Theo Từ điển tiếng Việt thì Trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định, còn Triết lý là lý luận chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội. Một bên chỉ khả năng lý tính để nhận thức đối tượng; một bên chỉ quan niệm và sự đánh giá đối tượng bằng lý tính. Sự triết lý sâu sắc và cao viễn đến đâu phải nhờ đến trí tuệ, sự thông thái của từng cá nhân. Như vậy, hai thuật ngữ này khi đứng trong nhóm từ thơ trí tuệ, thơ triết lý thì chúng gần nghĩa nhau, có thể gọi cách nào cũng được. Nhưng một nhà thơ dù có trí tuệ và triết lý đến đâu thì họ cũng phải ưu tiên cho chất trữ tình - đặc trưng cơ bản của thơ - nhiều hơn. Cho nên triết lý, trí tuệ ở đây nên hiểu là tính chất trí tuệ, tính chất triết lý mà nhà thơ ưu tiên thể hiện bên cạnh những tính chất khác. Căn cứ định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, chúng tôi chọn cách gọi tính triết lý, thiết nghĩ dễ chấp nhận hơn. Nhà thơ nào cũng bằng vốn trí thức và văn hóa chung của mình để miêu tả, bình luận và đánh giá cuộc sống theo quan niệm riêng và đạt đến trình độ siêu phóng, mới mẻ nào đó, với giọng điệu riêng, hấp dẫn thì mới gọi là có tính triết lý. Hơn nữa, nhiều người vẫn cho rằng tính triết lý thể hiện đậm đặc cả trong thơ trữ tình lẫn trong thơ trí tuệ; còn tính trí tuệ thì thể hiện trong thơ chính luận nhiều hơn thơ trữ tình. Dùng trí tuệ để triết lý và triết lý đạt tầm trí tuệ đến đâu là hai quá trình khác nhau. Với ý nghĩa ấy, chúng tôi thống nhất dùng tên gọi tính triết lý mà vẫn không hề đối lập với những gì thuộc về trí tuệ, tính trí tuệ. Thi ca là một loại hình nghệ thuật ngôn từ đặc biệt. Nó là điển hình của cảm xúc và tâm trạng được chứa đựng bởi một hình thức - “hình thức mang tính quan niệm” cũng rất đặc biệt. Sự “quái đản” trong sử dụng ngôn từ; sự chuyển nghĩa, tạo sinh nghĩa trong việc sử dụng các biện pháp tu từ; sự trừu tượng hoá, khái quát hoá các trạng thái tình cảm, hiện thực và khát vọng sống của con người; sự hữu hình hoá hoặc vô hình hoá các cảm xúc, đối tượng đã
làm cho thi ca có sức quyến rũ bội phần so với các thể loại nghệ thuật ngôn từ khác.
Triết lí trong thơ Văn Cao ẩn sâu vào ngôn từ, có ở nhiều cấp độ nghệ thuật, trong câu chữ, hình ảnh , đoạn thơ, bài thơ. Điều này ta có thể bắt gặp rất nhiều trong thơ ca nhân loại. Song, ông đã vượt qua chính mình. Đặc biệt là những bài thơ viết trong cảnh cô đơn thầm lăng, những bài thơ đối thoại với chính mình và suy nghiệm trước cuộc đời. Đặc biệt những bài thơ thơ viết khi tuổi già trong những năm cuối đời, việc sáng tạo đối tượng trữ tình đến lập tứ và cả cách đặt tên cho các bài thơ đều hàm chứa chất triết lí sâu sắc. Có những bài thơ bé nhỏ, yên ả đến đến vô thường, người hời hợt dễ bỏ qua:
Con thuyền đi qua/ để lại sóng/ Đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ Đoàn người đi qua để lại bóng/ Tôi không đi qua tôi/ để lại gì? (Không đề). Đọc qua bài thơ
thì thấy cũng chẳng có gì để mà nói. Như ý nghĩa sâu xa của bài thơ vậy thôi: Từ con thuyền, đoàn tàu, đoàn người đều ít nhiều để lại dấu vết xác định của mình. Riêng “tôi không đi qua”, và tôi càng “không đi qua tôi”, vậy thì tôi có gì để lại? “Đi qua”, nghĩa là đi hời hợt, bề ngoài và như vậy thì những gì anh để lại cũng là hư ảnh, bèo bọt, dễ tan. Và nhà thơ là người không chịu “đi
qua”, mà là phải sống kỹ, sống nhuyễn; sống kỹ với xung quanh và sống kỹ
với chính mình. Sống siêng năng và trách nhiệm, sống với mình, với người, cho mình, cho người và sống nghiệm sinh trong từng khoảng khắc của riêng mình… Hơn nữa, khi tôi không chịu “đi qua tôi”, tức là tôi không chịu biến mình thành kẻ khác. Nếu chấp nhận đi qua chính mình là chấp nhận đánh mất mình. Vì thế, phải luôn sống là mình, biến nó thành một bản lĩnh, một nguyên tắc sống. “Tôi không đi qua” là một sự tự nghiệm đau đớn và kiêu hãnh. Chính vì kiên định trong lối sống kiêu hãnh như thế, nên mỗi sáng tạo của nghệ sĩ Văn Cao là một bảo đảm đầy sức thuyết phục và rất nhiều ý nghĩa đối với con người …
Trong bài thơ Đêm ngàn của Văn Cao viết năm 1941, có mấy câu thơ thật ấn tượng mà mỗi lần đọc lên ta có cảm giác mọi thứ quanh mình đều chông chênh, chao đảo, huyễn hoặc
Sương buông chừng núi vấn vương Tiếng chim lạ cất tiêu thương buồn trời Cái gì cũng thấy chơi vơi...
(Đêm ngàn)
"Cái gì cũng thấy chơi vơi". Phải chăng, đó là cảm giác bồng bềnh của tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao mà nếu đối sánh với khí hậu của thơ ca lãng mạn đương thời, ta thấy đây là một giọng thơ mang âm hưởng lạ.
Cái cảm giác "chơi vơi" nầy như một dự báo về thân phận của thi nhân. Và đó là căn tính tạo nên tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao. Một tâm thức với cái nhìn vô định về cuộc đời như chiếc thuyền bềnh bồng trôi dạt: Khuya
rồi ốc rục trong làng / Thuyền ai vơ vẩn trôi sang bên nầy ( Đêm mưa).
Đó là cảm giác trôi trong nỗi lo sợ trước cuộc sống đầy bất an đã trở
thành nỗi ám ảnh trong tâm thức thi nhân. Nên: Có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được.
(Có lúc)
Giữa thời buổi của cuộc sống kinh tế thị trường đầy phồn tạp, giữa thời buổi bức tranh thơ ca có phần ảm đạm, tiếng thơ của Văn Cao là đốm lửa giúp ta ấm lòng. Dù chỉ là một đốm lửa như trái tim Đan -kô giữa thảo nguyên bao la, giữa hoang mạc cuộc đời, cũng đủ thắp lên những niềm tin hi vọng ở thế gian. Và những ưu tư về thời thế, những triết lí về lẽ đời của ông đem đến cho người đọc những bài học nhận thức đầy ý nghĩa. Bằng những nghiệm
sinh trên đôi cánh của thơ ca, ông đã góp thêm cho nền thơ dân tộc một tiếng nói lạ trong cõi nhân sinh.
KẾT LUẬN
1. Văn Cao là một nghệ sĩ tài hoa đã có nhiều đóng góp cho văn hoá dân tộc. Người đời đã từng đắm đuối với nhiều ca khúc bất hủ của ông, đã từng thích thú với những bức tranh vẽ theo phong cách modern hay vô số bức minh hoạ tinh tế, hàm súc mà ông thực hiện cho các báo, đặc biệt là báo Văn nghệ. Nhưng có lẽ vẫn chưa có nhiều người biết ông là một nhà thơ đặc sắc.
Điều này có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là bối cảnh lịch sử - văn hoá một thời chưa tạo cho thơ ông có nhiều điều kiện đến với công chúng. Vả lại, thơ ông dường như đi bên lề của dòng thơ chính thống… Tuy nhiên, thời gian đã giúp các giá trị hiện lên với đúng chất, đúng tầm vóc của nó. Thơ thứ thiệt thì không bao giờ bị lãng quên, mà thơ Văn Cao thì đúng là
một thứ thơ tinh chất. Đây là điều mà nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình có uy tín đã khẳng định.
2. Văn Cao bắt đầu sáng tác thơ trong bối cảnh nền thơ Việt Nam đang có những động thái muốn hiện đại hoá nhanh hơn nữa, vượt qua những thành tựu của Thơ mới, khi Thơ mới đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy viết không nhiều nhưng Văn Cao đáng được xem là một nhà thơ cách tân, đứng cùng đội ngũ với những nhà cách tân thơ khẳng định được tên tuổi của mình vào đúng những ngày phong trào cách mạng đang dâng cao, đưa đất nước ta từ trong bóng đêm nô lệ ra với ánh sáng của tự do, độc lập. Tuy nhiên, do những éo le của cuộc đời cũng như do tính chất của một cuộc sống bị bao phủ bởi bóng đen của chiến tranh, Văn Cao không có nhiều cơ hội để dấn tới trong cuộc cách tân đòi hỏi rất nhiều sự cam đảm. Quả đây là một thiệt thòi lớn cho thơ. Nhưng bằng vào những gì đã viết ra, Văn Cao đã chứng minh được một điều: ý chí đổi mới thơ không bao giờ tắt trong lòng những nhà thơ chân chính. Đọc thơ Văn Cao, người đọc có cảm giác vừa phục vừa tiếc là vì vậy.
3. Đã là một nhà thơ có trách nhiệm với ngòi bút, với nghệ thuật, người ta không thể không có những quan niệm riêng, tư tưởng riêng về đời sống, về con người, về công việc sáng tạo. Trường hợp Văn Cao cũng không phải là ngoại lệ. Qua mấy chục bài thơ làm trong nhiều giai đoạn của một cuộc đời nhiều thăng trầm, u uẩn, Văn Cao đã có những suy nghĩ rất độc đáo về cách mạng, về tự do, về tương quan đối lập giữa các bảng giá trị trong cuộc sống. Chính quan niệm ấy đã giúp ông kiên trì theo đuổi một lối thơ tinh chất, không chiều theo đám đông, không chấp nhận sự ăn xổi. Ông sáng tạo trong cô độc và chính từ hoàn cảnh cô độc, những giá trị đích thực đã lộ diện, còn mãi với thời gian. Không có gì khó hiểu khi trong thơ của một nghệ sĩ đa tài, ta vừa thấy có chất hoạ, chất nhạc. Thơ của ông có khi hoành tráng như một
bản nhạc hùng hay một bức sơn dầu cỡ lớn (Những người trên cửa biển), có khi lại dung dị, đơn sơ như một dạ khúc hay bức tĩnh vật có gam màu trầm tối. Nổi bật lên trong thơ ông là chất triết lý, là sự cô đọng. Triết lý thì cần cô đọng và cô đọng chính là cái nền để triết lý. Chất triết lý trong thơ ông đến một cách tự nhiên, bởi ông đã sống đến tận cùng bản chất thật của mình, từ chối làm những “trái đầu mùa” cao giá được thiên hạ hong hóng chờ đợi. Nói chung, thơ ông đã làm sáng tỏ những quy luật riêng của giá trị, nó cho thấy cái thời thượng, cái được đám đông tung hô không phải bao giờ cũng là cái sẽ còn tồn tại được với thời gian.
4. Cho đến hiện nay, số công trình nghiên cứu về thơ Văn Cao chưa nhiều. Luận văn của chúng tôi cũng mới chỉ đưa ra những hình dung ban đầu về một nguồn thơ đáng quý. Hy vọng trong thời gian tới, thơ Văn Cao sẽ được tiếp cận sâu hơn, xứng đáng với chân giá trị của nó.