này không lớn, cần phải kết hợp với các biện pháp khác.
- Làm luống theo đường đồng mức: Trên cơ sở cày sâu trên đường đồng mức, làm luống trên đường đồng mức có tác dụng chống xói mòn và dòng chảy rất lớn, còn tăng sản lượng cây trồng rõ rệt, nhất là những loại cây trồng phải qua mùa mưa. Theo quan trắc của nhiều trạm nghiên cứu chống xói mòn ở Trung Quốc thì làm luống theo đường đồng mức có thể giảm được lưu lượng dòng chảy 60-90%, giảm lượng bào mòn mặt đất tới 80-95%, sản lượng tăng 8-33% so với đất sản xuất không làm luống.
Tính ưu việt của làm luống ngang dốc là cải tạo địa hình, diện tích hứng mưa của mặt đất tăng lên, lượng mưa trên đơn vị diện tích giảm; mỗi luống có tác dụng như một bờ chắn nước cắt ngang dòng chảy, lượng nước không thấm kịp sẽ được dồn xuống giữ ở khoảng giữa 2 luống rồi tiếp tục thấm vào đất, mặt khác do làm luống đất tơi xốp cũng tăng khả năng thấm nước. Vì những lý do đó mà giảm được lưu lượng dòng chảy, giảm đươc xói mòn, giữ cho chất dinh dưỡng khỏi bị tổn thất. Ngoài ra do làm luống vét rãnh nên độ sâu tầng canh tác tăng lên, đất trên luống chống ải, chống thực hóa, lượng phân bón cũng tập trung ở luống nên đất nhanh chóng được cải tạo.
- Tăng cường bón phân và che phủ đất: Bón phân cho đất, nhất là phân hữu cơ, làm cho lý hóa tính của đất được cải thiện. Bón nhiều phân hữu cơ không những có tác dụng nâng cao năng suất cây trồng, mà còn có tác dụng nâng cao sức đề kháng, xói mòn của đất nên có tác dụng tích cực chống xói mòn.
b. Áp dụng kỹ thuật trồng cây trên đất dốc
- Trồng theo hàng trên đường đồng mức: đây là biện pháp có tác dụng ngăn cản và giảm nhẹ tốc độ dòng chảy, tăng lượng nước thấm xuống đất, do đó giảm được lượng đất bị cuốn trôi, tăng sản lượng cây trồng. Hiện nay, biện pháp này tương đối phổ biến ở nước ta và là một trong những biện pháp then chốt canh tác trên đất dốc.
- Mô hình nông, lâm kết hợp: Đây là tên gọi của các hệ thống sử dụng đất mà trong đó việc gieo trồng và quản lý có suy nghĩ và khôn khéo những cây trồng lâu năm trong sự phối hợp hài hoà, hợp lý, theo thời gian và không gian để tạo ra hệ thống bền vững về mặt tài nguyên - sinh thái; kinh tế - xã hội và môi trường. Như vậy, nông, lâm kết hợp là một phương thức tiếp cận để sử dụng đất bền vững. Nó rất phù hợp với việc quản lý đất đai vùng đồi núi, vốn có nhiều các yếu tố giới hạn cho canh tác.