II. CÁC TƯ TƯỞNG VÀ TRƯỜNG PHÁI TRIẾT HỌC A CÁC TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC THỜI PHỤC HƯNG
b) Triết học xã hộ
Hốpxơ xuất phát từ quan niệm, con người là một thể thống nhất giữa cái tự nhiên và cái xã hội mà cho rằng có hai trạng thái tồn tại của xã hội loài người là trạng thái tự nhiên và trạng thái công dân.
Trong trạng thái tự nhiên, bản tính tự nhiên là ích kỷ và hiếu chiến của con người thống trị. Khi bị thúc đẩy bởi bản tính tự nhiên, con người chỉ biết thỏa mản mọi khát vọng cho riêng mình mà chà đạp tất cả. Đây là cội nguồn của mọi điều ác, và chúng đẩy xã hội vào các cuộc chiến tranh triền miên của tất cả (mọi người) chống lại tất cả. Trong trạng thái tự nhiên, mỗi con người phải tự bảo vệ mình dựa theo các định luật tự nhiên, và tranh giành tất cả những gì mình muốn. Mỗi người đều có quyền làm tất cả. Tuy nhiên, về mặt tự nhiên, nói chung con người ai cũng như ai. Sự bình đẳng về mặt tự nhiên đã làm cho con người bất hạnh chứ không mang lại hạnh phúc cho họ. Các cuộc chiến tranh sinh tồn chỉ làm cho con người ngày càng rơi vào tình trạng khó khăn phức tạp thêm. Ai cũng lo sợ cho tính mạng và cuộc sống của riêng mình. Để thoát ra khỏi tình trạng này, con người buộc phải từ bỏ quyền được làm tất cả. Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua việc ký kết các khế ước xã hội. Khi khế ước xã hội được thực hiện, thì trạng thái tự nhiên sẽ nhường chỗ cho trạng thái công dân; khi đó, xã hội công dân sẽ ra đời và nhà nước sẽ xuất hiện.
Trong trạng thái công dân, bản tính tự nhiên của con người bị ức chế bởi bản tính xã hội. Dựa trên sự thống trị của bản tính xã hội, con người lập ra nhà nước. Nhà nước cùng bộ máy chính phủ - linh hồn của nó, thông qua các đạo luật của mình kìm hảm khát vọng tự nhiên và thu hẹp tự do - muốn làm gì thì làm của con người. Với nhiệm vụ là điều hành sự phát triển xã hội vì lợi ích chung, nhà nước trừng phạt một cách công minh và chính xác những ai vi phạm khế ước xã hội. Bản thân mỗi con người – công dân của nhà nước, phải có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực của nhà nước. Nhà thờ cũng phải phục tùng nhà nước chứ không phải ngược lại. Theo ông, các nhà vô thần không có tội, mà họ chỉ là những người suy nghĩ nông cạn. Hoạt động tôn giáo phải hướng vào việc khuyên con người làm theo các chuẩn mực của nhà nước…
Mặc dù các quan niệm về xã hội và nhà nước của Hốpxơ còn mang nặng tính tự nhiên, nhưng chúng đã thể hiện xu hướng tiến bộ của giai cấp tư sản trong quá trình đấu tranh chống lại thế quyền phong kiến của Nhà nước và thần quyền của Nhà thờ.
3. Giôn Lốcơ
Lốcơ (John Locke, 1632-1704) sinh ra trong một gia đình công chức nước Anh, là đại biểu duy cảm điển hình của chủ nghĩa duy vật Anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông say mê nghiên cứu kinh tế - chính trị học, y học và triết học. Sau cách mạng tư sản Anh, ông sống lưu vong ở Pháp, Hà Lan. Kinh nghiệm về lý tính con người là tác phẩm triết học cơ bản, trong đó, ông chủ yếu bàn về nhận thức theo tinh thần của chủ nghĩa duy giác. Đây là cơ sở phương pháp luận của các nhà kinh tế chính trị học tư sản cổ điển.
Lốcơ phê phán các lý luận duy tâm về nhận thức như lý luận về tư tưởng bẩm sinh của Đềcáctơ, lý luận về khả năng bẩm sinh của Lépnít, đồng thời bảo vệ lý luận “linh hồn - tấm bảng trắng” do Arixtốt đưa ra. Dựa trên lý luận này, ông khẳng định mọi nhận thức của con người đều bắt đầu từ các cơ quan cảm tính, đều phải thông qua quá trình hoạt động năng động của linh hồn mà sản sinh ra tri thức; nghĩa là không có tri thức hay năng lực bẩm sinh, mọi tri thức của con người đều bắt nguồn từ cảm giác, từ kinh nghiệm.
Lốcơ chia cảm giác của con người thành cảm giác bên ngoài và cảm giác bên trong. Kinh nghiệm không chỉ là khả năng nhận thức cảm tính mà còn là bản thân lý tính. Vì vậy, kinh nghiệm cũng có hai loại là kinh nghiệm bên ngoài và kinh nghiệm bên trong. Kinh nghiệm bên ngoài là kết quả tập hợp các cảm giác phát sinh do sự tác động của các sự vật khách quan lên cơ quan cảm tính (ngoại cảm) của con người.
Kinh nghiệm bên trong là kết quả tập hợp các nội cảm phát sinh từ các phản xạ bên trong hay các xúc cảm tâm lý chủ quan của con người.
Việc coi lý tính cũng là kinh nghiệm đã đưa Lốcơ đi đến khẳng định duy giác: Không có cái gì trong lý tính mà trước đó không có trong cảm tính. Còn tập hợp các kinh nghiệm sẽ đưa đến đời sống tâm lý – tư tưởng của con người. Và tư tưởng của con người, theo ông, cũng có hai loại là tư tưởng đơn giản và tư tưởng phức tạp. Tư tưởng đơn giản là tổng đơn thuần các cảm giác của con người. Tư tưởng phức tạp xuất hiện khi có sự hoạt động tích cực của lý trí như phân tích, so sánh, đối chiếu, kết hợp các cảm giác với nhau giúp hiểu sự vật sâu sắc hơn.
Lốcơ cũng phân chia đặc tính của sự vật ra thành đặc tính có trước và đặc tính có sau. Đặc tính có trước mang tính khách quan, nghĩa là không phụ thuộc vào cảm giác con người; đó là quãng tính, khối lượng…; chúng không mất đi cho dù ta biến đổi sự vật thế nào đi nữa; nhiệm vụ của các khoa học là phải phát hiện ra chúng. Đặc tính có sau có thể mang tính khách quan, nghĩa là không phụ thuộc vào cảm giác con người; nhưng, cũng có thể mang tính chủ quan, nghĩa là phụ thuộc vào cảm giác con người; đó là âm thanh, mùi vị, màu sắc… rất dễ biến đổi và có thể không giống nhau ở những người khác nhau.
Quan điểm không nhất quán về bản tính khách quan hay chủ quan của đặc tính có sau thể hiện sự dao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm trong lập trường triết học duy giác mà Lốcơ chịu ảnh hưởng. Chính từ chỗ không triệt để này mà chủ nghĩa duy giác của Lốcơ trở thành cội nguồn lý luận đưa đến sự xuất hiện của chủ nghĩa duy tâm chủ quan Béccơly lẫn chủ nghĩa duy vật Pháp.