C. TRƯỜNG PHÁI DUY LÝ – TƯ BIỆN
c) Lý luận về nhận thức
Xuất phát từ quan niệm cho rằng, trật tự và mối liên hệ của tư tưởng hoàn toàn giống trật tự và mối liên hệ của Giới tự nhiên, một mặt, Xpinôda phủ nhận sự tồn tại tư tưởng bẩm sinh, mặt khác, ông coi:
nhận thức là hoạt động mang tính bản chất của con người. Theo ông, nhiệm vụ nhận thức là phát hiện ra các nguyên nhân khách quan của sự tồn tại và quy luật tự nhiên chi phối sự thay đổi của các dạng thức của Thực thể (sự vật đơn lẻ). Đối với ông, khả năng nhận thức của con người là vô hạn; quá trình nhận thức của con người tuân theo quy luật tự nhiên, và bao gồm bao gồm nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.
Nhận thức cảm tính chỉ cho phép cảm thụ được tính đa dạng và sinh động của sự vật đơn lẻ -dạng thức của Thực thể. Nhận thức lý tính cho phép nắm bắt những đặc tính tổng quát và căn bản của sự vật, nghĩa là khám phá ra thuộc tính, bản chất của Thực thể; trong đó, trực giác không chỉ là năng lực nhận thức cao nhất của lý tính khám phá ra bản chất của Thực thể mà còn là tiêu chuẩn của chân lý. Là một nhà duy lý, Xpinôda đề cao nhận thức lý tính coi thường nhận thức cảm tính, và quy cho cảm tính (đặc biệt là những xúc cảm tiêu cực) trách nhiệm gây ra những sai lầm trong nhận thức.
Ông cho rằng, nhận thức và làm đúng theo các quy luật tự nhiên là cách thức vươn tới tự do của con người. Không tồn tại tự do ý chí. Chỉ có xúc cảm chi phối hành động con người. Những cảm xúc tích cực thúc đẩy hoạt động nhận thức đúng đắn, còn những xúc cảm tiêu cực kìm hảm nhận thức hay dắt dẫn nhận thức sa vào sai lầm.
Mặc dù còn nhiều hạn chế do ảnh hưởng của nền tư tưởng đương thời nhưng trong lý luận về thực thể, về con người và về nhận thức của Xpinôda vẫn bộc lộ được những yếu tố duy vật, vô thần và biện chứng đáng quý.