Trong các phần viết trên, chúng tôi đã đề cập tới bài viết Mấy ý nghĩ về
thơ của Văn Cao. Đây là bài viết thể hiện quan niệm lý thuyết của Văn Cao về
nghệ thuật, với sự nhấn mạnh vào sự sáng tạo, tính tư tưởng, sức gợi của thơ cũng như trách nhiệm của thi nhân đối với cuộc đời, đối với tương lai. Toàn bộ quan niệm này đã được Văn Cao quán triệt trong hành động làm thơ của mình.
Nói về khát vọng sáng tạo, Văn Cao có nhiều điểm tương đồng với Trần Dần – nhà cách tân số một của thơ Việt Nam trong thế kỷ XX. Đối với Văn Cao, sáng tạo là lẽ sống còn của nhà thơ: “Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường. Bởi vì những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của Nghệ thuật”. Tất nhiên, không thể lấy số lượng thơ đã viết để mà đo mức độ sáng tạo của Văn Cao, vì ông viết khá ít. Nhưng những cái gì ông viết ra đều mang đậm dấu ấn của ông, nó mở ra những kênh giao tiếp mới, nó không hướng vào việc chiều nịnh số
đông, không hoà giọng vào dàn đồng ca đang đắc thắng một thời. Tất nhiên, để sáng tạo, người ta cần làm việc trong cô đơn, nhẫn nại. Thơ Văn Cao về cơ bản không cao giọng mà thiên về trầm ngâm ngẫm ngợi, và bối cảnh thích hợp cho việc này là đêm, là thế ngồi một mình. Trong tập thơ Lá có nhiều bài mang tiêu đề có chữ đêm: Đêm mưa, Đêm ngàn, Một đêm Hà Nội, Đêm
quán... Tìm thêm ở các tập thơ khác, ta bắt gặp Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Đêm phá Tam Giang... Đó là mới chỉ nói đến tiêu đề, còn căn cứ vào
“nội dung”, ta còn thấy ông nói về đêm nhiều hơn nữa. Cũng có lúc, không gian đêm gợi ông nghĩ đến những người mở lối thầm lặng:
Người đi đâu về đâu Nhìn chòm sao bắc đẩu Những người lạc rừng sâu Tìm về theo giọng suối Ánh lửa và cây cối
Che chở những con người Chỉ từ những đường mòn Rừng mở ra vạn lối
(Đường rừng)
Quan niệm, tư tưởng riêng về nghệ thuật của Văn Cao được thể hiện hết sức rõ nét qua các bài thơ viết về những người bạn nghệ sĩ như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tuân, những người bạn da đen... Ở bài Phố Phái, dường như Văn Cao muốn nói rằng nghệ thuật không phải chỉ hướng tới những cái cụ thể thấy trước mắt. Nó phải biết hướng tới những cái mang ý nghĩa vĩnh cửu. Phố của Bùi Xuân Phái chỉ có một loạt cái không: Không
người ở/ Không số nhà/ Không tên phố/... nhưng chính nó lại làm nên tên tuổi
của nhà hoạ sĩ, bởi hoạ sĩ là người sáng tạo chứ không phải là người ghi chép mang tính nô lệ của cuộc đời:
Không người ở Không số nhà Không tên phố Một mình Phố trắng Một góc phố tồn tại Vĩnh viễn Từ con mắt không ngủ Từ bàn tay không nghỉ Anh vẽ Phố Phái
Đến lúc nào phố anh có người thêm?
Câu thơ cuối được bật thốt ra như một lời nói đùa, nhưng ý nghĩa của nó thì rất thâm trầm: nếu anh vẽ thêm người vào theo cái thấy đầy tính lừa mị, chắc gì phố của anh đã gây được ám ảnh dường ấy!
Khi trò chuyện với người bạn quá cố là Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao nêu triết lý về sự sống và cái chết và qua đó nói lên sự bất tử của nghệ thuật, nếu nghệ thuật được sáng tạo ra bằng tài năng và tâm huyết với cuộc đời. Trước cái chết, ai mà chẳng có những xao động:
Bức tường vẫn lê từng bước một Cho đến khi tất cả kêu lên
Họ sợ hãi bức tường kia tiến lại
Chúng ta đều sợ một cái gì nhanh quá Chúng ta muốn kéo dài tất cả
Kéo một giây thành một tháng, một năm...
Nhưng khác với người đời, sự sợ hãi trước cái chết chỉ thôi thúc người nghệ sĩ dấn thân sáng tạo. Họ biết cái chết không thắng được tiếng nói của nghệ thuật, của thi ca:
Tôi vẫn thấy sau chén trà nhỏ Một khoảng trống thẳm sâu Không phải cái chết của nhân vật Trong tiểu thuyết
Không phải cái chết của một cuộc thí nghiệm Không phải cái chết của một trận đánh thí quân Cái chết của anh cái chết một nhà văn
Không bao giờ là cái chết.
(Với Nguyễn Huy Tưởng)
Bài thơ Anh có nghe thấy không với lời đề Gửi một nhà thơ là tác phẩm thể hiện sự can đảm của Văn Cao khi đòi thơ phải nói lên tiếng nói của sự thật. Tất nhiên, nó không chỉ có tác dụng cảnh báo người ngoài mà còn có tác dụng tự răn. Văn Cao đã dị ứng biết bao với thứ thơ:
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy
Ông cũng tỏ ra kinh sợ cái môi trường giết chết sáng tạo:
Chung quanh còn những người khôn ngoan Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng Những con mèo ngủ yên trên ghế Trong một cuộc dọn nhà
Những con sên chưa dám ló đầu ra Những dây leo càng ngày càng tốt lá.
Vào cuộc đấu tranh mới Để mở tung cánh cửa sổ Mở tung cả cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt Những con người thật của chúng ta.