Ngày 17/7/2002, đại diện của VASEP đã lên đường sang Mỹ tham dự cuộc điều trần đầu tiên trước Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ (USITC) trong vụ kiện bán phá giá cá basa do CFA khởi xướng (Phụ lục 2). Cuộc chiến cá da trơn bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Sau khi trở về Việt Nam từ phiên điều trần, đại diện VASEP rất lạc quan cho rằng vụ kiện cá basa đang có chiều hướng tốt cho Việt Nam mặc dù đến 12/8/2002, USITC mới đưa ra kết luận cuối cùng. Vẫn còn quá sớm để nói về kết quả cuối cùng, nhưng có thể đánh giá là chúng ta đã vượt qua giai đoạn đầu thành công, kết quả tốt hơn dự liệu ban đầu. Thái độ của USITC cũng khá thuận lợi, thiện chí. Các chuyên gia luật của chúng ta đã chỉ ra được nhưng vi phạm về luật của nguyên đơn: CFA là các chủ trại nuôi nhưng họ lại đi kiện cá filê đông lạnh, một sản phẩm của các nhà chế biến. Hơn nữa, sản phẩm bị kiện không rõ ràng vì cá filê đông lạnh có thể gồm cả cá rô phi, cá chẽm, sản phẩm tẩm bột…. Nếu như vậy, số người của nguyên đơn chưa
chắc đã đủ tỷ lệ đểđứng đại diện, và nếu tính đủ thì thị phần của Việt Nam hết sức nhỏ. Các nhà chế biến của Mỹ thì chưa chắc đã bị ảnh hưởng, bởi giá cá rẻ họ có thể giảm chi phí đầu vào. Ta cũng chỉ ra rằng, dù chỉ có 14 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá sang Mỹ nhưng có tới 53 đơn vị bị
kiện. Giai đoạn đầu chỉ là xác định sơ bộ xem sản phẩm nhập khẩu có thực sự gây thiệt hại vật chất cho sản phẩm sản xuất trong nước Mỹ hay không, hoặc có khả năng gây thiệt hại hay không. Ngày 12/8, USITC sẽ kết luận. Trong trường hợp xấu nhất, kết luận là "có" thì vụ việc được chuyển sang Bộ Thương mại Mỹ điều tra, sau đó trả về cho USITC xem liệu có những bằng chứng hiển nhiên cho thấy việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại không. Nhưng có gây thiệt hại vẫn chưa có nghĩa là bán phá giá. Sẽ có điều tra về phá giá sau đó. Vụ kiện có thể kéo dài 9 tháng đến 1 năm. Các bang phía nam thì ủng hộ CFA, nhưng các bang khác thì cho rằng đây là một vụ
kiện vô lý. Trước đây, CFA rêu rao rằng: "Cá Việt Nam giống cá Mỹ như
con mèo giống con bò". Giờ họ quay lại nói rằng con mèo ấy đang gây hại cho con bò. Đó là sự tráo trở trong lập luận mà không ai, kể cả người Mỹ ưng cả. Tuy nhiên, CFA sẽ được sự ủng hộ của chính trường các bang phía nam vì đang ở giai đoạn tranh giành phiếu bầu. Các nhà nhập khẩu thì cho rằng lý lẽ của CFA không đúng, bởi đây là hai nhóm cá khác nhau, tiêu thụ
trên thị trường khác nhau. Một nhà nhập khẩu Mỹ đại diện cho Công ty Maritime (bang Masachusette) có truyền thống buôn bán cá từ 4 đời nay, cho rằng basa và catfish tiêu thụ ở 2 khu vực thị trường khác nhau, không phải là sản phẩm thay thế nhau mà chỉ mang thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Catfish chủ yếu tiêu thụ ở các bang miền nam nước Mỹ, thị trường hạn chế hơn cá basa nhiều. Việc CFA chống phá một loại cá rất lạ, mới nhập khẩu, thị phần nhỏ sẽ làm người tiêu dùng Mỹ tìm hiểu xem lý do và họ sẽ biết cá basa Việt Nam là loại cá ngon, rẻ. Đó là mặt lợi. Nhưng Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải tốn phí nhiều.
(Phúc Huy, Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 23/7/2002)