D. TRƯỜNG PHÁI DUY TÂM BẤT KHẢ TRI 1 Giócgiơ Béccơly
F. TRIẾT HỌC CỔ ĐIỂN ĐỨC
Triết học cổ điển Đức đã tiếp tục phát huy truyền thống duy lý của Phương Tây, khôi phục lại quan niệm coi triết học là khoa học của mọi khoa học. Các triết gia ra sức xây dựng các hệ thống triết học vạn năng, bao trùm mọi lĩnh vực hoạt động của con người để làm cơ sở cho những hoạt động đó. Đối với Hêghen, triết học thật sự phải là lôgích học, còn đối với Phoiơbắc, đó là nhân bản học.
Tuy nhiên, do cố khắc phục những hạn chế siêu hình và máy móc trong nền triết học duy vật thế kỷ XVII-XVIII mà triết học cổ điển Đức lại rơi vào chủ nghĩa duy tâm, thần bí. Họ cho rằng, tính biện chứng sống động chỉ là bản tính của cái tinh thần, còn bản thân giới tự nhiên thì phi biện chứng. Dù vậy, họ vẫn biết tiếp thu những tư tưởng biện chứng quý báo trong di sản triết học truyền thống của nhân loại, phát triển thêm và xây dựng được phép biện chứng như một học thuyết triết học về mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển xảy ra trong thế giới. Triết học cổ điển Đức đề cao vai trò tích cực của con người với tính cách là
chủ thể của mọi hoạt động cải tạo thế giới – khách thể; và khảo sát khách thể gắn liền với hoạt động thực tiễn của chủ thể - con người. Song, do quan điểm duy tâm chi phối mà nhiều triết gia của nền triết học này
hiểu thực tiễn chỉ là hoạt động sáng tạo của ý thức, đồng thời tuyệt đối hóa ý thức, biến ý thức thành một lực lượng siêu nhiên có năng lực sáng tạo kỳ vĩ, vì vậy, triết học của họ mang tính duy tâm - thần bí.
Triết học cổ điển Đức là cơ sở thế giới quan, là nền tảng ý thức hệ của giai cấp tư sản Đức cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX vốn yếu về kinh tế, nhược về chính trị, nhưng có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, sống trong một xã hội mà tàn tích phong kiến còn quá nặng nề.