“Văn học là nhân học” (M. Gorki). Con người là đối tượng trung tâm đồng thời là cứu cánh của văn học. Do đó giá trị đích thực của văn học là ở chỗ nó đã thấu hiểu, cảm nhận và chiếm lĩnh con người sâu sắc đến mức độ nào. Chính vì vậy, quan niệm nghệ thuật về con người được xem là trung tâm của văn học. Và trong văn học, con người hiện lên một cách cụ thể, sinh động với tất cả các mối quan hệ của nó. Cũng chính con người với những cảm xúc, tình cảm đã tạo nên sự kì diệu cho cuộc sống. Người nghệ sỹ trong quá trình
sáng tạo của mình luôn vươn tới cái đẹp, cái hoàn mĩ. Những tác phẩm nghệ thuật chân chính luôn hướng con người trong cõi nhân gian.
Quan niệm về con người trong văn chương có sự thay đổi qua các thời kì phát triển của lịch sử văn học, đồng thời cũng có nét riêng ở mỗi tác giả. Hiện đại hoá văn học bao hàm sự đổi mới trên mọi phương diện: cảm hứng, đề tài, nội dung tư tưởng, phương pháp sáng tác, quan niệm sáng tác và có cả quan niệm về con người.
Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là sản phẩm của văn hóa tư tưởng. “Quan niệm con người là hình thức đặc thù nhất cho sự phản ánh nghệ thuật, trong đó thể hiện sự tác động qua lại của nghệ thuật với các hình thái ý thức xã hội khác”. Thời trung đại phương Tây, người ta xem con người là sản phẩm sáng tạo của Chúa Trời; từ thời Phục Hưng đến Khai Sáng thì con người được xem là sản phẩm của tự nhiên; từ thế kỷ XIX thì xem con người là sản phẩm vừa của tự nhiên, vừa của xã hội.
Quan niệm con người chính là sự khám phá về con người. Nó phản ánh cấu trúc của nhân cách con người và các hình thức phức tạp tương ứng trong quan hệ con người đối với thế giới.
Quan niệm nghệ thuật về con người tất nhiên cũng mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn nghệ sĩ. Đây là điều đã được phổ biến công nhận
Quan niệm con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật. Sự vận động của thực tế làm nảy sinh những con người mới, và miêu tả những con người ấy sẽ làm văn học đổi mới. Nhưng còn một khía cạnh khác là đổi mới cách giải thích và cảm nhận con người cũng làm cho văn học thay đổi căn bản. Trong lịch sử văn học sử dụng lại các đề tài, cốt truyện, nhân vật truyền thống là rất phổ
biến. Vẫn là con người đã biết, nhưng hôm qua được nhìn ở một góc độ, hôm nay nhìn sang góc độ mới cũng tạo thành sáng tác văn học mới.
Quan niệm nghệ thuật về con người không phải bất cứ cách cắt nghĩa, lý giải nào về con người, mà là cách cắt nghĩa có tính phổ quát, tột cùng mang ý vị triết học, nó thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả về con người. Quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu của nó, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn vốn có của văn học. Nghệ sĩ là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu về con người, do đó càng khám phá nhiều quan niệm nghệ thuật về con người thì càng đi sâu vào thực chất sáng tạo của họ, càng đánh giá đúng thành tựu của họ.
2.1.2. Về khái niệm tư tưởng nghệ thuật
Tư tưởng nghệ thuật là một hình thái nhận thức đắc thù của người nghệ sĩ : nhận thức bằng ‘‘toàn bộ con người tinh thần với tất cả nội dung phong phú và tính toàn vẹn tổng thể của nó’’. Hình thái ý thức đặc thù này đòi hỏi người nghệ sĩ phải huy động toàn bộ mọi năng lực tinh thần của mình mà nội dung chính bao gồm lí trí và tình cảm cảm xúc kết hợp hài hòa với nhau giống như xương cốt với máu thịt, như thể xác với linh hồn con người. Hình thái nhận thức này thấm nhuần lí tưởng thẩm mĩ của người nghệ sĩ. Vì thế có thể gọi là hình thái tư duy - tình cảm thẩm mĩ của người cầm bút.
Trước tiên cần hiểu rằng tư tưởng là khái niệm chỉ hoạt động tinh thần. Theo nghĩa này nó đồng nghĩa với tư duy. Vì thế tư tưởng nghệ thuật là một ‘‘hình thái nhận thức’’, nó đồng nghĩa với tư duy nghệ thuật. Thứ nữa, tư tưởng là kết quả của hoạt động tư duy. Theo nghĩa này, tư tưởng nghệ thuật là sản phẩm của tư duy nghệ thuật.
Tư tưởng nghệ thuật là sản phẩm của tư duy nghệ thuật, nó vừa giống vừa khác với tư duy khoa học. Nếu như tư duy khoa học mang tính khách quan, lí trí đơn thuần. Và thao tác của nó là trừu tượng hóa. Kết quả cuối cùng là khái niệm trừu tượng. Còn tư duy nghệ thuật là một trạng thái tinh thần đặc thù, trong đó cả lí trí và tình cảm đều vận hành cùng một nhịp với nhau và chuyển hóa lẫn nhau. Thao tác căn bản của nó là hình tượng hóa. Kết quả cuối cùng là hình tượng nghệ thuật sống động súc tích. Cho nên tư tưởng nghệ thuật không bao giờ tồn tại bên ngoài hình tương, nó là cái thuộc nội giới của hình tương nghệ thuật.