Thơ phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Như nhịp đập của trái tim khi xúc động, ngôn ngữ thơ có nhịp điệu riêng của nó. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy. Có thể xem tính nhạc là nét đặc thù rất cơ bản của ngôn ngữ thơ, một phương diện để nhận diện sắc thái thơ. “Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi” (Bằng Giang). Bởi nhạc tính như một nét duyên thầm làm nên vẻ đẹp
của thơ, cũng là một yếu tố tạo mỹ cảm cho người đọc. “Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên” (Tam Ích). Và “Thơ là sự phối hợp của âm thanh”. Thơ bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. Nếu “rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” (Chế Lan Viên). Rõ ràng, nhạc tính là tiếng nói linh diệu của thi ca, gợi thức trí tưởng tượng của người đọc, nói như La Fontaine “Chẳng có thơ nào không có nhạc”. Hơn bất cứ ngôn ngữ ở thể loại nào khác, ngôn ngữ thơ với tính cách là một thứ ngôn ngữ giàu nhịp điệu, phong phú về cách hòa âm, tiết tấu, giàu từ láy âm, tượng hình, chính là thứ ngôn ngữ giàu tính nhạc. Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ nhiều yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần, phối thanh…
Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài. Người ta biết đến Văn Cao không chỉ có thơ, mà còn có nhạc, hoạ, ... Thành công nổi bật của Văn Cao chưa hẳn là thơ nhưng chính thơ lại góp phần phát lộ tính chất đa tài của Văn Cao. Và cũng chính thơ đã cho thấy sự nhất quán trong tư tưởng nghệ thuật của ông. Đó là tư tưởng của một nghệ sĩ luôn phóng chiếu sự sáng tạo của mình trên đôi cánh của chủ nghĩa siêu thực và hiện thực.
Chất thơ trong nhạc với những tình khúc bất tử như Buồn hu, Bến
xuân, Trương Chi, Suối mơ, Thiên Thai... Nhiều lời trong các bài nhạc của ông
cũng đầy chất thơ mà mỗi khi hát lên luôn tạo cho ta cảm giác nao lòng như đang trôi trong cõi phiêu bồng vô định của cuộc đời. Có thể nói chất thơ trong nhạc và chất nhạc trong thơ trong sáng tác của Văn Cao hòa quyện xuyên thấm vào nhau.
Thiên Thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian ... Thiên thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
(Thiên Thai)
Suối mơ, bên rừng thu vắng
Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thuỳ dương
(Suối mơ)
Lamartine cho rằng: "Những tiếng hát hay nhất là những tiếng nấc". Quả thật, nhạc Văn Cao là những tiếng nấc của sự thổn thức, của những khát vọng yêu thương nồng cháy đối với cuộc sống và con người. Chính vì vậy cùng với nhạc, hoạ, thơ Văn Cao đã góp phần hoàn thiện thế giới nghệ thuật và chân dung tinh thần của mình, một nghệ sĩ đa tài mà thiên năng của ông đã làm rạng rỡ nền nghệ thuật dân tộc. Bởi nói như Tạ Tỵ "Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ" [31; 187]. Âu đó cũng là cái duyên kì ngộ giữa thơ và nhạc vậy. Tìm đến với thơ Văn Cao là tìm đến một giòng sông dịu êm, yên bình, tự tại của một thế giới nội tâm phong phú và tinh tế. Vì một lẽ “ Văn Cao là một nghệ sĩ trên nghệ sĩ. Một mình ôm mấy vùng ánh sáng”[31; 193].