Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương. Biển Việt Nam có lợi thế lớn cả về lợi thế tĩnh và lợi thế động. Về lợi thế tĩnh thì Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, có vùng biển rộng trên 1 triệu km2 (gấp hơn 3 lần diện tích đất liền), ven bờ có nhiều hòn đảo lớn - nhỏ, nhiều bãi biển đẹp, nguồn hải sản phong phú, biển có trữ lượng khoáng sản lớn (đặc biệt là dầu mỏ),… Về lợi thế động thì biển Việt Nam có vị trí địa kinh tế và địa chiến lược đặc biệt - Việt Nam nằm trên các tuyến hàng hải và các luồng giao thông quốc tế chủ yếu. Lợi thế này ngày càng tăng với quá trình toàn cầu hóa.
Biển đã đem lại cho Việt Nam nhiều nguồn lợi lớn từ khai thác khoáng sản (nhất là dầu khí, than ven biển, làm muối), phát triển kinh tế hàng hải, khai thác hải sản, du lịch biển và phát triển các khu kinh tế ven biển. Việc khai thác nguồn lợi biển đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Các ngành kinh tế biển luôn chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Năm 2011, ước tính tỉ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển chiếm khoảng 48% GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển,... Như vậy, có thể nói, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển.
Nhưng để biến tiềm năng này thành hiện thực, công tác quản lý kinh tế biển đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý kinh tế biển của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như:
- Quản lý hoạt động khai thác biển Việt Nam vẫn còn thiếu đồng bộ và thống nhất.
một số bất cập,
- hệ thống pháp luật về biển còn thiếu nhiều luật cần thiết, chua đảm bảo tinhs thống nhất, và khả thi.
- Các cơ quan quản lý kinh tế biển vẫn chủ yếu theo ngành, thiếu tập trung, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển kinh tế biển.
- Quy hoạch các ngành nghề, các kinh vực liên quan tới kinh tế biển Việt Nam còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thẻ.
- Các hoạt động khai thác kinh tế biển Việt Nam còn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý của nhà nước dẫn tới khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế chưa cao.
- Nhận thức về vai trò của kinh tế biển của các cấp lãnh đạo, của chính quyền địa phương và của người dân còn chưa cao.
- Việt Nam còn thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chỉ khai thác biển trong vùng lãnh hải của mình, ít hợp tác với các nước khai thác những vùng biển xa hơn, đại dương xa hơn.
Thế kỷ XXI được thế giới xem như là “Thế kỷ kinh tế biển và đại dương”. Hướng ra biển - đại dương đang là khẩu hiệu chiến lược của nhiều quốc gia. Việt Nam là một quốc gia biển, có điều kiện thuận lợi trong cuộc tranh đua đó để phát triển đất nước, nên không thể bỏ qua xu thế này. Trong quá trình tìm kiếm các con đường đưa nước ta trở thành một quốc gia “mạnh về biển”, điều hết sức quan trọng là Việt Nam cần phải xây dựng chính sách quản lý kinh tế biển hiệu quả. Tất cả nhưng vấn đề trên cho thấy: Trong thời gian tới, việc cải tiến và hoàn thiện công tác quản lý kinh tế biển ở Việt Nam được đặt ra là rất cấp bách.