Cái Tôi và nguyên lý “Tồn tại nghĩa là được cảm giác”

Một phần của tài liệu Tài liệu Giáo trình môn Lịch sử triết học doc (Trang 57 - 58)

D. TRƯỜNG PHÁI DUY TÂM BẤT KHẢ TRI 1 Giócgiơ Béccơly

a) Cái Tôi và nguyên lý “Tồn tại nghĩa là được cảm giác”

Đứng trước xu thế thắng lợi của chủ nghĩa duy vật – vô thần và trào lưu nhân bản, giám mục Béccơly đã đặt cho mình nhiệm vụ là khôi phục lại toàn bộ cái tinh thần đã bị xuyên tạc, nghĩa là khôi phục lại thần học, bảo vệ tôn giáo và tuyên truyền cho chủ nghĩa duy tâm thần bí. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông tự nhận lấy trách nhiệm loại bỏ chủ nghĩa vô thần cùng “người bảo trợ” của nó là chủ nghĩa duy vật. Theo ông, chủ nghĩa duy vật sẽ sụp đổ khi chỗ dựa của nó – thực thể vật chất bị loại bỏ; còn thực thể vật chất chỉ bị loại bỏ hoàn toàn khi dựa trên tinh thần của chủ nghĩa duy danh.

Khi dựa trên chủ nghĩa duy danh, Béccơly cho rằng, trong thế giới chỉ tồn tại các sự vật, hiện tượng riêng lẻ mà không có cái chung (cái phổ biến). Do đó, khái niệm thực thể vật chất chỉ là sự trừu tượng trống rỗng, vô nghĩa. Còn chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần do phải dựa trên khái niệm thực thể vật chất nên chúng chỉ là một nhầm lẫn của trí tuệ con người. Khi loại bỏ thực thể vật chất ra khỏi thế giới và giữ lại các sự vật riêng lẻ, ông coi chúng là tổng hợp các cảm giác của con người. Nhưng đối với ông, cảm giác không phải là sự phản ánh sự vật mà là cơ sở của sự vật; cảm giác không còn thì sự vật mất đi.

Từ nhận thức này ông bắt đầu xây dựng chủ nghĩa duy tâm chủ quan của mình từ lý luận duy giác của Lốcơ. Khi dựa trên lý luận “hai đặc tính” trong chủ nghĩa duy giác của Lốcơ, ông tiến đến đồng nhất đặc tính có trước với đặc tính có sau, rồi đồng nhất tính khách quan với tính chủ quan, đồng nhất tính chủ quan với cảm giác. Từ đó, ông đồng nhất tất cả chúng với cảm giác. Còn cảm giác – cái chủ quan của con người, theo ông, không phải là cái phản ánh thực tại khách quan mà chính chúng mới là thực tại khách quan. Ông cho rằng, không phải sự vật biến thành biểu tượng mà là biểu tượng biến thành sự vật. Do biểu tượng không tồn tại ngoài trí óc, nên sự tồn tại của chúng là ở chỗ chúng được cảm giác. Từ đây, ông đi đến kết luận nổi tiếng: Tồn tại nghĩa là được cảm giác. Cái gì không có trong cảm giác thì không tồn tại. Tất cả những sự vật hợp thành Vũ trụ đều không tồn tại ở ngoài tinh thần, mà là tồn tại trong trong tinh thần. Chúng chỉ là phức hợp cảm giác của con người cá nhân – Cái Tôi.

Béccơly không chỉ thừa nhận sự tồn tại tinh thần - cái Tôi của cá nhân này hay cái Tôi của các cá nhân khác thoáng qua, mà ông còn thừa nhận sự tồn tại của một tinh thần vĩnh viễn – Thượng đế. Ông thừa nhận có một tinh thần phổ biến vĩnh viễn khắp nơi. Tinh thần ấy đang nhận thức, đang sản sinh ra và bao trùm lên tất cả mọi vật. Nó vạch cho con mắt ta thấy những sự vật ấy như những cái phù hợp với quy tắc do chính nó định ra mà chúng ta gọi là các quy luật tự nhiên. Ông coi triết học của ông sẽ là vô ích, nếu nó không làm cho độc giả thật tâm tin vào sự hiện diện của Thượng đế và kính trọng Thượng đế, nếu nó không làm cho độc giả thấy rõ sự hoàn thiện tối cao của bản chất con người là ở việc nhận thức và thực hiện giáo lý Phúc âm.

Như vậy, từ chủ nghĩa duy giác Béccơly đã đi đến chủ nghĩa duy tâm chủ quan; và sau đó, từ chủ nghĩa duy tâm chủ quan ông đã chuyển sang chủ nghĩa duy tâm khách quan.

b) Quan niệm về nhận thức

Theo Béccơly, nhận thứcquá trình tự sản sinh ra tri thức của linh hồn cá nhân – cái Tôi. Xuất phát từ nguyên lý “Tồn tại nghĩa là được cảm giác”, ông cho rằng, linh hồn chỉ tồn tại khi nó cảm nhận các sự vật; và cũng chỉ khi ấy, trong chúng ta mới có được tri thức về sự vật. Đối với ông, tri thức được chứa trong ý niệm (khái niệm trừu tượng); còn ý niệm là kết quả của quá trình so sánh và phân tích các cảm giác. Nếu xét về thực chất, thì ý niệm, cảm giác là như nhau. Tất cả chúng đều tồn tại trong linh hồn; tuy nhiên, chúng khác linh hồn ở chỗ linh hồn là nền chất “nuôi dưỡng” chúng.

Từ chỗ phủ nhận sự tồn tại của thế giới khách quan, Béccơly tiến đến phủ nhận sự tồn tại của chân lý khách quan. Theo ông, chân lý là sự thể hiện tính rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu của tri giác cảm tính, của ý niệm. Chân lý là sự tương hợp của tri giác ở các linh hồn khác nhau, ở sự tương đồng và tuân theo ý Thượng đế, chứ chân lý không phải là sự phù hợp của tri thức, tức cái chủ quan với sự vật vật chất khách quan.

Triết học của Béccơly về sau được Hium và Makhơ (E.Mach) kế tục và phát triển.

Một phần của tài liệu Tài liệu Giáo trình môn Lịch sử triết học doc (Trang 57 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w