Khác với văn xuôi, thơ ca chỉ dùng một lượng hữu hạn các đơn vị ngôn ngữ để biểu hiện cái vô hạn của cuộc sống bao gồm các sự kiện tự nhiên và xã hội cũng như những điều thầm kín trong tâm linh con người (Hữu Đạt). Do vậy, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ biểu hiện tập trung nhất tính hàm súc. Thơ là thể loại “ý tại ngôn ngoại”. Việc kiệm lời, kiệm chữ là một yêu cầu tối quan trọng đối với nhà thơ. “Thơ cốt ở ý, ý cốt sâu xa thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì phải nói ra bằng lời thì mới là thơ có giá trị. Ý hết mà lời dừng là cái lời hết mực song lời dừng mà ý chưa hết thì lại càng hay tuyệt” (Hải Thượng Lãn Ông). Hàm súc và giàu sức biểu hiện, ngôn ngữ thơ ca cô
đúc, chặt chẽ với số từ rất hạn định nhưng năng lực biểu hiện lại rất lớn. Vấn đề đặt ra với mỗi nhà thơ là phải chọn một cách nói tốt nhất đến mức đô người ta cảm thấy không thể khác được.
Thơ hay bao giờ cũng là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa âm thanh và ý nghĩa, hình ảnh. Chữ và nghĩa trong ngôn ngữ thi ca hòa quyện với nhau như hình với bóng, như xác với hồn nên việc tách rời chúng ra khỏi nhau sẽ làm tổn hại đến bình diện ngôn ngữ và thẫm mỹ của câu thơ. Thơ không phải là một mớ lý thuyết mà là một thực thể ngôn ngữ,. Và thơ ca ám ảnh người đọc phải chăng cũng vì vẻ đẹp toát ra từ “thực thể ngôn ngữ” ấy. Vũ trụ tâm hồn thi nhân có hòa điệu với tâm hồn người đọc không, có “tri âm” với người tiếp nhận hay không, tất cả phải thông qua chiếc cầu ngôn ngữ, nói như Bùi Giáng “thi ca vẫn có sức đưa dẫn người ta vào giữa huyền nhiệm của cuộc sống. Ngôn ngữ thơ bao giờ cũng là hóa công của người nghệ sĩ. Mỗi chữ trong thơ đều là sự vang vọng từ tâm hồn thi nhân. Vì “Thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng. Làm văn xuôi, chữ không có sức mạnh ma quái như vậy (…) thi nhân là một thần linh nói một thứ chữ riêng mà thế nhân phải diễn tả dài dòng thô lậu” (Nguyên Sa).
Trong các bài thơ của Văn Cao, nhất là những bài thơ ngắn, tính chất cô đọng hàm súc thể hiện rất rõ. Mỗi câu thơ được viết ra như một sự dồn nén cảm xúc mãnh liệt, khi lặng lẽ thâm trầm, khi cồn cào da diết, khi đối diện với chính mình khi thì đối thoại với cõi nhân sinh hư ảo. Những bài thơ ngắn, những câu thơ co duỗi tạo nên một sức căng bên trong rất đặc biệt, nhất là những bài thơ viết trong sự cô đơn thầm lặng, viết trong sự chiêm nghiệm về cõi nhân sinh .Những bài thơ ngắn như Quên, Chọn, Cạn, Về một người bạn,
Cánh cửa, Có lúc, Thức dậy, Không đề, Bó hoa, Thời gian, Trôi, ...đã tạo được
dư ba trong lòng người đọc bởi những ẩn ý và một lượng thông tin triết mĩ phong phú.